Hiện nay, ở các buôn Yang Lành, Trí A, Trí B (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) nhiều người dân vào rừng Quốc gia Yok Đôn săn kỳ đà. Việc săn bắt diễn ra sôi động suốt ngày đêm; thậm chí, người dân sẵn sàng ăn dầm ở dề trong rừng sâu để săn lùng loại bò sát này.
Thợ săn trang bị đồ ăn thức uống để có thể bám rừng dài ngày. Ngoài ra, các dụng cụ săn bắt như lưới, thòng lọng, giỏ, cưa, mồi nhử… được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đặc biệt, để việc săn bắt diễn ra thuận lợi, họ đưa cả chó đi theo để đánh hơi tìm ra nơi ẩn náu của kỳ đà.
Anh Y Đen - thợ săn kỳ đà ở buôn Yang Lành - cho biết, sử dụng chó săn sẽ giúp việc tìm kiếm, định vị nơi ẩn náu của kỳ đà dễ dàng hơn. Trước đây phải mất nhiều thời gian, công sức mới có thể tiếp cận được nơi trú của kỳ đà và mỗi lần đi săn có thể kéo dài tới cả tuần. Nhưng bây giờ có chó, việc săn bắt thuận lợi, mỗi chuyến đi chỉ còn 2-3 ngày.
Tại các buôn Yang Lành, Trí A, Trí B, người dân thường tập trung thành nhiều tốp, mỗi tốp 3-4 người để săn bắt. Họ bắt đầu chuyến đi vào sáng sớm và không di chuyển trên các đường chính mà lần theo lối mòn tiến sâu vào rừng Yok Đôn để tránh mặt kiểm lâm.
Kỳ đà con cũng bị người dân tận diệt. |
Một người dân địa phương cho biết, việc săn bắt, mua bán kỳ đà đã có từ lâu và thường diễn ra mạnh nhất vào thời điểm cuối năm. Ban đầu, việc thu mua chỉ diễn ra nhỏ lẻ với giá thấp, nhưng sau này, các đầu nậu thu gom bán lại cho thương lái Trung Quốc nên giá đẩy lên rất cao.
“Thời gian đầu, thấy người người đổ xô đi bắt kỳ đà, tôi thấy làm lạ. Mình đi làm rẫy khổ cực mà không có tiền, trong khi nhiều người chỉ đi săn kỳ đà mà rủng rỉnh, nên tôi cũng vào rừng tìm bắt. Việc nương rẫy cứ để đó đã, không bắt kỳ đà thì người khác sẽ bắt hết”, anh Y Đen cho biết.
Đến hỏi mua kỳ đà tại nhà ông Ma Ven (buôn Trí B), ông này cho hay muốn mua phải đặt hàng trước bởi mọi người đều có mối tiêu thụ, đi rừng về là đầu nậu gom hết. Hiện tại ở nhà ông chỉ còn con nhỏ khoảng 0,5 kg.
“Giá của nó trời ơi đất hỡi à. Khi lên thì cao ngất ngưởng, khi thì xuống thấp thê thảm. Giá lên xuống thất thường và phụ thuộc vào đầu nậu. Có khi họ mua từ 300.000 - 350.000 đồng/kg, nhưng đột ngột lại rớt xuống còn 120.000 đồng/kg. Hiện tại, giá là 180.000 đồng/kg, kỳ đà càng ít giá càng tăng thêm”, ông Ma Ven cho biết.
Cũng theo ông Ven, mỗi chuyến đi rừng, người dân có thể bắt được 5-10 kg kỳ đà trong 2-3 ngày. Hiện tại ở xã có nhiều đầu nậu chuyên thu mua kỳ đà, rắn, kỳ nhông… với số lượng lớn.
Sau khi thâu gom từ kỳ đà từ người dân, ông San chuyển ra Cao Bằng, Lạng Sơn bán cho thương lái Trung Quốc |
Chúng tôi đến hỏi mua kỳ đà tại nhà đầu nậu tên San ở ngã 3 đường rẽ vào khu du lịch Bản Đôn. Thấy người lạ, ông San hỏi: "Ai chỉ tới đây?". Chỉ khi nghe nói Ma Ven giới thiệu, ông San mới dẫn ra phía sau nhà “mục sở thị” nguồn hàng.
Nhà ông San như một khu rừng thu nhỏ, có nhiều “hàng độc” từ núi rừng như mang, cá lăng, heo rừng, rắn các loại… Sau khi dẫn khách xem, ông hỏi mua loại nào để định giá.
Giá kỳ đà tại nhà ông này cao hơn so với khi thu gom của người dân từ 70.000 - 100.000 đồng/kg. Chúng tôi thắc mắc vì sao kỳ đà con lớn lại có giá rẻ hơn loại nhỏ, ông San lý giải: “Ở đây tôi bán quán ăn và cho cả khách du lịch, con lớn ai mà ăn nổi, chủ yếu là mang đi phố tiêu thụ”.
“Tại TP.Buôn Ma Thuột tôi còn một địa điểm tập kết kỳ đà tại đường Nguyễn Trãi, khi cần gọi điện cho tôi rồi qua đó lấy cũng được. Ngoài ra, địa điểm này còn là nơi tôi đưa hàng ra bến xe để chuyển đi Cao Bằng, Lạng Sơn bán cho các thương lái Trung Quốc”, ông San tiết lộ.
Ông Y Lươm Knul, Phó chủ tịch xã Krông Na, cho biết việc người dân địa phương vào rừng săn kỳ đà là có thật. Việc mua bán của họ thường diễn ra lén lút, tránh các lực lượng chức năng. Việc xác định họ có bán kỳ đà cho thương lái Trung Quốc hay không thì sắp tới xã sẽ tiến hành kiểm tra, xác định lại thông tin.