Năm 1985, đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc di cư tự do vào huyện Krông Năng tỉnh Đắk Lắk lập nghiệp, khai thác rừng xẻ gỗ làm nhà, hình thành hàng loạt xã mới. Sau gần 30 năm, nhiều hộ nghèo cứ này bỗng dưng “lên đời” theo lối không ai ngờ tới.
Cơn sốt lùng gỗ trắc của cánh lái gỗ xuất qua Trung Quốc lan dần từ miền Trung lên Tây Nguyên, làm nóng tình hình vận chuyển mua bán gỗ trắc trái phép ở Bình Định, lan qua Gia Lai, Kon Tum rồi kéo dài tận Đắk Lắk, trong đó tâm điểm là các xã đông đúc đồng bào
Theo độ sốt gỗ trắc tăng dần, thổ công đưa chúng tôi tới gia đình anh Đinh Thiện Sĩ, thôn Tam Lập, xã Ea Tam. Cả 5 nhân khẩu nhà anh đang trú tạm trong căn chòi xập xệ, bởi anh vừa dỡ nhà gom hết dàn kèo cột bằng gỗ trắc bán cho thương lái. Anh Sĩ vui vẻ kể: Làm nông mãi chưa thoát nghèo, may sao được mấy ông lái gỗ tới ngắm nhà, nghe trả giá ngọt tai quá, tôi bán trọn gói cả 31 đoạn gỗ trắc gồm cột, kèo, xà nhà được tổng cộng 1,2 tỷ đồng. Họ chở đống gỗ đi, mình ôm bao tiền gửi hết vô ngân hàng, hẹn với vợ con chờ sang năm được tuổi sẽ xây nhà kiên cố.
Không ít hộ khốn đốn, sinh hoạt đảo lộn, chuốc họa vào thân. |
Còn với ông Đinh Thiện Tú, kinh tế khá giả nên ông vẫn giữ nguyên 27 cây cột gỗ trắc, dù trong 2 tháng qua, có hàng chục nhóm lái gỗ khác nhau vào ngắm nghía, nâng giá dần từ hơn 700 triệu lên tới 1,2 tỷ, bởi ông tin giá trắc sẽ còn cao nữa, chờ lên tới 1,6 tỷ mới bán để vừa xây nhà kiên cố vừa sắm ô tô đi rẫy cho oách.
Tháng trước, sau hè còn 1 trụ trắc thừa hồi dựng nhà, ông cẩn thận bê vào đặt sát vách giường ngủ, lại xích thêm 2 con chó vào trụ để bảo vệ. Vậy mà bọn trộm vẫn canh đúng đêm ông đi vắng, lẻn vào đánh bả chết cả hai con chó rồi mang trụ trắc đi mất. Tiếc ngẩn ngơ, ông tính: trụ trắc bị mất dài 3,1m, đường kính 15 cm, nếu bán phải dăm bảy chục triệu. Điều khả dĩ an ủi phần nào ông Tú, là nhà ông Vi Xuân Khao còn mất nhiều hơn. Hai năm trước, ông Khao đã mất gần 20 trụ tiêu, mỗi trụ dài 4m, đường kính 15 - 16 cm, giá thời điểm mất khoảng nửa tỷ.
Anh Lê Văn Viết, trưởng thôn Tam Lập cho biết: riêng thôn Tam Lập hơn 20 hộ có gỗ trắc thì gần chục hộ đã dỡ bán. Như nhà ông Vi Quốc Chấn bán được 700 triệu đồng; nhà các ông Đinh Thiện Tiến, Đinh Thiện Thiệp mỗi người bán được 900 triệu đồng, ông Triệu Văn Thịnh được 1,1 tỷ v.v… Thương lái đến từ nhiều địa phương như Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Hương Khê (Hà Tĩnh), Plei ku (Gia Lai), thậm chí cả người Trung Quốc cũng lần mò vào tận đây tính giá trắc bằng nhân dân tệ. Không chỉ cột, trụ nhà mà bất kỳ thứ gì bằng gỗ trắc cũng giá trị. Không ít nhà dỡ chuồng trâu, trụ tiêu, cọc tường rào, máng heo ra bán cũng thu được hàng trăm triệu- Anh Viết khoe.
Cơn sốt gỗ trắc đang ở cao trào thì ngày 28/8/2013, Ủy ban Nhân dân huyện Krông Năng bất ngờ ra văn bản yêu cầu chính quyền các xã tạm dừng xác nhận thủ tục bán nhà gỗ trắc của người dân trên địa bàn huyện. Nhiều chủ hộ lo sốt vó. Không ít hộ đã đàm phán giá cả xong xuôi, nhà đã dỡ nhưng gỗ không xuất được vì chưa có xác minh của kiểm lâm.
Ông Lê Văn Huấn (xã Tam Đa) chốt xong 25 cột trắc giá 1 tỷ đồng, nhận đặt cọc trên trăm triệu rồi, bèn dỡ cột trắc ra, gá cột gỗ tạp vào, hẹn ngày bốc hàng giao tiền. Nào ngờ khi lên xã làm giấy xác nhận mới té ngửa biết có chỉ thị tạm dừng. Ông đành xếp đống trắc vào giữa nhà, dùng xích sắt tròng quanh, khóa lại chờ ngày trắc thông đường. “Cột nhà chưa dỡ thì không sao, dỡ xuống rồi phải canh giữ cẩn thận. Mất một trụ là mất cả trăm triệu chứ chẳng chơi”- ông Huấn lo lắng. Các ông Hoàng Công Trung (xã Tam Đa), Nông Công Phương (Tam An), Triệu Văn Thường (Tam Hiệp)… cũng sa vào tình trạng tương tự.
