Nhờ có tuổi trẻ con người mới có được niềm tin, hy vọng khi bước vào đời, vững bước đối đầu với những chông gai trước cuộc đời.
Với tuổi trẻ ta biết được băn khoăn, trăn trở của cuộc đời phải đối mặt: những ngày tháng nhớ nhà da diết, khó khăn trong học tập, chạy đua với thới thời gian để làm khóa luận, tìm kiếm những cơ hội làm bước đệm cho cuộc sống...
Trong công việc, người trẻ phải đối mặt với bao bộn bề, lo toan: deadline, những mối lo cơm áo gạo tiền, những điều vượt quá tầm kiểm soát của người trẻ, nỗ lực tìm kiếm vị trí, tự khẳng định cuộc sống của mình.
Đó là những đổ vỡ trong tình yêu của người trẻ khi đặt niềm tin và kỳ vọng quá nhiều vào điều gì đó ở đây, là những tháng ngày miên viễn người trẻ đối mặt với công việc bộn bề lo toan và tìm mọi cách để gỡ rối cho công việc của mình, là những ngày tháng mệt nhọc khi phải đối mặt với những chuyện không đâu để định hình con người mình, biết mình muốn gì và tìm cách để giải quyết.
Bằng những suy nghĩ nội tâm của một cô gái trẻ, Mai Hà Uyên đã viết những dòng chân thành, cảm xúc về suy tư của lứa tuổi 20, độ tuổi con người ta còn chênh vênh trong đời và phải chịu nhiều áp lực trong công việc và trong cuộc sống.
Lứa tuổi 20, người trẻ phải đối mặt với những chênh vênh cuộc đời, nỗ lực tìm kiếm và khẳng định bản thân. |
"Và góc này để yêu" - suy nghĩ về tình yêu tuổi 20
Chương "Và góc này để yêu" là những trăn trở và suy tư của Uyên về tình yêu lứa đôi, tình yêu gia đình và tình yêu cuộc sống. Cô gái trẻ luôn tự hỏi mình ý nghĩa và hương sắc của tình yêu khi dấn thân vào con đường còn nhiều dấu hỏi chờ đợi.
Tốt nghiệp ra trường cô gái ấy mang trong trái tim mình bao hoài bão bao ước mơ về công việc, và rồi cô ấy cũng có cơ hội nhận lời yêu từ người con trai mà mình ngưỡng mộ,.
Tình yêu luôn có chỗ dành cho nhiều người nhưng tìm kiếm người phù hợp để yêu và cháy hết mình là điều không dễ dàng bởi thế trong “Ai cũng từng có cơ hội được yêu”, cô ấy luôn hy vọng: “Đôi lúc thèm khát đến cháy lòng một bàn tay nào đó chìa ra cho mình nắm lấy. Để giữa những nổi trôi, bất định của cuộc đời có một điều gì đó neo giữ tôi ở lại” để tìm cho mình nẻo đường phù hợp với chính mình ở hiện tại.
“Tình yêu em dành cho ngôi nhà thân thương cũng vậy. Đó là thứ tình yêu chân thành, bền lâu và lớn dần qua tháng ngày. Một tình yêu mới mẻ cũng như một ngôi nhà còn nồng múi vôi, cần bai kỉ niệm để ắp đầy hơi. Cứ vững tin em nhé. Vì sẽ luôn đầy đủ hơi ấm cho những trái tìm biết yêu và sống chân thành”.
Càng yêu lâu và yêu sâu người ta càng nhận ra tình yêu khiến con người trưởng thành nhiều hơn về mọi mặt. Không chỉ là những rung động suy tư từ ban đầu, không chỉ là những hành động nhỏ bé như chờ đợi nhau tại chỗ học, gửi cho nhau những email, những tin nhắn yêu thương hay chỉ là chụp một vài tấm ảnh qua facebook cho đỡ nhớ nhau, mà hơn hết cả tình yêu giúp cho mỗi người trưởng thành hơn trong nhận thức chứ không chỉ là trao nhau những cảm xúc dịu nhẹ, bồng bột, nông nổi.
Bởi đừng yêu em vì những điều ngược lại, bởi em cần sự thực tế, sự an toàn trong cuộc sống còn nhiều nổi trôi, bấp bênh còn quá nhiều ràng buộc này. Vì bởi “Trưởng thành là một món quà, trưởng thành còn là một điều gì đó kỳ diệu và ngọt ngào”, và quan niệm về hạnh phúc cũng khác hẳn: “Hạnh phúc nhất với tôi là cảm giác còn đang sống. Trong cái sống có cả cái ngọt ngào, đắng cay. Mình phải biết là ngay cả cái đắng cay đó cũng nằm trong hạnh phúc. Vì đó là cuộc sống” (GS Ngô Bảo Châu).
Sách Tuổi trẻ tháng ngày miên viễn của Mai Hà Uyên mới được phát hành. |
Những âu lo trong hành trình tìm kiếm, khẳng định bản thân
Mỗi con người sinh ra ở cuộc đời này là một vẻ đẹp của tạo hóa, người ta sống và cống hiến cho nơi mình sinh ra, lớn lên và ra đi. Ở mỗi độ tuổi, mỗi con người có một vẻ đẹp tiềm ẩn không thể nào bỏ qua. Mai Hà Uyên trải qua độ tuổi ấy và bằng bản lĩnh của một cây bút trẻ đầy chiêm nghiệm cô đã ghi lại những khoảnh khắc khi người trẻ phải đối mặt với những nỗi lo cuộc đời khi bước vào cuộc sống xô bồ không ít va vấp, chông gai.
