"Gần đây, mội người bạn đã nói với tôi: 'Tôi cá rằng đây là thời điểm kinh doanh tồi tệ nhất mà anh từng thấy ở Việt Nam'", ông William P. Badger - Giám đốc Quan hệ Đối ngoại trường Concordia International School, thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) - kể với Zing.
"Tôi trả lời: 'Không, mọi thứ còn tồi tệ hơn vào đại dịch SARS hồi năm 2003'", vị doanh nhân Mỹ đã sống và làm việc tại Việt Nam 24 năm chia sẻ.
"Thời điểm đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa được đặt nền móng. Khi dịch SARS qua đi, họ phải bắt đầu lại từ đầu", ông Badger chia sẻ. Còn giờ đây, theo ông, Việt Nam đã có một nền tảng kinh tế vững vàng và ngày càng nâng cao vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đó là lý do ông Badger và nhiều doanh nhân nước ngoài khác vẫn đặt niềm tin vào khả năng phục hồi của Việt Nam sau đại dịch. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh rằng triển vọng của đất nước phụ thuộc vào chiến lược sống chung với virus, bảo vệ sinh kế và duy trì tăng trưởng kinh tế.
Các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm ngăn ngừa virus lây lan đã ảnh hưởng đáng kể đến doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà. |
Gián đoạn chuỗi cung ứng
Trong cuộc phỏng vấn trực tuyến với Zing, ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành AmCham Hà Nội - thừa nhận rằng các hạn chế hoạt động và di chuyển trong vài tuần qua đã gây ra "những thách thức đáng kể" đối với các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Việt Nam.
"Hoạt động sản xuất ở nhiều nhà máy bị chậm lại hoặc dừng hoàn toàn, gây ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, từ thực phẩm, đồ điện tử, giày dép đến nội thất", ông chia sẻ.
Theo ông Sitkoff, một cuộc khảo sát mới đây chỉ ra 90% thành viên AmCham đang rất hoặc cực kỳ lo ngại về tác động kinh tế của đợt bùng phát dịch hiện tại ở Việt Nam.
65% thành viên tiết lộ đợt bùng phát dịch lần này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của họ.
Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành AmCham Hà Nội. |
"Điều đáng lo ngại nhất là hơn 25% thành viên AmCham cho biết họ sẽ chịu thiệt hại đáng kể hoặc ngừng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nếu các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt kéo dài đến tháng 10", giám đốc AmCham cho biết.
Ông Sitkoff cho hay ở thời điểm hiện tại, 3 thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam là doanh thu và nhu cầu đối với hàng hóa, dịch vụ sụt giảm; sự chậm trễ trong các thủ tục và phê duyệt của Chính phủ (giấy phép lao động, thị thực) và thiếu vaccine để bảo vệ lực lượng lao động.
"Đây là thời điểm nhiều thương hiệu của Mỹ bắt đầu chuẩn bị hàng hóa để kịp đưa ra thị trường vào dịp mua sắm cao điểm tháng 12. Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam", doanh nhân Mỹ Badger nói với Zing.
Cuối tháng 8, tờ Financial Times đăng tải bài viết có tựa đề "Vị thế trung tâm sản xuất của Việt Nam lung lay bởi đợt bùng phát Covid-19". Theo đó, lần bùng dịch thứ 4 tại Việt Nam đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và chuỗi cung ứng của các thương hiệu lớn trên toàn cầu.
Nếu các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tiếp tục kéo dài hơn nữa, những dự án đầu tư mới sẽ gặp rủi ro, các công ty có thể xem xét di chuyển tới những nơi khác trong khu vực.
Chủ tịch EuroCham Alain Cany
Tại cuộc họp cấp cao hôm 9/9 với Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ, ban ngành và phái đoàn ngoại giao thuộc Liên minh châu Âu (EU), ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - cũng nhấn mạnh: "Không có gì ngụy tạo khi nói rằng đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh tại Việt Nam".
Ông chỉ ra rằng trên thế giới, một số quốc gia đã mở cửa trở lại, nhu cầu ở châu Âu cũng tăng mạnh. Nhưng do không thể sản xuất, 18% đơn hàng của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã được chuyển đi, 16% đơn hàng khác đang cân nhắc chuyển sang nước khác.
Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh chỉ số môi trường kinh doanh của EuroCham hiện ghi nhận kết quả thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Ông Cany đánh giá nếu các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tiếp tục kéo dài hơn nữa, những dự án đầu tư mới sẽ gặp rủi ro.
Sống chung với virus và đảm bảo sinh kế
Theo chủ tịch EuroCham, những gì các doanh nghiệp thành viên cần là một lộ trình chống dịch rõ ràng, có thể dự đoán được để lên kế hoạch khởi động lại hoạt động kinh doanh, cũng như một giải pháp giải quyết những rào cản đối với hoạt động thương mại.
Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của hộ chiếu vaccine điện tử và kêu gọi Chính phủ đẩy nhanh quy trình cho phép lãnh đạo các doanh nghiệp, chuyên gia nước ngoài và gia đình trở lại Việt Nam.
Ngoài ra, ông Cany cho rằng Việt Nam cần tinh chỉnh chính sách "3 tại chỗ", thống nhất các quy định nhằm giảm bớt tâm lý hoang mang cho doanh nghiệp và đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt.
Giám đốc điều hành AmCham Adam Sitkoff cũng nhấn mạnh rằng ưu tiên chính là "đảm bảo các chính sách chống dịch ít gây gián đoạn nhất đối với hoạt động kinh doanh".
