Thông báo kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ chỉ ra UBND TP.HCM đã vi phạm các quy định của pháp luật trong việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch và thu hồi đất đối với khu tái định cư 160 ha thuộc 5 phường đã được Thủ tướng phê duyệt.
Trong số đó, UBND TP đã chấp thuận chuyển mục đích sử dụng hơn 30 ha đất của Công ty Cổ phần Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 (Century 21) tại dự án Khu du lịch, văn hóa, giải trí thuộc phường Bình Khánh sang xây dựng khoảng 4.000 căn hộ tái định cư và hoán đổi hơn 30 ha đất sạch thuộc 90,2 ha khu tái định cư Nam Rạch Chiếc. Sau đó, TP lại chấp thuận cho chuyển khu đất tái định cư này sang đầu tư kinh doanh nhà ở.
Dự án The Water Bay được triển khai trong những năm qua, nằm dọc đại lộ Mai Chí Thọ có quy mô 300.000 m2, 12 block nhà, có 5.000 căn hộ, 3.000 officetel, 250 shophouse nhưng hiện bất động một thời gian dài. Ảnh: Lê Quân. |
Dự án khu dân cư hơn 30 ha ở phường Bình Khánh nói trên hiện mang tên The Water Bay tại số 26 Mai Chí Thọ, của chủ đầu tư là Century 21. Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong dự án này, TP.HCM không thực hiện đấu giá theo quy định, tính tiền sử dụng đất không đúng thời điểm giao đất.
Doanh nghiệp hưởng lợi lớn khi được giao đất ở Thủ Thiêm
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm tư vấn pháp luật TP.HCM - Trung ương Hội luật gia Việt Nam) đánh giá dư luận quan tâm nhiều đến việc các doanh nghiệp được hưởng lợi lớn khi họ được giao đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Do đó, ông cho rằng cần phải làm rõ vấn đề này.
"Doanh nghiệp là tổ chức hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản buộc phải biết quy định pháp luật đối với đất đai, đất được giao trong trường hợp nào cũng phải đúng luật định. Đất công hoặc nhà thuộc về công sản phải thông qua đấu giá", luật sư Dũng nhận định.
Theo ông Dũng, trong trường hợp này, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra TP.HCM không thực hiện đấu giá theo quy định, hành vi này là sai phạm. Trong khi đó, doanh nghiệp nhận đất từ TP nên khó có thể nói là không có trách nhiệm gì khi được giao đất một cách trái pháp luật.
Sau nhiều năm xây dựng, Khu dân cư The Water Bay chỉ hiện hữu 3 block nhà ở đã hoàn thiện, gắn logo của Công ty Cổ phần Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 . Ảnh: Lê Quân. |
Luật sư Trần Đình Dũng phân tích thêm mục đích giao 30 ha đất này là sử dụng vào việc xây dựng khu tái định cư. Nhưng người quản lý có thẩm quyền đã chuyển mục đích, giao cho doanh nghiệp sử dụng kinh doanh thương mại, trong khi không có ý kiến cho phép của Thủ tướng.
"Đây là hành vi cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật. Hành vi này vi phạm pháp luật Hình sự tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai (nay là Điều 229 BLHS 2015)", ông Dũng nói.
Theo quy định tại điều này, người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật… thì cần phải bị xử lý.
Làm thế nào để phân định trách nhiệm?
Về việc xác định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án trong 160 ha tái định cư ở Thủ Thiêm, luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng việc phân định trách nhiệm này khó, trừ khi chứng minh được có sự thông đồng, bắt tay hay cấu kết giữa bên giao đất và bên nhận đất.
"Quan hệ giữa UBND TP.HCM với các doanh nghiệp là quan hệ hành chính, mệnh lệnh. Do đó, chủ đầu tư có quyền xin giao đất tái định cư để làm nhà ở kinh doanh. Còn việc chấp thuận hay không hoàn toàn do UBND TP", luật sư Dũ đánh giá.
Người dân thủ Thiêm cần được bồi thường. Ảnh: Tùng Tin. |
Vị luật sư cho rằng nếu như việc TP.HCM giao đất cho doanh nghiệp với giá không đúng thì có thể truy thu lại tiền thuê đất theo giá đúng. Còn việc giao không thông qua đấu giá thì không có cách gì khắc phục được. Bởi không thể quay lại đấu giá khi các doanh nghiệp này đã nhận đất và đã đầu tư xây dựng.
Về thu hồi dự án, luật sư Dũ đánh giá nếu doanh nghiệp đã đầu tư dự án rồi thì khó có thể thu hồi. Còn nếu chưa đầu tư thì có thể xem xét để thu hồi lại, điều này tùy thuộc vào quá trình điều tra của cơ quan chức năng.
Đồng quan điểm, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng việc thu hồi dự án là tùy thuộc vào cơ quan chức năng. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể vô can trong câu chuyện này.
Ông cho rằng nếu UBND TP giao đất sai mà doanh nghiệp chứng minh được mình ngay tình thì cũng phải chịu trách nhiệm về dân sự, điều này tùy thuộc vào cách giải quyết giữa UBND TP và doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp là nhà đầu tư thì phải được suy đoán là hiểu biết, nắm rõ quy định của pháp luật. Tại thời điểm mua đất để xây dựng dự án, doanh nghiệp chắc chắn phải tìm hiểu kỹ về quy hoạch, không thể cho rằng mình không biết đất này là đất tái định cư, không được phép giao được. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chịu trách nhiệm gì thì phải chờ cơ quan chức năng điều tra, đánh giá", vị luật sư nhận định.
Century 21 là ai?
Công ty cổ phần Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 (Century 21) trước đây là Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21, được thành lập dưới hình thức công ty 100% vốn nước ngoài, có thời hạn hoạt động 50 năm.
Tháng 6/2015, Công ty TNHH Thế Kỷ 21 phát hành thêm cổ phần cho các cổ đông trong nước để tăng vốn điều lệ từ gần 1.281 tỷ đồng lên 2.613 tỷ đồng và chuyển đổi thành CTCP.
Năm 2015, Novaland nắm quyền kiểm soát Century 21 qua sở hữu gián tiếp là Công ty Bất động sản Khải Hưng. Thời điểm đó, Novaland mua lại 99,91% vốn của Công ty cổ phần Bất động sản Khải Hưng (công ty này đang sở hữu 50% cổ phần Century 21).
Trong tháng 4 và tháng 8/2016, Khải Hưng lần lượt mua thêm 32,46% và 16,54% cổ phần của Century 21 từ 2 quỹ đầu tư, qua đó tăng tỷ lệ sở hữu tại Century 21 lên 99%.
Thương vụ này giúp Novaland bổ sung thêm 2 dự án lớn tại quận 2 vào danh mục các dự án của mình là The Water Bay và Lakeview City (1.000 căn hộ) - mỗi dự án đều có diện tích đất lên đến 30 ha.