Phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại châu Á đã chậm lại kể từ khi công bố kết quả bầu cử tại Mỹ. Những công ty, từ Trung Quốc đến Ấn Độ, đang cố gắng kéo dài hoặc hoãn kế hoạch.
Sự trì hoãn đột ngột trên thị trường nợ có thể đe dọa một mô hình tăng trưởng đã bén rễ tại châu Á trong những năm gần đây. Các doanh nghiệp trong khu vực này đã tận dụng lãi suất thấp để chồng chất hàng nghìn tỷ USD nợ, chủ yếu bằng USD, nhằm phục vụ tăng trưởng. Năm nay, những công ty này đã huy động 1.100 tỷ USD trái phiếu, vượt xa con số 260,8 tỷ USD trong cả năm 2008, theo Dealogic.
Chiến thắng bất ngờ của Donald Trump trong bầu cử Mỹ và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào tháng tới hiện khiến lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng cao, khiến việc vay nợ trong tương lai có thể trở nên tốn kém hơn. Đồng bạc xanh tăng giá trong tháng này càng khiến việc trả nợ của các công ty trở nên đắt đỏ.
Các doanh nghiệp châu Á đang lo sợ hiệu ứng Trump sẽ khiến họ khốn đốn với vấn đề huy động vốn. Ảnh: Reuters. |
Các ngân hàng cùng những nhà phân tích nói rằng tình trạng suy thoái hiện nay của thị trường nợ châu Á có thể chỉ là phản ứng tạm thời của các nhà đầu tư sau chiến thắng của ông Trump. Tuy nhiên, họ vẫn quan ngại tình trạng này có thể ảnh hưởng xấu đến triển vọng trong tương lai.
"Đây chỉ là một phản ứng ngắn hạn ở thời điểm hiện tại. Song rủi ro đối với chúng ta là nó sẽ dần trở thành yếu tố nền tảng", Mark Follett, người đứng đầu các thị trường nợ châu Á tại J.P. Morgan Chase & Co, nhận định.
Chi phí vay cao hơn đồng nghĩa với việc các công ty phải trích một phần lợi nhuận lớn hơn để trả nợ thay vì đầu tư vào các dự án có thể kích thích tăng trưởng, như xây các nhà máy hoặc cơ sở hạ tầng. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của cả châu Á, cái nôi của nhiều nền kinh tế năng động nhất thế giới.
Theo một báo cáo gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhiều doanh nghiệp châu Á đang sử dụng tiền huy động từ việc bán trái phiếu để trả nợ cũ. Cơ quan này dự báo tốc độ tăng trưởng tại châu Á sẽ chậm lại ở mức 5,3% trong năm 2016 và 2017, so với 5,4% trong năm 2015.
Khối nợ của châu Á đang trở nên đắt đỏ hơn sau cuộc bầu cử Mỹ. Chi phí vay trung bình với trái phiếu phát hành bằng USD của khu vực này tăng lên khoảng 4,59%, so với con số 4,13% trước đó, theo J.P. Morgan Asia Credit Index. Dealogic cho biết khoảng 1/5 trái phiếu do châu Á phát hành vào năm nay là bằng USD.
Một số doanh nghiệp đang cảm thấy sợ hãi.
Giá trị phát hành trái phiếu tại châu Á (trừ Nhật Bản) trong những năm gần đây. Biểu đồ: The Wall Street Journal. |
Tuần trước, nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Country Garden Holdings hoãn phát hành trái phiếu 10 năm niêm yết bằng USD với lý do "điều kiện thị trường không ổn định". Công ty được niêm yết trên sàn Hong Kong dự định phát hành trái phiếu với lãi suất khoảng 5,625%. Hồi tháng 9, doanh nghiệp này phát hành trái phiếu 7 năm có giá trị lên đến 650 triệu USD với lãi suất chỉ 4,75%.
Trong khi những đợt chào bán nhỏ vẫn đang diễn ra, các ngân hàng mong đợi trái phiếu niêm yết bằng USD tại châu Á sẽ được phát hành vào năm tới.
“Những cuộc roadshow đang diễn ra”, một ngân hàng cho biết và đề cập đến quá trình khi các doanh nghiệp gặp các nhà đầu tư tiềm năng. Song “một số trở nên yên tĩnh” khi các nhà phát hành xem xét lại thị trường.
Ngân hàng Canara Bank của Ấn Độ cũng hoãn kế hoạch quảng bá đợt phát hành trái phiếu trị giá 500 triệu USD sau chiến thắng của ông Trump. Những ngân hàng tham gia đợt chào bán này nói với công ty rằng "các nhà đầu tư chưa sẵn sàng tới dự roadshow".
"Trump là yếu tố bất ngờ đối với thị trường. Đó là lý do chính giải thích cho việc các nhà đầu tư chưa sẵn sàng gặp doanh nghiệp phát hành trái phiếu", quan chức tại Canara Bank cho biết. Các giám đốc điều hành của ngân hàng này hiện hy vọng sẽ quay lại thị trường trong một hoặc hai tuần tới.
Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ - động lực chính của lãi suất trái phiếu toàn cầu – vẫn ở mức khá thấp. Sự biến động hiện tại làm chậm lại quá trình phát hành trái phiếu tại các thị trường mới nổi. Song hoạt động có thể khởi sắc trở lại trong vài tuần tới.
"Các đợt huy động vốn lớn sẽ ngừng đột ngột? Tôi không nghĩ thế. Những gì chúng ta cần là một số ổn định", Follett chia sẻ.
Nhiều công ty châu Á đã thực hiện các biện pháp nhằm tái tài trợ cho số nợ của họ hồi đầu năm nay vì quan ngại những bất ổn xung quanh cuộc bầu cử ở Mỹ và chính sách lãi suất của Fed. Tuy nhiên, bất cứ doanh nghiệp nào hành động thất bại trong khi lãi suất thấp có thể đối mặt với chi phí huy động vốn cao hơn. Khoảng 1/4 trái phiếu hiện hành của châu Á đến kỳ hạn năm 2017 và 2018.
Điển hình là nhà sản xuất lốp xe của Indonesia, PT Gajah Tunggal Tbk. Hãng hiện có 500 triệu USD trái phiếu với lãi suất 7,75%. Lãi suất của những trái phiếu này trên thị trường thứ cấp hiện khoảng 14,534%.
Công ty cho biết doanh nghiệp đang "trong quá trình xem xét cấu trúc nợ" nhằm "phù hợp với dòng tiền hơn trong bối cảnh công ty đang lên kế hoạch đảo nợ trước khi đáo hạn vào năm 2018".
“Bước tới năm 2017, rủi ro tăng một cách rõ ràng. Chúng tôi nhìn thấy hầu hết áp lực của việc đảo nợ vượt xa năm 2017 và 2018. Chúng tôi thấy một bức tường”, Terry Chan, một nhà phân tích của Standard & Poor, nhận định.