Đài SBS đưa tin trong cuộc điều tra TerraForm Labs, cảnh sát đang xem xét trường hợp một nhân viên của công ty đã thực hiện hành vi biển thủ lượng tiền số từ quỹ cứu trợ dự án. Số tiền thất thoát được ước tính trị giá lên đến 24 triệu USD.
Lợi dụng cứu trợ, biển thủ Bitcoin
Cụ thể, khi đồng UST mất mốc 1 USD vào đầu tháng 5, TerraForm Labs trực tiếp nhận lượng tiền số dự trữ từ Luna Foundation Guard để cứu trợ giá cho đồng stablecoin nêu trên. Sau đó, phía Terra cho biết đã bán ra khoảng 80.000 Bitcoin, trị giá hơn 3 tỷ USD. Hiện tại, Terra còn giữ khoảng 300 Bitcoin.
Tại thời điểm dự án gặp sự cố, một nhân viên của TerraForm Labs bị nghi đã đánh cắp 80 Bitcoin, giá trị khoảng 30 tỷ won (gần 24 triệu USD) từ quỹ cứu trợ. Cảnh sát Hàn Quốc nhận được thông tin này vào hôm 18/5. Sau đó họ yêu cầu các sàn giao dịch nội địa đóng băng những tài khoản liên quan.
Một nhân viên của TerraForm Labs bị cáo buộc biển thủ 24 triệu Bitcoin. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, việc mua bán các loại tài sản ảo như Bitcoin khó quản lý bởi có thể thực hiện trên nhiều sàn phi tập trung, nền tảng quốc tế. “Vẫn chưa thể chắc liệu đây có phải một vụ tham ô có hệ thống hoặc liên quan gì đến Do Kwon, CEO kiêm đồng sáng lập công ty”, một quan chức cảnh sát nói với SBS.
Gần đây, toàn bộ nhân viên, những người tham gia vào quá trình tạo ra UST/LUNA đã bị triệu tập đến cơ quan công tố để phục vụ điều tra. Trong phóng sự của đài JTBC, một người từng đóng vai trò chính trong việc thiết kế hệ sinh thái Terra cho biết đã nhìn ra vấn đề từ khi bắt đầu dự án.
“Chúng tôi đã thấy trước sự sụp đổ ngay từ khi lập trình. Tôi báo cho Kwon Do-huynh (tức Do Kwon) nhưng anh ta hoàn toàn không quan tâm. Ban lãnh đạo phớt lờ nguy cơ dù điều đó đã được nhắc đến nhiều lần”, người nhân viên nói.
Theo một nhân viên khác, người trực tiếp thiết kế Anchor Protocol, nền tảng nhận cho vay UST để lấy lãi 20% một năm, đã trông đợi sự sụp đổ của mô hình ngay từ đầu. Cụ thể, ở bước xây dựng, lập trình viên này ước tính lãi suất trả cho người gửi tiền ở nền tảng vào khoảng 3,6%/năm. Điều này nhằm giữ cho Terra ổn định bởi nó chỉ cao hơn một chút so với lãi suất ngân hàng.
Tuy nhiên, chỉ một tuần trước khi Anchor Protocol được ra mắt, ban lãnh đạo TerraForm Labs bất ngờ thông báo tăng mức lãi suất lên 20%.
“Trước khi phát hành, tôi nói với Giám đốc Kwon hãy giảm lãi suất xuống, nhưng ông ấy không quan tâm”, lập trình viên nêu trên nói.
Do Kwon khóa Twitter, giá LUNA 2.0 giảm 40%
Sau khi mạng LUNA được hard fork, tách ra thành một nền tảng mới (LUNA 2.0) giá đồng tiền số của dự án liên tục biến động. Ngày 8/6, Do Kwon khóa tài khoản Twitter, dù trước đó ông vẫn thường xuyên cập nhật hoạt động của Terra 2.0. Điều này tạo ra sự bất an trong cộng đồng nhà đầu tư.
Giá LUNA 2.0 biến động mạnh trong những ngày qua. Ảnh: Coinmarketcap. |
Trong cùng ngày, giá đồng LUNA 2.0 có thời điểm giảm còn 2,1 USD, giảm hơn 40% so với mốc 3,7 USD trước đó. Hiện tại, đồng tiền số này đang được giao dịch quanh mốc 3 USD. Dữ liệu từ Coinmarketcap cho thấy giá trị vốn hóa của LUNA chỉ còn khoảng 600 triệu USD, giảm hơn một nửa so với mức 1,3 tỷ USD lúc mới lên sàn.
Ngoài ra, phía TerraForm Labs đối mặt với nhiều cáo buộc gian lận từ cộng đồng. Tài khoản @FatmanTerra, người thường xuyên cung cấp các tin tức nội bộ từ Terra tố cáo Do Kwon đã nói dối. Cụ thể, trong đề xuất Do Kwon đưa ra, ông tuyên bố ví của TerraForm Labs sẽ không nhận thưởng bất kỳ LUNA 2.0 nào, trao quyền quản trị dự án cho cộng đồng.
Tuy nhiên, @FatmanTerra tung bằng chứng Terra đã sử dụng 5 ví ẩn danh để nhận 42,8 triệu token LUNA 2.0 (trị giá khoảng 130 triệu USD). Ngoài ra, với lượng lớn token LUNA 2.0 đang nắm giữ, Terra có quyền biểu quyết, thao túng hoạt động của mạng lưới.
Trước cáo buộc này, TerraForm Labs không có bất cứ phản hồi nào. Động thái duy nhất được ghi nhận là việc Do Kwon khóa tài khoản mạng xã hội Twitter.
Thông tin về loại tiền số trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Zing News. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.