“Ăn bớt” lượng hàng đóng gói sẵn
Thanh tra Bộ KH-CN cho biết, trong đợt thanh tra chuyên ngành năm 2015, thanh tra 2.867 cơ sở thì có 556 đơn vị vi phạm, chiếm tỷ lệ 19,5%. Vi phạm về đo lường chiếm tỷ lệ lớn với 364 lượt vi phạm, chiếm 51% số lượt hành vi vi phạm.
Cụ thể, hành vi sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn mà lượng của hàng đó có giá trị trung bình nhỏ hơn giá trị trung bình cho phép là 253 lượt, chiếm 35%; Hành vi không ghi lượng hàng đóng gói sẵn, không ghi, ghi không đúng đơn vị đo pháp định là 42 lượt, chiếm 6% số lượt hành vi vi phạm.
Ngoài ra, thanh tra Bộ KH-CN còn phát hiện một tỷ lệ không nhỏ hàng hóa vi phạm về quy định nhãn hàng hóa, chất lượng hàng đóng gói sẵn không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; không công bố tiêu chuẩn áp dụng và các hành vi liên quan đến sở hữu trí tuệ, mã số mã vạch... Đáng chú ý, có sản phẩm lại đóng gói thừa so với trọng lượng ghi trên nhãn mác, chứng tỏ sự tùy tiện của nhà sản xuất.
Cách đây khoảng 1 tháng, không ít người tiêu dùng đã “ngã ngửa” khi truyền thông đưa tin 1 gói tôm sú đông lạnh bán trong siêu thị, bao bì ghi nặng 500 g, nhưng khi cân chỉ có 200 g. Đây chỉ là một trong số hàng trăm sản phẩm bị phát hiện có gian lận đo lường trong thời gian qua.
Chị Hà Vân Anh - khu tập thể Thanh Xuân Bắc cho biết: “Người tiêu dùng chúng tôi rất cảnh giác, nhưng chỉ hay nhắc người bán hàng tại các chợ dân sinh phải cân đủ chứ chưa từng nghĩ tới hàng đóng gói sẵn được bán trong các siêu thị, cửa hàng tiện ích qua nhiều vòng kiểm tra cũng có gian lận. Với cung cách ăn bớt hơn một nửa trọng lượng hàng hóa như vậy thì kiểu sản xuất, kinh doanh này sẽ không thể bền vững”.
Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nhiều cơ sở sai phạm quy định về hàng đóng gói sẵn (Ảnh minh họa). |
Theo thanh tra Bộ KH-CN, gian lận đo lường đối với hàng đóng gói sẵn diễn ra phổ biến ở hầu khắp các nhóm hàng được đóng bao gói sẵn.
Trong đó, các nhóm hàng có tỷ lệ vi phạm cao nhất qua đợt thanh tra thực tế là: Rượu, bia nước giải khát, nước uống (25%); Nông sản, sản phẩm từ nông sản (24%); Phân bón (23%); Sơn, bột bả tường (21%); Bánh, mứt, kẹo, đường (20%); Xi măng (20%); Khí đốt hóa lỏng LPG (20%); Thuốc bảo vệ thực vật (19%)... Điều này đồng nghĩa với việc trung bình cứ 4-5 sản phẩm được thanh tra thì có 1 sản phẩm bị đong thiếu. Tỷ lệ này khá lớn và người tiêu dùng bị móc túi quá nhiều.
Kiểm tra kỹ trước khi mua hàng
Hàng đóng gói sẵn là hàng hóa đã được định lượng, đóng gói và ghi sẵn định lượng trên nhãn hàng hóa mà không có sự chứng kiến của bên mua. Vì vậy, nhiều vấn đề bất cập nảy sinh, nhất là vi phạm liên quan đến đo lường. Đặc biệt, nhờ có bao bì sạch đẹp, gọn ghẽ, thuận tiện, lại thường được bán ở những nơi uy tín như: siêu thị, cửa hàng tiện ích... nên người mua thường chủ quan, không kiểm tra lại, dẫn đến thiệt thòi mà ít bị phát hiện.
Đại diện thanh tra Bộ KH-CN khuyến cáo: “Người tiêu dùng nên tự kiểm tra hàng hóa khi mua để tránh bị gian lận. Nếu phát hiện vi phạm cần liên hệ với doanh nghiệp và các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng để khiếu nại đòi quyền lợi”.
Đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết, cơ quan này có nhận được đơn khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến vi phạm về đo lường. Tuy nhiên, những khiếu nại này vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ.
“Người tiêu dùng vẫn có tâm lý ngại khiếu nại, thay vào đó là tự mình tẩy chay hàng hóa gian lận đo lường mà không kiên quyết theo vấn đề đến cùng. Trong khi đó, đa số người tiêu dùng có niềm tin vào hàng đóng gói sẵn, ít kiểm tra lại nên quyền lợi bị xâm hại mà không biết. Để đảm bảo quyền lợi, người dân nên cẩn trọng kiểm tra hàng trước khi thanh toán và có thể nhờ các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng đòi quyền lợi”, vị đại diện cho hay.
Cũng theo vị đại diện này, nên công khai danh tính các doanh nghiệp, hàng hóa vi phạm để người tiêu dùng cảnh giác, đồng thời nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, ngăn chặn vi phạm tái diễn.
Hiện nay, nhiều chợ dân sinh đã đặt cân đối chứng để người mua kiểm tra lại trọng lượng. Các siêu thị cũng có cân để người mua kiểm chứng. Vì vậy, bên cạnh việc quan tâm đến hạn sử dụng, thương hiệu, người tiêu dùng cũng cần kiểm tra trọng lượng hàng để tránh bị thiệt.