Con phố chật hẹp của Delhi vẫn còn tối trong một buổi sáng mùa đông lạnh giá. Vài cư dân nghèo nhất của thành phố cuộn mình trong lớp chăn mỏng và ngủ trên vỉa hè cùng những con dê ăn rác và chó hoang. Ngay cả những cửa hiệu bán trà masala nóng cũng chưa mở cửa. Thủ đô đông đúc của Ấn Độ vẫn còn im lìm trước bình minh.
Một nhóm các cô gái trẻ trong bộ quần áo thể thao xuất hiện từ đám sương mù. Họ cố gắng nói nhỏ nhưng đôi lúc không kìm được tiếng cười lớn. Đây là khoảng thời gian ưa thích của họ trong ngày.
Neha Kumari đấu vật với đối thủ nam tại sới vật ở Delhi, Ấn Độ. Ảnh: SCMP. |
Họ đi về phía một sới vật, được gọi là akhara, một từ bắt nguồn từ tiếng Phạn. Một số người tin rằng hình thức đấu vật cổ xưa kushti được thực hành ở đây là tổ tiên của tất cả hình thức đấu vật trên thế giới.
Theo truyền thống, sới vật hình vuông akhara là sân đấu chỉ dành cho đàn ông. “Phụ nữ không những không thể luyện tập mà còn không được phép theo dõi các giải đấu ở nông thôn”, nhà báo Deepak Ansuia Prasad, một cựu đô vật, nói với South China Morning Post.
Đôi tai lồi lõm, biến dạng
Tuy nhiên, thời gian đang dần thay đổi điều đó. Những cô gái ở Delhi ngày nay cũng như nhiều nơi khác ở đất nước bị trói buộc bởi truyền thống này đang đấu tranh vì bình đẳng. Thành viên trẻ nhất của nhóm chỉ mới 12 tuổi. Em tự hào khoe đôi tai lồi lõm và biến dạng của mình.
“Nhiều người nói như vậy là xấu xí nhưng nó chứng tỏ em có thể chiến đấu mạnh mẽ vì chỉ có đô vật mới có tai như thế”, em nói.
Trước khi bước vào phòng tập để bắt đầu huấn luyện, các cô gái cúi đầu trước bức tượng sặc sỡ của Hanuman, vị thần Hindu mặt khỉ được các đô vật Ấn Độ tôn sùng.
Thành viên lớn tuổi nhất là Divya Kakran vừa bước sang tuổi 19. Cô là người Ấn Độ thứ 3 giành huy chương bạc tại Giải Đấu vật Châu Á. Hơn 40 huy chương khác được trang trí trong ngôi nhà giản dị của cô cách phòng tập không xa.
Kakran là người phụ trách nhóm và hướng dẫn luyện tập. Chị em Megha, 17 tuổi và Geetanjali Luckad, 18 tuổi, dùng cuốc xới đất, tưới nước và làm mịn sân đấu để chuẩn bị cho buổi tập. Quanh cổ của Geetanjali Luckad là một khối đá nặng hình vòng, một cách giúp cô tăng sức chịu đựng.
Một nhóm nam thanh niên đi qua và khúc khích cười khi thấy các cô gái. “Tôi không quan tâm việc bị đàn ông khinh thường. Tôi sẽ khiến họ ngậm miệng trên sàn đấu”, Kakran cười nói.
Một đô vật nữ tập luyện nâng tạ lúc sáng sớm ở Delhi. Ảnh: SCMP. |
Là đô vật kỳ cựu, Kakran bắt đầu luyện tập từ năm 6 tuổi. Vì thời điểm đó không có đô vật nữ nào khác nên cô bắt buộc phải đấu vật với con trai.
“Họ không muốn thi đấu với tôi vì họ biết sẽ bị thua và như vậy thì thật xấu hổ”, Kakran nhớ lại. Một số nam giới đặt cược cho cô, nhờ vậy, cô có thể kiếm tiền về cho gia đình.
Mặc dù vậy, Kakran vẫn không dễ dàng thuyết phục được cha mẹ để theo đuổi đam mê đấu vật. Ngày nay, nhiều huấn luyện viên kushti vẫn từ chối huấn luyện phụ nữ.
“Chúng tôi không chỉ chiến đấu với đối thủ. Chúng tôi còn chiến đấu với hàng tỷ người Ấn Độ không muốn xem chúng tôi đấu vật”, cô nói.
Kakran thừa nhận phản đối đau đớn nhất đến từ chính gia đình cô. “Bố mẹ không ủng hộ tôi ngay từ đầu”, cô nói và nhấn mạnh rằng cha cô cũng là đô vật.
