Mẫu được khảo sát gồm có 20 người tiêu dùng và 20 người bán hàng tại 10 quận huyện của TP HCM. Trong đó có 12 người tiêu dùng cho biết họ đã từng bị cân thiếu. Về phía người bán hàng, có đến 16/20 người nói rằng, họ chưa từng cân thiếu khi bán.
Cân thiếu là do tâm lý ham rẻ?
Trả lời câu hỏi của nhóm khảo sát về chuyện từng bị cân thiếu, một người nội trợ (đề nghị không nêu tên) ở quận Bình Thạnh, kể rằng, từng phát hiện 1 kg trái cây mua ở chợ về chỉ còn gần 7 lạng sau khi cân đối chiếu.
“Ngay cả hàng thịt quen mua hằng ngày, thỉnh thoảng tôi vẫn phát hiện người ta cân điêu”, người phụ nữ này bức xúc. Chị nằm trong nhóm người cho biết, từng bị cân thiếu khi mua hàng. Các trường hợp cân thiếu chỉ được phát hiện khi người mua “cảm thấy” hàng hóa không đủ trọng lượng và cân đối chiếu tại nhà. Những nơi bán hàng cân thiếu được chỉ cụ thể là ở các chợ và hàng rong, xe đẩy.
Ở một khu vực mua sắm khác, không có ý kiến nào trong số người được khảo sát, cho rằng, từng bị cân thiếu ở siêu thị hoặc trung tâm mua sắm lớn. Chị Phan Hải Uyên (quận Bình Tân) còn tự tin là chưa bao giờ bị cân thiếu vì luôn mua sắm ở siêu thị. Chị cũng nằm trong số 30% người tiêu dùng cho rằng, có thể loại bỏ nguy cơ bị cân thiếu bằng cách ưu tiên mua ở siêu thị và tránh hàng rong.
Cùng cân một khối lượng: Cân chuẩn của chợ Bà Chiểu (phải) chỉ số 2,3 kg, trong khi đó cân đã được “độ” bên trái lên đến gần 2,7 kg. |
Nằm trong nhóm người bán hàng khẳng định không cân thiếu, anh Trần Văn Quý, một người bán trái cây ở quận 1, nói rằng, cân thiếu và hạ giá hàng hóa xuống chưa bao giờ là phương châm buôn bán của anh. “Của do mình thật sự làm ra mới ở với mình hoài, cân thiếu thì giống như gian lận vậy”, anh chia sẻ.
Tuy nhiên anh Quý cũng bày tỏ băn khoăn: “Vấn đề là những người cân thiếu sẽ bán giá rẻ hơn, hóa ra những người cân đủ, bán đúng giá như mình lại bất lợi”. Một số ý kiến khác trong nhóm người bán hàng cũng xem tâm lý ham rẻ của người mua hàng, là cái cớ để nhiều người bán chọn cách cân thiếu và hạ giá bán xuống.
Tuy nhiên, phần đông người bán hàng được hỏi (13/20 người) vẫn nhìn nhận việc cân thiếu như một hành vi lừa đảo, không thể chấp nhận được, gây mất uy tín và sẽ “mang tội” hoặc là “có lỗi với đời con cháu”.
Tỉ lệ này còn cao hơn so với nhìn nhận tương tự từ phía người mua hàng (11/20 ý kiến).
Ý kiến “cân thiếu là chuyện bình thường trong buôn bán” chỉ được 3 người bán hàng đồng tình, trong khi con số này ở nhóm người mua là 5/20. Bà Nguyễn Thị Bé Bảy (quận 1) cho rằng vấn đề quan trọng là thuận mua vừa bán.
“Phải để cho họ cân non một chút mới có chút lời chứ, quan trọng là có mức độ để người mua hài lòng là được”, bà chia sẻ.
Ưu tiên giải pháp mềm mỏng
Có thể thấy việc cân thiếu dù là với số lượng ít cũng sẽ tạo nên một môi trường cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh và lâu dần khiến người tiêu dùng mất lòng tin vào các khu chợ hay điểm bán hàng nhỏ lẻ.
Điều này sẽ gây ảnh hưởng đáng kể khi chợ vẫn luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc mưu sinh và truyền thống mua sắm của người dân.
Tuy nhiên, trong số các giải pháp được đề xuất nhằm giải quyết tình trạng cân thiếu, có 15/40 ý kiến tin tưởng vào vai trò của truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức của người bán. Trong đó có 9 ý kiến của người mua và 6 ý kiến của người bán. Đây là ý kiến được nhiều người đồng tình nhất (chiếm 37,5%).
Những giải pháp có tính quyết liệt hơn lại ít được số đông đồng tình, nhất là từ phía người bán hàng, mặc dù nhiều người trong số họ cũng cho rằng cân thiếu là hành vi lừa đảo cần xóa bỏ. Đáng chú ý là có đến 10/20 người mua hàng đề nghị cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát và phạt nặng các trường hợp cân thiếu, trong khi tỉ lệ này ở nhóm người bán chỉ là 3/20 ý kiến.
Giải pháp tẩy chay không mua hàng ở những nơi cân thiếu được 7 người mua đồng tình trong khi chỉ có 5 người bán đồng ý. Tương tự, giải pháp chỉ mua hàng ở siêu thị được 6 người mua hàng lựa chọn thì lại không có người bán hàng nào đồng tình.
Bên cạnh những giải pháp trên, nhiều người trả lời khảo sát cũng đề xuất những biện pháp khác để người mua hàng tự bảo vệ mình, như mang theo cân cá nhân khi đi chợ, xây dựng thói quen cân đối chiếu sau khi mua hàng hoặc góp ý trực tiếp với người bán khi phát hiện bị cân thiếu…
Vũ Thị Thanh Thảo (nhân viên văn phòng, quận Gò Vấp): “Cân thiếu là hành vi lừa đảo, không chấp nhận được. Người tiêu dùng nên chọn mua sắm ở siêu thị và các khu chợ uy tín thay vì hàng rong, xe đẩy”.
Lê Thị Ngọc Sương (sinh viên, huyện Bình Chánh): “Tôi từng bị cân thiếu trong một lần mua hàng ở chợ. Vì nghi ngờ nên đã yêu cầu người bán hàng cân lại ngay tại chỗ. Sau đó tôi tẩy chay cửa hàng này. Theo tôi, để giải quyết, quan trọng nhất là phải nâng cao nhận thức của người kinh doanh buôn bán”.
Lâm Thị Cẩm Thường (sinh viên, quận Bình Thạnh): “Theo tôi, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát thường xuyên và phạt nặng những nơi cố tình cân thiếu để răn đe”.