Theo ông Sitkoff, việc thay đổi liên tục các quy định trong một thời gian ngắn sẽ gây ra những thách thức đáng kể đối với hoạt động kinh doanh. Ông lấy dẫn chứng về giấy đi đường của Hà Nội được thay mới thường xuyên, dẫn đến tình trạng tụ tập đông người và ùn tắc tại các trạm kiểm soát.
Chúng ta không có một con đường an toàn tuyệt đối để mở cửa trở lại. Tuy nhiên, chúng ta có những cách để làm điều này an toàn nhất có thể.
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham Hà Nội
"Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh rằng chiến lược giãn cách không thể kéo dài mãi. Mọi người nên sẵn sàng sống chung với Covid-19. Những quốc gia khác cũng đưa ra kết luận rằng virus sẽ tồn tại trong một thời gian dài", ông Sitkoff lập luận.
"Chúng ta không có một con đường an toàn tuyệt đối để mở cửa trở lại. Tuy nhiên, chúng ta có những cách để làm điều này an toàn nhất có thể", giám đốc AmCham chia sẻ.
AmCham Hà Nội cũng đã thành lập Ủy ban Phục hồi Covid-19 để các thành viên chia sẻ những biện pháp tốt nhất, thu thập thông tin kịp thời, đưa ra đề xuất và nhận xét về cách thực hiện các mục tiêu kép của Chính phủ. Đó là đảm bảo sinh mạng và sinh kế.
Cuối tuần trước, AmCham đã có cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và các quan chức cấp cao khác để thảo luận về những thách thức do đại dịch gây ra, cũng như các cách AmCham có thể đóng góp cho quá trình phục hồi của Việt Nam.
"Cùng nhau, chúng ta có thể vượt qua những thách thức do virus gây ra", Giám đốc AmCham khẳng định.
Việc đẩy mạnh tiêm chủng đại trà là chìa khóa tiến tới bình thường mới. Ảnh: Nhật Sinh. |
"Khi mọi thứ được mở cửa trở lại, các thành viên của chúng tôi sẽ làm việc với Chính phủ để tiếp tục hoạt động kinh doanh một cách an toàn, cũng như tuân thủ đầy đủ những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh", ông Sitkoff nói thêm.
Giám đốc điều hành AmCham cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh tiêm chủng "là chìa khóa tiến tới bình thường mới".
Chỉ riêng trong tháng 8, Việt Nam đã nhận được số liều vaccine ngừa Covid-19 nhiều hơn 7 tháng trước đó cộng lại. Số lượng vaccine giao về Việt Nam vào tháng 9 có thể còn lớn hơn tháng 8, theo ông Sitkoff.
"Đó là một tin tốt. Dù vaccine không thể ngăn chặn hoàn toàn khả năng lây nhiễm virus, chúng vẫn rất hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong", ông chia sẻ.
Triển vọng phục hồi
Các doanh nhân và nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào khả năng phục hồi của nền kinh tế. Theo Giám đốc điều hành AmCham Sitkoff, dịch Covid-19 gây gián đoạn, nhưng không làm chệch hướng triển vọng tăng trưởng của Việt Nam và vai trò ngày càng gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Không khó hiểu khi nhiều người thấy nản lòng với đợt bùng phát dịch hiện tại. Chỉ vài tháng trước, người dân Việt Nam vẫn có cuộc sống bình thường. Nhưng giờ, tất cả phải chứng kiến số ca nhiễm mới và tử vong kỷ lục mỗi ngày, mất đi thu nhập, cơ hội nghề nghiệp, làm quen với các chốt, trạm kiểm soát", ông nhận xét.
"83% thành viên AmCham cho rằng dịch Covid-19 sẽ có tác động tiêu cực đến hình ảnh 'điểm sáng kinh doanh' của Việt Nam. Đó là một điều đáng lo ngại", ông Sitkoff bình luận.
"Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đang điều chỉnh chuỗi cung ứng ở những nơi có thể, nhằm giảm sự gián đoạn từ đợt bùng phát hiện tại. Bất chấp các thách thức trước mắt, tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm dòng vốn chuyển khỏi Trung Quốc", giám đốc AmCham nói thêm.
Dịch Covid-19 gây gián đoạn, nhưng không làm chệch hướng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà. |
"Những yếu tố giúp Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cũng vẫn còn vẹn nguyên sau khi mọi thứ trở lại bình thường", ông khẳng định.
Còn theo ông Badger - doanh nhân Mỹ đã sống tại Việt Nam 24 năm, Việt Nam đã phát triển với tốc độ phi thường trong thập kỷ qua. "Bằng cách thu hút những nhà đầu tư chiến lược trong khu vực và ký các hiệp định thương mại tự do, đất nước có thể khẳng định vị thế của mình để hợp tác với thế giới", ông bình luận.
"Các nhà đầu tư đều hiểu điều này. Bất chấp sự giảm tốc hiện tại, những xu hướng và kế hoạch sản xuất vẫn cần nhiều năm để phát triển. Con đường trở thành một trung tâm sản xuất của Việt Nam khó có thể thay đổi", ông William chia sẻ.
Vị doanh nhân Mỹ cho rằng điều Việt Nam cần làm là đẩy mạnh tiêm chủng hàng loạt. "Tôi luôn tin chắc vào khả năng lật ngược tình thế của Việt Nam", ông khẳng định.