Đường đi bộ Kamahi, New Zealand. Ảnh: Pinterest. |
Các công ty sản xuất giấy đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ sự tiếp nhận các phương pháp lâm nghiệp tái tạo được phát triển bởi các nhà khoa học nghiên cứu về sự phát triển của rừng và sự phá hủy cũng như tái tạo của tự nhiên.
Các nhà khoa học này đã thám hiểm vào những khu rừng mưa rậm rạp và đi tới những nơi sâu nhất trong những khu rừng già, nơi sinh sống của nhiều loại cây đại thụ quý hiếm, để học hỏi cách trồng và chăm sóc rừng theo hướng tái tạo và tôn trọng rừng - nghĩa là bắt chước các hệ thống tuần hoàn của chính tự nhiên, để rừng phát triển trong khi đồng thời cung cấp những nguồn tài nguyên gỗ và thực phẩm dồi dào.
Tổ chức phi lợi nhuận quốc tế Forest Stewardship Council (Hội đồng Quản lý Rừng - FSC) làm nhiệm vụ giám sát các thông lệ quản lý rừng và nhiều công ty sản xuất giấy cũng như công ty sản xuất hàng tiêu dùng đã khoanh vùng phạm vi nguồn cung ứng của họ ở những khu rừng được FSC chứng nhận (họ in giấy chứng nhận này lên bao bì sản phẩm). Khi được quản lý theo những thông lệ tốt nhất, những khu rừng nhân tạo này trở thành những cỗ máy vận hành tinh vi, nhạy cảm về mặt sinh thái, là nguồn cung cấp một phần lớn gỗ dùng để nghiền bột giấy và gỗ thương mại.
Vấn đề nằm ở chỗ, có rất nhiều khu rừng trên thế giới và quá nhiều hoạt động trồng rừng mới, hiện không được quản lý theo những phương pháp này, bất chấp việc tình trạng tàn phá và khôi phục rừng này đã diễn ra từ nhiều thế kỷ. Cần phải có thêm nhiều áp lực từ phía công chúng nhằm thúc đẩy việc tiếp nhận các thông lệ cứu rừng và tái tạo rừng - và không chỉ giới hạn ở những khu rừng mưa đang bị tàn phá nặng nề ở Amazon và Indonesia.
Những hoạt động khai thác bóc lột tài nguyên rừng Amazon là đề tài được giới truyền thông đưa tin dày đặc, nhưng tình trạng phá hoại các khu rừng mưa ở Canada cũng đang diễn ra rất tràn lan. Còn những khu rừng mưa ở Bắc Mỹ thì sao?
Vâng, khu vực British Columbia của Canada là ngôi nhà của những khu rừng mưa ôn đới lớn nhất còn sót lại trên Trái đất, và nhiều mảng rừng lớn ở đây đang bị cắt trụi hoàn toàn. Trong khi đó, những khu rừng ở miền đông nam nước Mỹ cũng đang chịu cảnh tàn phá nghiêm trọng, phần lớn gỗ khai thác được đều được chế biến thành viên nén gỗ dùng trong các hệ thống sưởi đốt củi ở châu Âu; theo nhà khoa học môi trường William Moonmaw, tình trạng mất tán rừng ở khu vực này đang ở mức cao hơn so với bất kỳ nơi nào trên Trái Đất.
Tin vui là, những sáng kiến liên quan đến nền kinh tế tuần hoàn, được xây dựng trên cơ sở những phát hiện hữu ích về mức độ phức tạp phi thường của các hệ sinh thái rừng, đang rọi đường cho chúng ta.
Nhà lâm học Peter Wohlleben, người quản lý một khu rừng sồi ở vùng núi Eifel ở Đức, qua ngòi bút tuyệt đẹp của mình đã chỉ ra những điều kỳ diệu trong nền sinh thái học của rừng trong cuốn sách The Hidden Life of Trees (tạm dịch: Cuộc sống ẩn dật của cây) mà ông là tác giả. Ông viết: “Những chiếc cây đoàn kết lại với nhau để tạo nên một khu rừng với chức năng đầy đủ” và “toàn bộ khu rừng lớn hơn nhiều so với những phần riêng lẻ của nó”.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những cây sồi chia sẻ với nhau chất đường mà chúng tạo ra bằng cách quang hợp, thông qua một mạng lưới tinh vi gồm các bộ rễ và nấm sợi đan xen với nhau xuyên qua lòng đất, từ đó cân bằng chất dinh dưỡng giữa các cây. Những cây có khả năng sản xuất chất dinh dưỡng cao hơn sẽ cung cấp cho những cây có khả năng sản xuất thấp hơn, hình thành nên một hình thái chủ nghĩa xã hội của loài cây.
Có thể có người cho rằng cây cối chỉ giúp đỡ những cây khác cùng loài với chúng, nhưng không phải như vậy. Nhà sinh thái học về rừng Suzanne Simard phát hiện ra rằng những cây linh sam Douglas cao vút với những tán lá kim rậm rạp xanh quanh năm trong khu rừng già ở British Columbia thường gửi chất dưỡng tới cho những cây bạch dương ở xung quanh khi những cây này rụng lá vào mùa thu. Để đáp lại ân tình này, những cây bạch dương sẽ gửi một phần chất đường mà chúng tự chế tạo ra cho những cây linh sam mọc ở những nơi nhiều bóng râm.
Có lẽ những khu rừng mưa nhiệt đới là nơi trình diễn nghệ thuật thích nghi sống động và rực rỡ nhất trên hành tinh này. Người ta nói rằng rừng mưa nhiệt đới chiếm khoảng 50% nền đa dạng sinh học toàn cầu, là ngôi nhà chung của rất nhiều chủng loài đa dạng tới nỗi không thể tính được con số cuối cùng (nhưng các số liệu ước tính lên tới 50 triệu loài).
Chỉ 1 héc-ta rừng mưa nhiệt đới có thể hỗ trợ hàng trăm loài cây khác nhau, trong khi ở những khu rừng già rụng lá hàng năm, con số này có thể chỉ là bằng hoặc dưới 20.