Web drama (phim phát hành trực tuyến) là loại hình đang được nhiều nghệ sĩ Việt ưa chuộng, nếu không muốn nói là bùng nổ trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, có một thực tế là gần như các web drama gây bão, lọt top trending, giúp nghệ sĩ nhận được nút vàng của YouTube đều có chủ đề về giang hồ, xã hội đen, bạo lực, chém giết.
Web drama giang hồ, bạo lực bùng nổ thời gian gần đây. |
Thực trạng này đặt ra thắc mắc về câu chuyện cung - cầu trên YouTube, tức sự bùng nổ của web drama giang hồ, chém giết là do khán giả có nhu cầu xem hay giới nghệ sĩ thấy đây là chủ đề có thể sáng tạo. Bởi lẽ nếu chỉ dừng ở 1-2 phim, số lượng đó có phần nhỏ lẻ. Nhưng việc từ năm 2018 đến nay có hơn 10 web drama nhiều tập về đề tài giang hồ liên tiếp được thực hiện lại là vấn đề đáng bàn luận.
"Câu chuyện giang hồ, bạo lực đánh vào tâm lý tò mò của giới trẻ"
Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Vũ Tuấn Anh - Phó trưởng khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao - nhận định giới trẻ là công chúng lớn của YouTube. Đặc biệt hiện nay, trẻ em ngay từ 5-6 tuổi đã có thể tiếp xúc với Internet qua máy tính, điện thoại di động và máy tính bảng.
"Đến lớp 5, lớp 6, nhiều em học sinh đã có điện thoại thông minh riêng và được tự do sử dụng không bị kiểm soát bởi cha mẹ. Các em đang ở tuổi quá nhỏ hoặc ở tuổi đang lớn vì thế rất tò mò về thế giới xung quanh, những gì gây tò mò thì các em sẽ xem và chưa có thể nhận thức được những sản phẩm hay hay dở", ông nói.
Nhà nghiên cứu truyền thông này cho biết nội dung giang hồ, bạo lực có thể là "vô thưởng, vô phạt" với một đối tượng khán giả. Tuy nhiên, với giới trẻ, nội dung này lại đánh đúng vào tâm lý “nổi loạn” của tuổi mới lớn.
"Những câu chuyện như bạo lực, giang hồ, hoặc xã hội đen, trước đây không được công khai. Nhưng hiện tại các kênh truyền thông này lấn át kênh truyền thông chính thống bằng cách có thể thoải mái đăng tải mà không bị ai kiểm duyệt. Đó cũng là tác hại của sự phát triển truyền thông khi không có kiểm soát", vị tiến sĩ phân tích.
Minh Tít thừa nhận phim của anh có tính giáo dục nhưng "lượt xem trên YouTube không cao". |
Diễn viên Minh Tít - tác giả kịch bản và là nam chính của web drama 500 Nhịp yêu - cũng đồng ý với nhận định này. Theo nam diễn viên, ở Việt Nam, điện ảnh và phim truyền hình luôn phải có hội đồng duyệt. Trong khi YouTube lại hoạt động như mạng xã hội.
"Nếu làm điện ảnh và truyền hình có thể phải hạn chế hơn cảnh bạo lực, giang hồ, hoặc chí ít cũng không thể làm mức độ dày đặc về chủ đề này như vậy. Tuy nhiên, YouTube thì khác, gần như tự do, do vậy, nhiều người sẵn sàng làm sản phẩm để đáp ứng sự tò mò của khán giả trẻ", nam diễn viên nói.
Đạo diễn Vũ Lâm cũng từng nêu quan điểm với Zing.vn rằng YouTube là môi trường mở, "thượng vàng hạ cám". Những sản phẩm đánh vào sự tò mò, khó phát hành chính thống đôi khi lại được ưa chuộng trên YouTube.
"Đừng nói là không có hại khi cổ vũ bạo lực"
Minh Tít có thể coi là diễn viên hài đầu tiên ở miền Bắc đầu tư làm web drama. 500 nhịp yêu do anh và đạo diễn Hiếu Vick thực hiện làm tới 12 tập về chủ đề tình yêu, nhưng nam diễn viên thừa nhận "lượt xem không cao".
