Theo hãng tin Nikkei, từ chỗ tập trung sản xuất, phân phối các mặt hàng được ưa chuộng tại thị trường nội địa như trà hay nước hoa quả đóng chai, các doanh nghiệp giải khát của Thái đang tự thay đổi mình để mở rộng thị trường tới các nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á, nơi họ nhìn ra cơ hội lớn để phát triển.
Rục rịch xuất ngoại
SermSuk, một công ty con chuyên sản xuất đồ uống có gas thuộc tập đoàn Thai Beverage sẽ bắt đầu xuất khẩu các loại nước ngọt có gas của hãng sang thị trường Malaysia vào cuối năm nay. Công ty này cũng đã lên kế hoạch tấn công các thị trường như Lào, Campuchia, Myanmar hay Việt Nam với các dòng sản phẩm nước uống thể thao và nước giải khát có gas. Sermsuk hi vọng sẽ nâng tỉ trọng doanh số tại thị trường nước ngoài lên gấp đôi vào năm 2020 so với con số 10% hiện nay.
Thị trường đồ uống đóng chai Thái Lan đang dần bão hòa. Ảnh: Nikkie |
Công ty này cũng đã mạnh tay chi 500 triệu Bath (khoảng 300 tỷ đồng) để mở rộng dây chuyền sản xuất và mong muốn biến các nhà máy này thành các đầu mối xuất khẩu.
Công ty mẹ của SermSuk, tập đoàn Thai Beverage, nổi tiếng với nhãn hiệu bia Chang đã ngỏ ý muốn mua lại Vinamilk của Việt Nam. Nếu thương vụ mua lại thành công như dự định, đây sẽ là lần thứ hai Thai Beverage bạo chi mua lại một công ty sản xuất đồ uống lớn tại một nước trong khu vực Đông Nam Á. Trước đó vào năm 2012, công ty này đã mua lại Fraser and Neave, gã khổng lồ về đồ uống của Singapore với cái giá ngất ngưởng 8,77 tỷ USD (195.000 tỷ đồng).
Một công ty khác, tập đoàn Malee, nhà sản xuất nước ép hoa quả lớn nhất Thái Lan cũng đã kí kết một hợp đồng cộng tác bán lẻ tại Phillipines. Công ty này cũng đang xem xét các thương vụ tương tự tại Indonesia và Myanmar. Malee dự đoán doanh số xuất khẩu của hãng sẽ tăng lên mức 10 tỷ Bath (6.000 tỷ đồng) vào năm 2018, gấp đôi con số này vào năm 2015.
Phillipines cũng đang nằm trong tầm ngắm của Tipco Foods, đối thủ bám đuổi Malee tại thị trường nội địa. Tipco Foods kì vọng nâng tỉ trọng xuất khẩu của hãng lên 25% tổng doanh thu, tăng 8% so với mức hiện tại trong năm năm tới.
Doanh nghiệp chuyên về trà đóng chai của Thái, Ichitan cũng đang rục rịch tấn công thị trường Indonesia.
Các chuyên gia kinh tế khu vực nhận định rằng, các doanh nghiệp đồ uống Thái Lan có những lợi thế nhất định tại thị trường khu vực so với các đối thủ tới từ Châu Âu. Khẩu vị đồ uống của các nước Đông Nam Á có sự tương đồng rất lớn với thị trường nội địa Thái Lan do sự tương đồng về khí hậu. Thị trường Đông Nam Á rất ưa chuộng các loại đồ uống ngọt cùng các loại nước ép, vốn là thế mạnh của các doanh nghiệp Thái.
Thị trường nội địa Thái dần kém hấp dẫn
Cạnh tranh khốc liệt đã khiến giá đồ uống tại thị trường Thái Lan gần như xuống đáy, ảnh hướng nghiêm trọng tới doanh thu của các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào thị trường nội địa.
Ichitan báo cáo sụt giảm 19% doanh thu trong 7 tháng đầu năm 2016. Hãng cho hay đây là hệ quả của sự sụt giá do cạnh tranh nội địa.
Euromonitor International, một đơn vị nghiên cứu độc lập của Anh,khẳng định thị trường đồ uống Đông Nam Á sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Nhu cầu về đồ uống trong khu vực này sẽ tăng lên 53,3 tỷ lít vào năm 2020, tương đương mức tăng trưởng 30% so với năm 2015. Các thị trường như Việt Nam, Indonesia được đánh giá sẽ tăng trưởng nhanh hơn hẳn so với các nước láng giềng, trong khi đó thị trường Thái Lan được cho là sẽ chững lại.
Cơ cấu dân số tại Thái Lan cũng đang già đi trong khi tỉ trọng người trẻ trong dân số tại Việt Nam và Indonesia lại đang ở mức lý tưởng, thậm chí còn tăng lên.
Các chuyên gia phân tích nhận định thị trường đồ uống Thái Lan vẫn có khả năng tăng trưởng, nhưng chủ yếu là ở phân khúc trà và đồ uống thể thao do tâm lý tiêu dùng của người dân Thái đang thiên về các sản phẩm tốt cho sức khỏe thay vì nước ngọt có gas.