Ăn xong bữa cơm tối, chị Trần Thị Ngọc Trang (32 tuổi) cùng 3 con nhỏ đến Bệnh viện Quân y 268. Lúc đó, Huế lất phất mưa sau một ngày âm u.
Mất chừng 10 phút, 4 mẹ con chị tới nơi. Tìm một chỗ trong hàng người đang hướng về phía bệnh viện, chị Trang cứ ngồi đó, tì tay lên xe máy, nhìn xa xăm với ánh mắt không đậu vào đâu.
Chính chị cũng không biết mình đến đây để đợi chờ điều gì. Thâm tâm chị tự nhủ phải đến. Phía xa, sau những cánh cổng kia, là 13 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh ở tiểu khu 67.
“Muốn vào thắp cho họ nén nhang”
Bận bịu cả ngày, chị Trang không có cả thời gian để xem tin tức. Thấy bão số 8 sắp đổ bộ vào miền Trung, chị chuẩn bị nhiều thứ để tránh thiệt hại như đợt lũ vừa qua.
Phải đến tối khi đọc báo mạng, chị Trang mới biết phép màu đã không đến. Toàn bộ 13 cán bộ, chiến sĩ mất tích 3 ngày qua đã hy sinh. Những chuyến xe cứu thương vừa đưa thi thể họ về bệnh viện.
Xe cứu thương chở thi thể nạn nhân về Bệnh viện Quân y 268. Ảnh: Việt Linh. |
Và vội miếng cơm, chị bảo các con tối nay tạm nghỉ học, ra ngoài với mẹ để “tưởng niệm các chú bộ đội”. Ngoài cậu con trai cả đã đủ lớn để hiểu chuyện gì đang xảy ra, 2 đứa nhỏ ngoan ngoãn nghe lời mẹ theo quán tính.
Khi chị tới, hàng chục chiếc xe máy đã đỗ đối diện cổng viện. Không biết bao nhiêu người dân Huế đã tập trung ở đây. Chị cũng không rõ họ đã đứng dưới mưa từ lúc nào, nhưng hàng người mỗi lúc lại đông thêm.
Lúc biết 13 cán bộ, chiến sĩ mất liên lạc, chị dự cảm điều chẳng lành. Nghe tin bão sắp về, chị lại càng mong ngóng người gặp nạn sớm được giải cứu. Chị Trang nói trong 13 người ấy, chị không quen ai, nhưng vẫn thấy xót xa bởi họ vì cứu người mà gặp nạn.
“Đây không chỉ là nỗi đau của gia đình 13 người tử nạn, mà là nỗi đau của người dân Huế. Mình thấy buồn chứ, xót xa cho họ. Nếu được, mình muốn vào để thắp cho họ nén nhang”, người phụ nữ 32 tuổi trầm ngâm.
Nghe vậy, Lê Xuân Chính (12 tuổi, con chị Trang) cũng nói: “Con cũng muốn đi”. Cậu bé 12 tuổi nghĩ rằng sẽ được thấy 13 chú bộ đội lần lượt trở về trên chiếc xe cứu thương nối đuôi nhau, giống như một cuộc hành quân.
Cậu ấp úng khi kể về lý do các chú cán bộ, chiến sĩ bị nạn. Nhưng khi được hỏi tại sao lại tới đây cùng mẹ, cậu bé 12 tuổi nói rành mạch: “Vì các chú đã bảo vệ mình. Sau này, con cũng muốn làm bộ đội”.
“Cái tâm thúc giục mình phải đến”
Đó là lời giải thích của anh Trần Ngọc Quang (40 tuổi, phường Phú Cát, TP Huế) khi nói về lý do đứng trước cổng bệnh viện vào tối muộn 15/10. Nếu có cơ hội, anh muốn được vào thắp nén nhang tiễn biệt, tri ân những hy sinh của 13 cán bộ, chiến sĩ đã nằm xuống.
“Họ ra đi lạnh lẽo, mình đến thắp cho họ nén hương có thể khiến họ ấm áp hơn một chút”, anh Quang chia sẻ.
Những chiếc xe cứu thương lần lượt đưa thi thể các cán bộ, chiến sĩ về bệnh viện chiều tối 15/10. Ảnh: Việt Hùng. |
Giống như chị Trang và anh Quang, bà Nguyễn Thị Hồng (50 tuổi, phường Trường An) cũng đến cổng bệnh viện sau khi nghe tin tìm được thi thể 13 cán bộ, chiến sĩ. Bà bảo suốt từ đợt lũ lụt lịch sử năm 1999, chưa bao giờ thấy Huế lụt sâu vậy. Và bà cũng chưa bao giờ thấy nhiều người phải hy sinh đến thế.
“Nghe tin 21 chiến sĩ vào Rào Trăng cứu công nhân, là người dân Huế, tôi cảm thấy họ quá hy sinh cho dân, quá giống bộ đội cụ Hồ”, bà Hồng nói và kể rằng hôm biết tin 13 cán bộ, chiến sĩ mất liên lạc, bà vẫn hy vọng họ có thể sống sót trở về.
Sáng nay, nghe tin bão sắp đổ bộ, người phụ nữ này vẫn cầu nguyện cho những cán bộ, chiến sĩ sớm thoát nạn. Nhưng mong muốn của bà Hồng không thành hiện thực. “Mình không phải người thân mình còn rầu vậy, không biết người thân họ ra sao”, người phụ nữ không ngừng hướng mắt về bệnh viện, nơi dự kiến diễn ra lễ truy điệu chung cho 13 nạn nhân.
Đêm nay, không hẹn trước nhưng chị Trang, anh Quang, bà Hồng và nhiều người khác có mặt tại cổng Bệnh viện Quân y 268 cùng có chung một kế hoạch. Họ sẽ trở lại bệnh viện để tiễn đưa những anh hùng của người dân xứ Huế trong chặng cuối cuộc đời.
- Trưa 12/10, công trình thủy điện Rào Trăng 3 sạt lở, khiến 3 người chết, 17 người mất liên lạc.
- Chiều 12/10, đoàn công tác của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quân khu 4 lên đường cứu hộ, cứu nạn.
- Rạng sáng 13/10, khu vực đoàn cứu hộ dừng chân nghỉ ở tiểu khu 67, Trạm kiểm lâm Sông Bồ bị sạt lở khiến 13 người mất liên lạc.
- Sáng 14/10, chuyến bay đầu tiên của Sư đoàn 372 vào khu vực Rào Trăng 3. Chiều cùng ngày, lực lượng chức năng giải cứu 19 người và đưa một thi thể ra ngoài.
- Chiều 15/10, 13 thi thể được tìm thấy tại tiểu khu 67.