"Người đặc biệt ngủ quên" là một trong những tản văn tản mạn về suy tư lo âu của người trẻ trong hành trình tìm kiếm và khẳng đinh tài năng của bản thân mình. Người trẻ ấy đã quá lo lắng, âu sầu khi nhìn thấy xung quanh mình những người xuất chúng, giỏi giang còn mình đầy khiếm khuyết.
Một thoáng buồn trong giọng văn nhẹ nhàng ấy: "Tôi từng về nhà, quyết tâm không làm thơ nữa vì nhận thấy cô bạn trong nhóm bút của mình làm thơ quá hay. Tôi từng nghỉ học tiếng Anh khi thấy những đứa bạn quanh mình đã dịch được hàng tá sách. Ngay cả môn Yoga mới tập, tôi cũng muốn từ bỏ ngay vì chị đồng nghiệp đã đạt đẳng cấp cao trong khi tôi mới lò dò bắt đầu”.
Tuy nhiên nếu tỉnh táo nhìn nhận thì người trẻ có rất nhiều cơ hội để khẳng định mình, khẳng định cá tính tài năng của mình nếu người trẻ biết tận dụng cơ hội đó nhằm đánh thức người đặc biệt ngủ quên trong mình. Con người đặc biệt ấy có thể làm rất nhiều việc để tồn tại để trải nghiệm để khiến mình trở nên có giá trị khi hiểu biết sâu rộng về cuộc sống, ngoài những gì học ở sách vở.
Đó là thành công lớn lao trong "Hãy là người đãi vàng": “Vốn hiểu biết của một người chẳng tự dưng mà có. Để có được sự hiểu biết con người cần phải tìm tòi, lượm lặt và cần mẫn tích lũy. Có tri thức tôi sẽ bước ra khỏi khoảng tối của sự thiếu hiểu biết và sẽ trở thành một người giàu có, ít nhất là với chính tôi”.
Hình ảnh trong sách Tuổi trẻ, tháng ngày miên viễn. |
Cảm xúc sâu lắng về hạnh phúc
Những cảm xúc sâu lắng của Mai Hà Uyên đã dồn nén trong chương "Về nhà khi trời mưa". Đó là thứ tình cả vô cùng bỡ ngỡ của một cô gái trẻ khi mới bước ra đời, cô gái ấy băn khoăn về công việc khi nhận được tin suy thoái kinh tế, có nguy cơ mình sẽ mất việc, là những cảm xúc âu lo về bố mẹ trong gửi mẹ mùa Vu Lan: “Một người tốt giống như bông hoa thơm, rồi sẽ tự tỏa hương”.
Là sự nuối tiếc của đứa con gái khi mình càng ngày càng lớn mà bố mẹ lại ngày một già đi : “Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt/ Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua”...
Tất cả những ký ức kỷ niệm từ gia đình ùa về trong cô gái nhỏ khiến cô ấy có thêm động lực và thêm mạnh mẽ khi bước vào đời. Cô gái ấy lớn lên từ một thế giới nhỏ, từ ngôi nhà thân yêu vô cùng giàu có tình cảm, nơi ấy có: “ngọn gió đông, có cánh đồng trù phú trước cửa và con đường quốc lộ thênh thang như có thể chạy về bất cứ đâu”.
Nơi ấy có những kỉ niệm về bố mẹ: mẹ đảm đang may tấm áo vải in hoa thành bức rem che của sổ. Bố khéo tay sửa chữa đồ đạc trong nhà lúc nào cũng nguyên vẹn, tinh tươm. Những điều đó đều trở thành động lực mạnh mẽ cho cô con gái nhỏ bé vượt qua giây phút bỡ ngỡ nơi phố thị.
Trong "Nhiều nghìn giờ hạnh phúc", Hà Uyên có quan niệm thật lạ về hạnh phúc, hạnh phúc được tính bằng 10.000 giờ, khi bạn say mê một việc nào đó bạn làm nó đến 10.000 giờ thì bạn sẽ trở nên điêu luyện, tinh vi trong công việc đó. Và cũng chẳng cần có đến 10.000 giờ để mài luyện công việc, Hà Uyên đã cảm nhận hạnh phúc xung quanh mình từng ngày từng phút, và có lẽ nó vượt quá 10.000 giờ.
Hạnh phúc là khung cảnh đẹp đẽ, tươi mát của thứ ánh nắng vàng ròng, tươi tắn của những ngày cuối năm xôn xao ngoài phố, trong nhà của tháng mười một.
Đó là hình ảnh của những ngày giáp Tết bận rộn, là hình ảnh những trưa chủ nhật buồn bã… tất cả những điều đó như kết tinh lại, đan xen lại với nhau tạo nên tấm vải hạnh phúc.
Những tản văn của Hà Uyên luôn khiến người đọc yên lòng cảm thấy nhẹ nhàng sau những giờ phút căng thẳng mệt nhọc khi phải chạy đua với cuộc đời đầy bon chen và xô bồ.