Mặc dù chưa có cuộc điều tra xã hội học tổng thể nào được thực hiện đồng loạt trên toàn thế giới về một trong những hoạt động văn hóa kinh điển và phổ biến nhất này, nhưng thông qua những kết quả báo cáo gần đây, cũng không khó để nhận ra đang có sự thay đổi lớn trong thói quen đọc sách của người dân các nước.
Bản đồ phân bố 10 quốc gia đọc nhiều nhất. |
Nước Mỹ đứng đầu thế giới về xuất bản, nhưng người dân không đọc sách nhiều
Theo tổng hợp các thống kê mới nhất từ trang Global English Editing, số liệu năm 2015 cho thấy 27% người trưởng thành ở Mỹ không đọc một cuốn sách nào trong suốt 12 tháng gần nhất.
Con số này cũng tương đương với kết quả mà Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á thu được sau khảo sát thực hiện cùng năm: có đến 26% dân số Việt Nam chẳng bao giờ đọc sách, 44% thi thoảng mới đọc và tỷ lệ có đọc thường xuyên chỉ đạt 30%.
Đây thực sự là một số liệu tương đồng thú vị giữa hai quốc gia có rất nhiều khác biệt về kinh tế và chính trị như Việt Nam và Mỹ, tuy nhiên những phân tích chi tiết hơn lại chỉ ra cho thấy không ít khác biệt cơ bản đằng sau kết quả giống nhau ấy.
Mặc dù hơn 1/4 dân số trưởng thành không đọc sách nhưng số lượng sách được đọc trung bình trên đầu người của nước Mỹ vẫn là 12 cuốn/năm, trong khi mỗi người Việt Nam chỉ đọc một số sách bằng 1/3 người Mỹ là 4 cuốn/năm, với 2,8 cuốn sách giáo khoa và chỉ 1,2 cuốn thuộc các thể loại khác như văn học, kỹ năng, kinh doanh,…
Vài thông tin về thói quen đọc tại Mỹ và Anh. |
Một báo cáo khác cũng cho thấy số thời gian được dùng để đọc hàng ngày của người Mỹ là 5,7 giờ/tuần, dành cho tất cả các loại tài liệu bao gồm sách in, sách điện tử, tin tức trên báo mạng, tạp chí, email công việc…
Giá trị này đứng thứ 23 toàn thế giới, thấp hơn thời gian đọc trung bình toàn cầu đang là 6.5 giờ/tuần. Thực tế này tương phản hoàn toàn với doanh số khổng lồ mà ngành xuất bản ở Mỹ thu được hàng năm, đứng đầu và chiếm đến 30% tổng doanh số của thị trường xuất bản tất cả các nước.
Giới trẻ Nhật Bản ngày càng ít đọc
Trong số rất nhiều kết quả thống kê khác về ngành xuất bản và tình hình văn hóa đọc của các nước khác, đáng chú ý là tỷ lệ thời gian trung bình một người Nhật dành ra để đọc sách đã giảm mạnh, đứng cuối bảng xếp hạng 28 nước có thời gian đọc nhiều nhất thế giới, chỉ còn 4,1 giờ/tuần, thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình của toàn thế giới.
Khảo sát cuối năm 2017 thực hiện trên 10 nghìn sinh viên ở 30 trường đại học Nhật đã cho thấy sự thay đổi lớn trong thói quen đọc sách của thanh niên xứ hoa anh đào: có đến 53.1% sinh viên trả lời rằng họ không hề đọc cả sách giấy lẫn sách điện tử nếu không vì phục vụ công việc và học tập - lần đầu tiên vượt ngưỡng quá bán trong 13 năm kể từ khi số liệu này bắt đầu được thống kê từ năm 2004.
Tỷ lệ không đọc sách bên ngoài chương trình học còn cao hơn đối với các sinh viên ngành kỹ thuật, lên đến 62.6% trong các ngành y dược và nha khoa.
Khối ngành nhân văn được kỳ vọng có kết quả khác biệt hơn cũng không cho thấy chênh lệch đáng kể so với mức trung bình khi sinh viên Nhật học những ngành này vẫn có đến 48.6% nói rằng mình không có thú vui đọc sách.
Giới trẻ Nhật ngày nay thường chỉ thích đọc manga. |
Một khảo sát tương tự được nhật báo Mainichi Shimbun thực hiện với độc giả của mình cũng cho thấy một kết quả đáng báo động khi số người trả lời là họ không đọc sách hay tạp chí (bản in giấy lẫn online) đã vượt xa số người có đọc.
