Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp chi hơn 10.000 tỷ cho 2 khối băng tần 5G

Viettel đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính sau khi đấu giá băng tần, trong khi VNPT cũng sắp hoàn thành.

Viettel cùng VNPT đấu giá thành công 2 khối băng tần cho 5G trong tháng 3. Ảnh: HN.

Chiều 8/4, trong họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện Cục Tần số vô tuyến điện cho biết 2 cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện diễn ra trong tháng 3 đã thành công.

Cụ thể, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) trúng đấu giá khối băng tần B1 (2500-2600 MHz) với giá 7.533 tỷ đồng. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trúng đấu giá khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) với giá 2.581 tỷ đồng.

Riêng khối băng tần C3 (3800-3900 MHz), do chỉ có một doanh nghiệp nộp tiền đặt trước để tham gia đấu giá, không đủ số lượng tối thiểu theo quy định Luật Đấu giá tài sản, nên cuộc đấu giá không thành công.

Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho biết tới ngày 8/4, Viettel đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính, bao gồm tiền đấu giá, phí, lệ phí sử dụng tần số, cấp phép hoạt động. Dự kiến VNPT cũng sẽ hoàn thành nghĩa vụ trong ngày 9/4.

Sau khi doanh nghiệp hoàn thành các nghĩa vụ, Bộ TT&TT sẽ thực hiện các thủ tục để cấp phép tần số, cho phép doanh nghiệp khai thác kinh doanh.

Đối với khối băng tần C3, khi thực hiện đấu giá trở lại trong thời gian tới, mức giá khởi điểm sẽ được đặt ra dựa trên mức trúng đấu giá của băng tần C2. Nếu việc đấu giá lại vẫn không thành công, Bộ sẽ có phương án bán băng tần cho doanh nghiệp, dựa trên quy định của pháp luật.

Cục Tần số đánh giá đợt đấu giá băng tần diễn ra thành công. Đây cũng là lần đầu tiên việc tổ chức đấu giá thành công sau 15 năm kể từ khi Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội thông qua.

Đại diện Cục nhận định việc cấp phép sử dụng băng tần trong thời gian tới sẽ giúp tần số cấp cho thông tin di động tăng 59% so với lượng tần số hiện doanh nghiệp đang được cấp.

“Chắc chắn chất lượng băng rộng di động sẽ tăng lên”, ông Lê Văn Tuấn nhận xét.

Liên quan đến vấn đề thương mại hóa 5G, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông cho biết giá dịch vụ do doanh nghiệp chủ động đặt ra, dựa trên giá thành, tính toán từ nhiều yếu tố như nhu cầu sử dụng, chất lượng dịch vụ, chi phí, mức độ đầu tư của doanh nghiệp.

Bộ cũng đã ký cam kết với các doanh nghiệp, nhằm đảm bảo doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện sử dụng tần số được đặt ra khi đấu giá tần số 5G.

Nhà mạng thứ hai sở hữu băng tần để phát triển 5G

Chiều 19/3, VNPT thông báo đã chính thức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số đối với khối băng tần C2 (3.700 - 3800 MHz) phục vụ cho chiến lược phát triển mạng 5G trên cả nước.

Minh Khôi

Bạn có thể quan tâm