Buổi ra mắt hai cuốn sách Có cha trong đời và Có mẹ trong đời (Phương Nam Book và NXB Phụ nữ ấn hành) diễn ra sáng 9/9 tại Đường Sách TP.HCM.
Sự kiện quy tụ nhiều tác giả của hai cuốn sách như nhà thơ Đỗ Trung Quân, nhà văn Nguyễn Đông Thức, diễn viên Mạc Can, nhà văn Đoàn Thạch Biền, nhà báo Kim Hạnh, nhà báo Nguyễn Tập... và các nhân vật trong sách như nhà báo Nam Đồng (cha của nhà báo Nguyễn Tập).
Buổi không thiếu tiếng cười và những giọt nước mắt vì chủ đề về các bậc sinh thành. Những câu chuyện từ các diễn giả được người nghe đồng cảm và chia sẻ.
Đỗ Trung Quân khóc, Mạc Can động viên
"Người ta thấy tôi hay làm thơ về mẹ thì cứ tưởng tôi hiếu thảo lắm, nhưng không phải đâu", nhà thơ Đỗ Trung Quân nói, "Sự thực là tất cả những bài thơ tôi về mẹ đều là một sự ăn năn, vì những gì tôi đã không thể làm cho mẹ".
Nhà thơ cũng chia sẻ về cuộc đời "không cha" của ông: "Tôi rất ghen tị với những tác giả viết về cha họ bởi tôi không có ký ức về người cha trong cuộc đời mình. Trong đời, người ta có thể thiếu cha vì ba lý do: mồ côi, thất lạc hoặc bị chối bỏ".
"Tôi thuộc vào trường hợp thứ ba. Sau hơn 50 năm truy tìm lý lịch cha tôi, tôi mới tìm ra ông nhưng lúc đó ông cũng đã qua đời. Coi như cả cuộc đời chúng tôi không hề gặp nhau", Đỗ Trung Quân ngậm ngùi.
Ba tác giả (từ trái sang) Mạc Can, Đỗ Trung Quân và Nguyễn Đông Thức tại sự kiện sáng 9/9. |
Bởi vậy, Đỗ Trung Quân cũng thừa nhận ông nặng tình với mẹ hơn rất nhiều. Người mẹ là nguồn cảm hứng lớn trong thơ ông, với bài thơ Mẹ rất nổi tiếng ("Con sẽ không đợi một ngày kia/ Khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc").
Nhưng khi được nhà văn Nguyễn Đông Thức mời đọc một bài thơ, ông lại chọn bài thơ viết về người mẹ của bạn mình. "Bạn tôi đi làm ăn xa gần như cả cuộc đời, nên khi về thăm mẹ năm bà 92 tuổi, người mẹ đã mắc chứng Alzheimer và không còn nhớ con mình là ai. Bà hỏi: Ông ơi, ông là ai? Bạn tôi ôm mẹ khóc như mưa".
Và nhà thơ đọc bài Mẹ ta trả nhớ về không: "Ngày xưa chào mẹ, ta đi/ Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười/ Mười năm rồi lại thêm mười/ Ta về thì khóc, mẹ cười lạ không/ Ông ai thế ? Tôi chào ông/ Mẹ ta trí nhớ về mênh mông rồi/ Ông có gặp thằng con tôi/ Hao hao tôi nhớ nó người như ông/ Mẹ ta trả nhớ về không/ Trả trăm năm lại bụi hồng/ Rồi... đi...".
Chưa đọc hết bài thơ, nhà thơ đã khóc. Nghệ sĩ Mạc Can ngồi cạnh vỗ lưng ông động viên. Phía dưới, nhiều người nghe khóc theo.
'Thấy tôi thành người, cha yên tâm nhắm mắt'
Tự nhận không phải là nhà văn mà chỉ là một diễn viên chuyển sang viết văn, viết báo, nhưng nghệ sĩ Mạc Can vẫn chứng tỏ ông là một cây bút rất có nghề khi chọn được những chi tiết đắt giá.
Tương tự nhà thơ Đỗ Trung Quân, tác giả Tấm ván phóng dao chia sẻ kỷ niệm về người cha ít ảnh hưởng đến cuộc đời ông: "Cha tôi rất hay đi, hiếm khi thấy ông ở nhà. Thấy vậy tôi cũng hay đi, nên cả đời cha con ít khi gặp nhau".
"Nhưng có một kỷ niệm cuối đời của ông khiến tôi nhớ mãi. Đó là khi cha tôi hấp hối, ông gọi tôi vào và hỏi: Cha không dạy con nhiều, cũng không cho con học hành, mà sao con biết nhiều thứ quá vậy con? Tôi nói thưa ba, con ra đường con học từ bạn bè. Tôi nói đến đó ông tắt thở và đi luôn", ông kể.
Cách kể nhẹ tênh và hài hước của người nghệ sĩ được công chúng miền Nam yêu mến khiến khán giả bật cười, nhưng cũng là một chi tiết xúc động về tình cha con.
Trong sự kiện, còn có chia sẻ của nhà văn Nguyễn Đông Thức và "thủ trưởng" cũ của ông ở báo Tuổi Trẻ, nhà báo Kim Hạnh. Nhà văn Nguyễn Đông Thức nhớ mãi thói quen viết nhật ký của người mẹ, nơi bà trút bỏ nhiều tâm tư tình cảm mà chồng con vô tâm không biết đến.
Chỉ khi người mẹ qua đời, gia đình mới đọc được những dòng tâm sự hàng ngày của bà, khi bà buồn lo vì các con hay cả khi hết tiền mà không dám nói với ai. Chi tiết này khiến nhà văn rất xúc động và hối hận vì không chăm lo cho mẹ.
Nhà báo Kim Hạnh lại gây ấn tượng lớn với khán giả khi kể về người cha "ít học", làm nghề thợ may. Bà nói: "Lời dạy lớn nhất của cha tôi là đừng nhận của ai cái gì, kể cả khi qua đời, nếu có thể tự... đóng nắp quan tài thì cũng hãy tự mình làm. Cha đã truyền cho tôi tinh thần sống độc lập, không dựa dẫm vào ai".
Hồi ức về cha mẹ của 40 tác giả, nghệ sĩ nổi tiếng là món quà ý nghĩa tặng cha mẹ nhân ngày Vu Lan. |
Hai cuốn sách Có cha trong đời và Có mẹ trong đời nằm trong Tủ sách Gia đình của Phương Nam Book. Hai cuốn sách được thực hiện để ra mắt đúng dịp tháng 7 Âm lịch, nhân lễ Vu Lan báo hiếu năm nay.
Sách tập hợp bài viết từ 40 tác giả nổi tiếng, trải dài từ thế hệ lớn tuổi như Mạc Can, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Đông Thức, GS Huỳnh Như Phương, nhà văn Nguyễn Quang Lập, nghệ sĩ Kim Cương, ca sĩ Ái Vân, nghệ sĩ Thành Lộc... cho đến thế hệ trẻ hơn như nhà văn Võ Diệu Thanh, nhà văn Trương Anh Quốc, nhà văn Dương Thụy, nhà văn Anh Khang, ca sĩ Jun Phạm...
Bộ sách là tiếng nói từ những thế hệ khác nhau gửi đến những người cha, người mẹ.