Đã có thời những cuốn sách là vật bất ly thân của mọi người Nhật trên phương tiện công cộng, lúc đi đường, giờ nghỉ giải lao hay cả những dịp lễ tết, nhưng có lẽ truyền thống chăm đọc của họ đã không còn được duy trì trong thời đại này như trước nữa.
Mặc dù không có một sự liên hệ trực tiếp nào cho thấy nguyên nhân tỷ lệ đọc sách giảm là do sự phổ biến của smartphone và mạng xã hội, vì những người có đọc sách vẫn dành thời gian tương tác trên điện thoại cảm ứng tương đương với người không đọc, nhưng kết quả quan sát chung vẫn cho thấy giới trẻ Nhật Bản ngày nay chỉ thích đọc manga và xem tin tức lá cải khi lên mạng.
Trong khi ngành xuất bản của Nhật vẫn đứng thứ 4 thế giới, chiếm 7% giá trị thị trường toàn cầu thì khảo sát thực tế lại chỉ ra người dân nước này đã trở nên lười đọc sách hơn nhiều so với thế hệ cha ông của họ.
Tương lai phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam
Thật khó để nói liệu có bao giờ việc đam mê đọc sách lại trở thành một hành động tự nhiên như hít thở với tất cả mọi người trong bất kỳ xã hội nào được hay không, bởi chúng ta sinh ra với những thiên hướng, hoàn cảnh khác nhau và do đó cũng có vô vàn lựa chọn sống với những mối quan tâm khác nhau.
Một đời người ngắn ngủi chưa đến trăm năm dường như vẫn là quá ít ỏi để chứng minh được nên sống như thế nào mới là đúng đắn hay chỉ ra được mỗi người cần đọc bao nhiêu cuốn sách một năm, đọc bao nhiêu giờ một tuần để có sự nghiệp thành công, cuộc đời hạnh phúc và ý nghĩa.
Nhưng thời đại mà sách và những hình thức văn bản cung cấp thông tin tương đương với nó trở nên vô nghĩa với cuộc sống con người hẳn là vẫn ở một thì tương lai rất xa, khi mà trong xã hội chúng ta vẫn còn những người đau đáu niềm trăn trở về trách nhiệm phát triển văn hóa đọc, nâng cao dân trí cho cá nhân, gia đình và xã hội.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc dài hơi, nhiều cá nhân đau đáu phát triển văn hóa đọc. |
Ở Việt Nam, ngày 15/3/ 2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó khẳng định quan điểm phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước.
Chúng ta cần phát triển văn hóa đọc trên cơ sở khai thác có hiệu quả và không ngừng phát triển nguồn vốn tri thức, văn hóa của con người và dân tộc Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa tri thức của nhân loại.
Nhà nước hỗ trợ phát triển văn hóa đọc, đồng thời đẩy mạnh việc đa dạng hóa, huy động mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia. Một loạt công trình và hoạt động văn hóa nhằm bổ sung cơ sở hạ tầng, mở rộng các không gian đọc cho cộng đồng đã được triển khai thời gian qua như Phố sách ở các thành phố lớn (Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vũng Tàu,…) hội chợ sách, triển lãm sách và xuất bản…
Nhiều dự án phát triển văn hóa đọc do các cá nhân và tổ chức xã hội thực hiện cũng đem về những kết quả đáng mừng như “Sách hóa nông thôn”, “Sách ơi mở ra”, “Sách chuyền tay”… giúp phát triển kỹ năng đọc cho trẻ em và chia sẻ, kết nối hàng triệu người Việt Nam thông qua xây dựng thói quen đọc sách.
Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu năm 2030 người dân Việt Nam có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, trí thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác; các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc được duy trì và củng cố; môi trường đọc tiếp tục được cải thiện; hoạt động thư viện, xuất bản có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của người dân (bao gồm cả xuất bản ấn phẩm in và điện tử).
Với định hướng chiến lược lâu dài này, sách vẫn sẽ là một kênh học tập, giải trí, trao đổi thông tin, bồi đắp tri thức có vai trò quan trọng và được đầu tư phát triển cả về chiều sâu lẫn chiều rộng ở Việt Nam trong thời gian tới.