Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu, Cục Hải quan TP.HCM cung cấp số liệu như vậy tại hội nghị tổng kết công tác 2017, triển khai nhiệm vụ 2018 của Cục Hải quan TP.HCM chiều 17/11.
Theo ông Toản, việc giải quyết khiếu nại cũng có kết quả 97 hồ sơ (chiếm 75%) phải hủy toàn bộ quyết định của các chi cục, qua đó hoàn lại cho doanh nghiệp 112 tỷ đồng.
Việc áp dụng bảng giá tối thiểu đang là nguyên nhân gây ra nhiều bức xúc cho doanh nghiệp. "Thậm chí, có doanh nghiệp còn đặt vấn đề rằng có phải vì áp lực số thu ngân sách mà Cục Hải quan TP.HCM áp dụng bảng giá tối thiểu hay không", ông nói.
Áp dụng bảng giá tối thiểu là nguyên nhân dẫn đến kiện tụng của doanh nghiệp. Ảnh: HQ. |
Ông Toản cho biết toàn thể cán bộ, nhân viên Cục Hải quan TP.HCM đều hiểu khi áp dụng chỉ số tính thuế không được thấp hơn giá tham chiếu. Tuy nhiên các đoàn, kể cả chuyên viên của Tổng cục Hải quan khi vào TP.HCM kiểm tra cũng đều vin vào khâu giá tính thuế không được thấp hơn giá tham chiếu.
"Như vậy vô tình tạo áp lực là tôi không cần tham vấn theo 4 điều kiện của phương pháp trị giá tính thuế, cứ ấn định bằng bảng giá tối thiểu rồi tới đâu thì tới, đây là nguyên nhân phát sinh ra 129 vụ khiếu kiện", ông Toản thẳng thắn nói.
Tại hội nghị, ông Toản cũng cho biết số hồ sơ chưa xử lý trong năm 2017 lên tới 2.600, trong đó có rất nhiều hồ sơ đã quá hạn 30 ngày tham vấn và 60 ngày kiểm tra sau thông quan tại chi cục.
Sai mã số hàng hóa là điều gây phiền phức cho Cục Hải quan TP.HCM trong năm qua. Đơn vị này phải truy thu hơn 20 tỷ đồng, phần lớn thuộc danh mục hàng hóa thực phẩm rau, củ, quả.
"Việc sai quá nhiều như thế này đã đến lúc chúng ta phải cần có quy chuẩn tên hàng trong danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam. Không thể để doanh nghiệp tự ý khai báo không theo quy tắc nào cả, khi không khai báo tên hàng theo đúng quy chuẩn Việt Nam thì rõ ràng sẽ bị sai mã số", ông Toản nói.
Theo báo cáo của Cục Hải quan TP.HCM, năm 2017, Cục đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm cải cách thủ tục, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, nuôi dưỡng nguồn thu… Đơn vị này cũng hoàn thành chỉ tiêu thu nộp ngân sách 109.065 tỷ đồng, đạt 100,06% thu NSNN, tăng gần 8.000 tỷ đồng so với năm 2016.
Nói về chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước năm 2018 với 108.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng đây là nhiệm vụ rất khó khăn, dù nhìn trên giá trị tuyệt đối thì chỉ tiêu năm nay có giảm so với năm 2017.
Bởi lẽ với năm 2018, hàng loạt hiệp định thương mại được thông qua đã cắt giảm rất nhiều thuế nhập khẩu tạo áp lực rất lớn. Nếu các khoản thuế được cắt bỏ tính giá trị thực tế để cộng vào thì chỉ tiêu có thể lên đến 118.000 tỷ đồng.
Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2018 vượt 5% trên chỉ tiêu 108.000 tỷ đồng, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng bộ Tài chính, yêu cầu Cục Hải quan TP.HCM đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hướng mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.
Cục Hải quan cũng cần triển khai hiệu quả Hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động tại cảng biển, sân bay tại TP.HCM với mục đích quan trọng nhất là tạo thuận lợi và giảm chi phí cho DN.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - ghi nhận những thành tích vượt trội của Cục Hải quan TP.HCM về cải cách thủ tục hành chính, công tác hiện đại hóa hải quan, công tác giám sát quản lý, công tác kiểm tra thu thuế xuất nhập khẩu…
Tuy nhiên, ông Tuyến cũng nói thẳng: "Thủ tướng đã chỉ đạo một Chính phủ hành động, phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển mà để các doanh nghiệp bức xúc như thế thì không được".