“Nhiều người không hiểu tại sao chúng tôi không kết hôn và sinh con, những gì mà họ gọi là một cuộc sống bình thường”, cô cho biết.
Nỗi lo không lấy được chồng
May mắn cho các đô vật nữ, bộ phim Bollywood Dangal (2016) với sự tham gia của nam diễn viên Aamir Khan, đã kể lại câu chuyện có thật của chị em Phogat, những người được cha họ, một đô vật nghiệp dư, huấn luyện để trở thành các đô vật đẳng cấp thế giới. Thành công lớn của bộ phim đã góp phần thay đổi định kiến về các đô vật nữ Ấn Độ.
“Chúng tôi bắt đầu tập luyện từ 4 năm trước, bất chấp sự phản đối của cha mẹ”, Geetanjali Luckad kể về việc bước chân vào thế giới kushti. “Chúng tôi muốn được như Divya, đô vật nữ đã giành được rất nhiều huy chương”, cô nói.
“Con trai thường cười nhạo vì chúng tôi mặc đồ thể thao và để tóc ngắn. Mẹ tôi thì lo lắng rằng chúng tôi sẽ không bao giờ lấy được chồng nhưng tôi nghĩ phụ nữ nên được tự do làm những gì mà họ tin tưởng”, cô bày tỏ.
Đô vật Divya Kakran (giữa) và các đô vật nam tại phòng tập ở Delhi. Ảnh: SCMP. |
Ngay cả việc nhận được sự chấp thuận của mọi người cũng chưa đủ để chị em Luckad biến ước mơ của mình thành hiện thực. “Bạn phải tập luyện chăm chỉ trong khi việc vừa đến trường vừa làm việc nhà đã không dễ dàng gì”, đô vật Neha Kumari, 20 tuổi, nói.
Tuy nhiên, Kumari khẳng định thách thức lớn nhất đối với các nữ đô vật là thành kiến xã hội. "Ấn Độ vẫn là một quốc gia coi trọng nam giới, nơi phụ nữ thường bị coi khinh. Đa phần các cô gái ngừng tập luyện là do chịu áp lực từ bố mẹ", cô nói.
Bản thân Kumari đã phải nỗ lực để giành được sự tôn trọng từ cha và ông nội của mình. “Cả hai đều là đô vật kushti nhưng chưa từng thắng giải nào. Còn tôi thì đã làm được điều đó. Tôi thậm chí đã đánh bại con trai. Những chiếc cúp của tôi đã khiến họ ngừng phàn nàn về chuyện tôi thiếu nữ tính”, cô nói.
Ansuia Prasad nói rằng cha mẹ các đô vật nữ lo lắng vì khi con gái họ càng nhiều tuổi, của hồi môn càng lớn và cũng ít người có thể may mắn kiếm sống bằng đam mê của mình như Kakran.
"Nếu họ trông như con trai thì đàn ông sẽ không thích họ và số tiền được yêu cầu sẽ tăng lên. Vì vậy, họ có thể là một gánh nặng kinh tế cho gia đình”, nhà báo này giải thích.
Kakran và cha mẹ tại nhà riêng của họ ở Delhi. Ảnh: SCMP. |
Đối với các cô gái, những nỗi lo này bị lãng quên khi họ bước lên sàn đấu. Theo truyền thống, các đối thủ sẽ ban phước cho nhau bằng cách chà bùn vào ngực rồi bắt tay nhau. Trong suốt trận đấu, đô vật nào đồng thời ghìm được vai và hông của đối thủ xuống đất là người chiến thắng. Bộ môn này đòi hỏi sự tập trung, kỹ thuật, sự nhanh nhẹn và sức mạnh.
Các trận đấu đôi khi có cả máu, mồ hôi và nước mắt dù đấu sĩ không được phép đấm đá. Trong buổi tập sáng nay của các cô gái, một đô vật đã ném được đối thủ xuống sàn và họ tiếp tục vật lộn dưới đất. Những chàng trai cười nhạo họ lúc trước giờ tập trung theo dõi trận đấu.
Một trong những nam thanh niên dũng cảm nhất trong nhóm này đã quyết định thách đấu Kumari. Kết cục, chàng trai trẻ hôn bùn trong tiếng hò reo của các cô gái.
Đó là một chiến thắng nhỏ trong cuộc đấu tranh lâu dài của các đô vật nữ. “Nhưng Ấn Độ rồi sẽ thay đổi”, Kakran khẳng định với sự quả quyết trong ánh mắt.