Ông Nguyễn Ngọc Thuận, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Ea Tam cho biết: tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã còn cao, thấy dân chúng thuận mua vừa bán, không phạm pháp, lại đóng được thuế tài nguyên nên xã ủng hộ. Hơn 30 năm trước, rừng nguyên sinh xã Tam Giang bạt ngàn gỗ trắc, cây thẳng tắp cao vút. Nhiều cây cưa cắt được 3 cột nhà. Vùng này đa số đồng bào Tày, Nùng đã trải 2 cuộc kháng chiến, chịu khó chịu khổ và chắt chiu tiết kiệm lắm, không hề có chuyện ôm cục tiền to là thả sức ăn chơi. Đa số chủ hộ bán cột trắc đi làm nhà xây, mua đất nới rộng nương rẫy. “Trắc là loại gỗ quý, đang ngày càng khan hiếm nhưng không phải là mặt hàng quốc cấm. Nhà tôi chả có cột trắc nào, chỉ có bộ sa lông trắc mua hồi năm 2004 có 44 triệu. Bây giờ khối người ngắm bảo giá đã lên ít nhất gấp hàng chục lần! Nhưng lệnh đã ban, chúng tôi phải chấp hành!”, ông Thuận chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Kiểm, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Krông Năng thừa nhận: Việc mua bán gỗ trắc trên địa bàn huyện có từ lâu. Thủ tục mua bán rất đơn giản, người dân chỉ cần làm đơn trình lên xã ký xác nhận, Hạt kiểm lâm phối hợp cùng kiểm lâm địa phương, công an xã thẩm định nguồn gốc, kiểm kê khối lượng, căn cứ vào giá trị để tính thuế tài nguyên theo quy định. Thuế đóng xong, Hạt sẽ xác nhận cho giao dịch.
Từ đầu năm đến nay, Uỷ ban Nhân dân xã Ea Tam đã ký xác nhận cho 33 hộ bán gỗ trắc ở xã Ea Tam và xã Ea Púk bán hơn 55m3 gỗ trắc đã qua sử dụng, nộp thuế tài nguyên hơn 300 triệu đồng. Hiện toàn xã vẫn còn hàng trăm căn nhà có kèo cột bằng gỗ trắc chưa bán. Chuyện mua bán gỗ trắc ở Krông Năng đã rỉ rả lâu rồi, nhưng chưa bao giờ rộn ràng như mấy tháng gần đây. Lái gỗ ra giá từ 700.000 - 1,5 triệu/ký tùy kích thước gỗ. Gỗ đường kính càng lớn thì giá càng đắt. Cây lớn ước chừng nhắm giá chứ không cần cân. Nhưng từ khi có quy định tạm ngưng, các nậu gỗ cũng bỗng dưng mất hút. Trước cảnh dân chúng nhốn nháo ngược xuôi dò hỏi, ngày 16/8/2013, hạt kiểm lâm huyện đã ban hành công văn đề nghị xã tổng hợp các hộ dân có nhu cầu bán gỗ trắc gửi lên để huyện báo cáo với tỉnh, xin chủ trương. Đa số người dân khi được hỏi, đều tự nhận mình không am hiểu pháp luật. Riêng Thông tư số 01/2012/TT - BNN&PTNT là nhiều người nhớ vanh vách vì có câu “việc bán lâm sản đã qua sử dụng chỉ cần xã và kiểm lâm xác nhận là được”.
Trong khi chờ tỉnh chỉ đạo, người dân ở Ea Tam nơm nớp lo thương lái rút đi gỗ trắc rớt giá, mất cơ hội đổi đời. Nhiều nhà đã dỡ cột, tháo chuồng trâu bò, rã chòi rẫy, nhổ hàng rào, giành máng của lợn vì đẽo bằng gỗ trắc đem về mà chưa kịp bán, nay phải thường xuyên túc trực, canh giữ, sợ trộm cả đêm lẫn ngày. Có người phát hiện mấy ngày nay cánh buôn gỗ trắc bỗng nhiên mất hút. Mối nghi ngờ về một kịch bản phá hoại của những kẻ giấu mặt nào đó đang lớn dần trong các thôn xóm.
Trao đổi với cán bộ kiểm lâm một số tỉnh trên khu vực, chúng tôi được biết việc mua bán gỗ trắc nhiều năm trước từng dẫn đến hậu quả xáo trộn sản xuất và sinh hoạt trên Tây Nguyên như tiêu đang tốt thì bị gỡ khỏi trụ, nhà đang ổn định bị tháo cột đem bán, sau đó đồng bào lại phá rừng kiếm trụ tiêu và gỗ mới làm nhà. Sốt trắc càng nóng, kiểm lâm càng hiểm nguy vất vả trong việc đối mặt với bọn lâm tặc phá rừng, trà trộn gỗ lậu vào gỗ hợp pháp, làm giả giấy tờ vận chuyển lâm sản trái phép gây khó khăn cho việc quản lý bảo vệ rừng. Vì gỗ trắc trong tự nhiên hàng trăm năm mới khai thác được, hiện đã thành của hiếm nên tháng 3/2013, Việt Nam đã đề xuất và được hội nghị các nước thành viên CITES lần thứ 16 đồng ý bổ sung thêm loài trắc vào phụ lục II công ước tăng cường bảo vệ .