Thị trường xăng dầu bất ổn thời gian qua. Ảnh: Phạm Thắng. |
Ngày 14/2, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội nghị góp ý dự thảo nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu. Đáng chú ý, hội nghị có sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp bán lẻ, phân phối và đầu mối xăng dầu đến từ 50 tỉnh, thành trên cả nước.
Ông Hà Thanh Tùng, đại diện doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở Hà Giang cho biết nhóm doanh nghiệp bán lẻ của ông có 9.000/17.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước tạo ra 27.000 việc làm. “Nếu tính bình quân một cửa hàng xăng dầu đầu tư xây dựng khoảng 10 tỷ đồng thì tổng tài sản lên tới 90.000 tỷ đồng”, ông tính toán.
Về chi phí tối thiểu của một cửa hàng bán lẻ xăng dầu, ông Tùng cho biết lương nhân viên chiếm 30 triệu đồng/tháng; khấu hao 30 triệu/tháng; điện nước, bảo vệ 10 triệu/tháng; thuê đất, sửa chữa hao hụt 10 triệu/tháng; chi phí kế toán, trả lãi ngân hàng 20 triệu/tháng. Tổng các chi phí khoảng 100 triệu đồng/tháng.
“Ước tính số tiền thua lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ thời điểm cao điểm nhất là 900 tỷ/tháng, lũy kế từ tháng 3/2022 đến nay thua lỗ khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp bán lẻ đứng trước nguy cơ xin rút giấy phép, tạm ngưng kinh doanh”, ông nói.
Doanh nghiệp bán lẻ muốn được "đối xử công bằng"
Theo ông Tùng, thị trường xăng dầu phải đảm bảo ổn định, công bằng, hài hòa lợi ích. “Đề nghị ban soạn thảo công nhận sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong xây dựng Nghị định 83 và Nghị định 95 sửa đổi để doanh nghiệp có các quyền và nghĩa vụ bình đẳng như các doanh nghiệp đầu mối”, ông đề xuất.
Bên cạnh đó, đại diện doanh nghiệp bán lẻ ở Hà Giang đề nghị quy định lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ một cách hợp lý đảm bảo công bằng, không có sự phân biệt đối xử… Cụ thể, chi phí định mức nên chia thành 3 khâu, trong đó của khâu bán lẻ khoảng 3-5%, lợi nhuận định mức của khâu bán lẻ khoảng 2-2,5%.
“Với mức này theo giá bán lẻ xăng dầu hiện nay và sau khi trừ các chi phí khoảng 100 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp bán lẻ lãi được khoảng 18 triệu đồng/tháng”, ông Tùng nói.
Tương tự, TS Giang Chấn Tây, đại diện doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở Trà Vinh cho biết trong thời gian qua doanh nghiệp bán lẻ luôn bị “bỏ rơi” dẫn đến thua lỗ, kéo dài nặng nề. Ông cho rằng cần quy định chiết khấu tối thiểu xăng dầu.
“Đây là phần cứng và là công cụ quản lý Nhà nước hữu hiệu được đề xuất khi trong công thức giá cơ sở nhằm đảm bảo cho mọi hoạt động của cả hệ thống kinh doanh xăng dầu được ổn định, công bằng”, ông nói.
Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Ảnh: T.T. |
Theo ông, phần chiết khấu còn lại là sự cơ động, linh hoạt của các nhà cung cấp để cạnh tranh dành thị phần. Đây chính là phần thị trường và là phần tăng thêm được hưởng của doanh nghiệp bán lẻ. Nếu không được lấy nhiều nguồn, doanh nghiệp bán lẻ sẽ không có phần mềm này và thị trường trở nên co cứng.
“Theo đó, chi phí lưu thông trong công thức tính giá cơ sở cần phải được chia rõ phần chi phí và lợi ích ở 3 khâu: Doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ”, ông Tây nói.
Ngoài ra, đại diện doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề nghị nhất quán quan điểm quy định cho doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng ở ít nhất 3 nguồn và Nhà nước nên cho doanh nghiệp đầu mối tự định giá bán lẻ xăng dầu.
Doanh nghiệp phân phối, đầu mối nói gì?
Ở góc độ thương nhân đầu mối, ông Nguyễn Hồng Nam, Trưởng ban chính sách kinh doanh của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết lĩnh vực kinh doanh xăng dầu có rất nhiều thành phần tham gia.
Hiện nay, thương nhân đầu mối phải trữ tồn kho 20 ngày nhưng do công thức giá lấy giá biên độ quá mạnh nên nếu giá xuống thì tồn kho của doanh nghiệp rất lớn. "Do đó, chúng tôi không đủ nguồn lực chia sẻ chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ. Việc thay đổi giá 7 hay 15 ngày không quan trọng bằng việc bao quát được tồn kho của doanh nghiệp", ông nói.
Bên cạnh đó, về quan điểm đề xuất mua hàng từ nhiều nguồn, ông cho rằng đề xuất này đang làm khó cơ quan quản lý Nhà nước.
"Về chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, nếu quy định chiết khấu ổn định cho doanh nghiệp bán lẻ thì cần đảm bảo chiết khấu cho các thành phần còn lại là thương nhân phân phối và thương nhân đầu mối", ông đề xuất.
Ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch Saigon Petro cho rằng với doanh nghiệp đầu mối phải chia sẻ với các đại lý bán lẻ để hài hòa lợi ích. "Khi các anh, chị (doanh nghiệp bán lẻ - PV) nói phải hiểu trách nhiệm của doanh nghiệp đầu mối, trách nhiệm với Nhà nước, các đại lý khác. Trong 6 tháng cuối năm 2022, chúng tôi lỗ rất nặng", ông nói.
Về vấn đề nhập khẩu, ông cho biết doanh nghiệp đầu mối có trách nhiệm nhập khẩu đủ xăng dầu nhưng việc nhập khẩu không phải dễ dàng khi mức giá rất cao, chênh lệch tỷ giá lớn... "Doanh nghiệp bán lẻ đòi chiết khấu nhưng chúng tôi có lãi chúng tôi chia liền nhưng doanh nghiệp đầu mối trong thời gian qua cũng lỗ nặng", ông nhấn mạnh.
Doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cũng muốn có chiết khấu cố định. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Lãnh đạo Saigon Petro cho rằng bản thân ông cũng muốn bỏ quỹ bình ổn đưa giá xăng dầu theo giá thị trường nhưng không thể một sớm một chiều, phải có sự điều tiết.
Ở góc độ thương nhân phân phối, ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) cho rằng Nghị định 83 và Nghị định 95 sửa đổi đã hoạt động tương đối ổn định.
“Tuy nhiên, vì biến động dị biệt của giá xăng dầu trong thời qua nên chúng ta đang ngồi đây để sửa đổi 2 Nghị định này nhưng trong trường hợp năm nay thị trường xăng dầu bình thường trở lại thì chúng ta cần xem xét”, ông nói.
Theo ông, Nghị định 83 và Nghị định 95 đã cơ bản đầy đủ. Song ông Dũng kiến nghị giữ nguyên quy định thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ nhiều nguồn, cũng như giữ quy định thời gian điều chỉnh giá theo Nghị định 83, tức là ở mức 15 ngày.
“Việc sửa theo 10 ngày gây ra nhiều bất cập trong điều hành giá như trùng ngày nghỉ, lễ, Tết..”, ông dẫn chứng. Bên cạnh đó, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng cho rằng cần quy định cửa hàng bán lẻ được lấy tối thiểu từ 3 nguồn.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.