"Thực ra khi làm tôi cũng biết là nếu chọn chủ đề bạo lực, giang hồ views sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, cuối cùng, tôi và ê-kíp vẫn chọn làm web drama về chủ đề tình yêu. Dù có thể không xuất sắc, chúng tôi luôn muốn gửi gắm tính giáo dục, không được nhiều thì được ít, nhưng phải có", anh nhấn mạnh.
Phim giang hồ, bạo lực pha hài thu hút sự tham gia của nhiều nghệ sĩ. |
Nam diễn viên cũng cho rằng việc bùng nổ web drama không có gì là xấu. Tuy nhiên, sự tràn ngập của giang hồ, bạo lực, chém giết chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến người xem.
"Nói tưởng xa vời nhưng quan điểm của tôi là tích cực hay tiêu cực đều có ảnh hưởng đến người xem. Nội dung bạo lực có ảnh hưởng rất lớn vì phim có hàng chục triệu lượt xem, ai dám nói là không ảnh hưởng", anh nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với Minh Tít, một nhà sản xuất phim nêu quan điểm: "Tất nhiên YouTube là môi trường tự do. Nhìn chung phim giang hồ, bạo lực không hiếm, rất nhiều phim hành động hay của Hollywood, xem rất sung sướng. Nhưng vấn đề là các web drama giang hồ của Việt Nam có chất lượng như thế nào, hay chỉ thuần túy lấy giang hồ, bạo lực để câu khách.
"Và việc có quá nhiều nghệ sĩ đổ xô làm như thế, rõ ràng là thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào. Số lượng phim giang hồ quá lớn ắt có ảnh hưởng tới người xem, không sớm thì muộn", người này nói thêm.
"Phim giang hồ cũng như hiện tượng mạng chỉ là nhất thời"
Theo nhiều chuyên gia, giới trong nghề, cơ quan quản lý nhà nước vẫn có thể can thiệp nếu nhận thấy chủ đề bạo lực, giang hồ trong web drama trên YouTube là tiêu cực.
Tiến sĩ Vũ Tuấn Anh cho biết hiện có một số nghị định quy định về những nội dung được sản xuất và quảng bá trên Internet như nghị định số 158/2013/NĐ-CP. Ngoài ra, diễn viên Minh Tít chia sẻ còn có nghị định 06/2016/NĐ-CP liên quan đến quản lý phát thanh, truyền hình.
"Nhưng việc quản lý này vẫn chưa được thấu đáo và cũng gặp khó. Về phía YouTube, YouTube chỉ quản lý được những vấn đề có bản quyền chứ chưa thực sự quản lý được những nội dung bạo lực và cổ suý bạo lực", tiến sĩ Vũ Tuấn Anh nói.
Từ năm 2018 đến nay có trên dưới chục phim về đề tài giang hồ liên tiếp được thực hiện. |
Trong khi đó ở góc độ của người làm nghề, Minh Tít cho rằng quan trọng nhất là trên môi trường mở, nghệ sĩ phải tự "duyệt" chính mình thay vì lách luật.
"Không có cơ quan kiểm duyệt nào bằng lương tâm của chính mình. Mình phải là người tự kiểm duyệt trước, xem sản phẩm của mình có đủ chất lượng và đạo đức chưa mới quyết định đưa ra khán giả", nam diễn viên nhấn mạnh.
Minh Tít cũng nhận định chủ đề giang hồ, bạo lực của web drama cũng chỉ mang tính thời điểm.
"Giang hồ, bạo lực đang được ưa chuông vì tại thời điểm này, nhận thức khán giả chưa cao, thị hiếu, kiến thức chưa có nhiều. Nhiều người chưa biết giang hồ như thế nào, tò mò, tìm hiểu để xem. Nhưng đến một thời điểm nào đó người ta cũng sẽ chán, đó cũng là tất yếu", nam diễn viên nói thêm.