Sở Giao thông -Vận tải Hà Nội vừa đưa ra kế hoạch hạn chế phương tiện hoạt động trên hàng loạt tuyến phố dịp Tết Giáp Ngọ 2014. Cụ thể, Hà Nội sẽ phân luồng từ xa từ ngày 15/1 (15 tháng Chạp) đến 16/2/2014 (rằm tháng Giêng), phạm vi hạn chế hoạt động của các phương tiện giao thông trên nhiều tuyến đường. Các loại xe ô tô vận tải trên 1,25 tấn bị cấm hoạt động trong giờ cao điểm. Đối với xe taxi, trong một số thời điểm và tuyến đường cụ thể cũng sẽ bị hạn chế lưu hành.
Doanh nghiệp đề nghị “không cấm vành đai 3”
Bên cạnh cái lợi cho người đi đường và ngành giao thông trong những ngày trước và sau tết, lệnh cấm bao gồm cả đường vành đai 3 và các con đường lân cận đã đã đẩy không ít doanh nghiệp (DN) tham gia cung ứng hàng thiết yếu dịp tết cho nông dân đối mặt với nhiều thiệt hại.
Điển hình là trường hợp của Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển. Ông Hoàng Văn Tại - Tổng giám đốc công ty cho biết: “Đây là thời điểm bắt đầu vụ sản xuất chính của nông dân, vì vậy sản lượng phân NPK bán ra của nhà máy chiếm 50% của cả năm (trên 30.000 tấn) và khoảng 50.000 tấn lân.Việc cấm đường vành đai 3 sẽ gây khó khăn cho cả DN và ND. |
Cùng cảnh ngộ này có Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Anh (huyện Đông Anh, Hà Nội), đơn vị có kinh doanh mặt hàng phân bón. Ông Nguyễn Minh Toàn - Phó tổng giám đốc công ty này than phiền:
“Từ năm 2012 trở về trước, việc cấm đường dịp tết không ảnh hưởng nhiều tới DN, vì thành phố không cấm đường vành đai 3. Nhưng từ Tết Quý Tỵ 2013, thành phố cấm luôn cả đường vành đai 3, tức là bịt luôn đầu ra cũng như đầu vào của chúng tôi”.
Ông Toàn cho rằng, việc cấm xe tải ở Hà Nội vào một số ngày cao điểm dịp tết là cần thiết, tuy nhiên ông kiến nghị thành phố chỉ nên cấm các tuyến nội đô. Còn các tuyến đường vành đai 3 và đường gần phía ngoài vành đai 3 nên cho phép xe tải chạy vào các giờ thấp điểm như năm 2012 trở về trước, vẫn đảm bảo an toàn giao thông mà hoạt động của DN lại không bị xáo trộn lớn.
Cần hài hoà lợi ích người dân - doanh nghiệp
Đối với ngành sản xuất phân bón, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương đã có chỉ thị phải cung ứng đủ phân bón cho nông dân để sản xuất vụ đông xuân, từ lúc cận tết cho đến sau rằm tháng Giêng là thời gian cao điểm của việc cung cấp phân bón phục vụ gieo cấy. Thời vụ rất ngắn, nếu để qua thời vụ mà nông dân không có phân bón để gieo cấy thì sẽ bị trễ mùa vụ, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng.
Chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi lệnh cấm đường, ông Phạm Văn Nghĩa - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty cổ phần Pin Hà Nội (đơn vị có trụ sở cạnh đường Phan Trọng Tuệ) bức xúc:
“Việc cấm xe tải hoạt động vào thời gian cao điểm khiến cho công ty chúng tôi gặp khó khăn trở ngại trong việc vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất và đưa sản phẩm đi tiêu thụ, chúng tôi sẽ gặp khó khăn trong việc bán hàng và nhập hàng. Thành phố cần xem xét lại việc cấm tuyến đường vành đai 3, nếu không DN sẽ rất khốn đốn, vì cấm những 1 tháng trời!”.
Một doanh nhân (đề nghị không nêu tên) cho rằng, trong khi Chính phủ đang nỗ lực hỗ trợ các DN vượt qua giai đoạn khó khăn này, mỗi lệnh cấm của Hà Nội cần phải cân nhắc hài hoà lợi ích của cả người dân và DN, thậm chí phải cân nhắc đến cả những thiệt hại mà người dân ở các tỉnh khác phải gánh chịu từ lệnh cấm ở thủ đô.