- Trở lại 10 năm trước, sau khi "Bóng đè" ra mắt, chị có chịu áp lực gì từ dư luận? Chị đã ứng xử thế nào với những lời khen chê ?
- Đối với những luồng ý kiến góp ý phê bình mà chân thành (từ góc độ văn chương) thì Diệu đón nhận vui vẻ, bình thường. Nhưng thóa mạ mình, cố triệt hạ mình, thì tôi rất bực, khinh bỉ.
Nếu nói không để tâm thì không đúng. Tôi cũng tức giận chứ. Nóng mặt tôi cũng nghĩ giả sử gặp người công kích mình trong quán nước, phải hắt cốc nước vào người đó cho hả giận. Nhưng may sao, tôi lại kìm giữ được những ý nghĩ ấy.
Và tôi giữ im lặng, cuối cùng chỉ trả lời một lần duy nhất trên báo về các vấn đề liên quan đến Bóng đè rồi thôi.
Nhưng với Lam vỹ, những người phê bình trước đây không có nhiều cơ hội để thóa mạ Diệu.
Lam vỹ - tiểu thuyết mới của Đỗ Hoàng Diệu. |
- Điều gì khiến chị lặn một hơi 10 năm, rồi mới trở lại với tác phẩm mới?
- Tôi có viết đấy chứ, nhưng cuốn tiểu thuyết Hầm mộ mãi mà chưa in được. Bởi vậy, tôi định bụng viết một cuốn tiểu thuyết ba xu xem có in được hay không, hay cái tên tôi vẫn “quỷ sứ” như vậy.
Tôi viết Lam vỹ trong tâm thế ấy. Nhưng đặt bút viết, tôi không thể ba xu được, tôi lại lồng lộn lên, mà như thế thì sẽ khó in. Tôi phải tự cân bằng mình, tự tay cắt gọt đi hơn 100 trang của Lam vỹ. Có lẽ vì thế nó dễ đọc hơn, và hy vọng mọi người đón nhận nó.
Bây giờ Lam vỹ đã đến tay bạn đọc, nó là tiểu thuyết năm xu hay mười xu, để bạn đọc đánh giá.
- Trong 100 trang cắt bỏ của "Lam vỹ" là nội dung gì ?
- Trong sách có một chi tiết mơ hồ: nhân vật Thơ đã đẩy bố người yêu cũ xuống hồ hay không, hay ông ấy vì sốc quá bị bệnh tim mà nhảy xuống hồ? 100 trang cắt đi là xoay quanh chuyện đó.
Đoạn thứ hai tôi tự cắt là đoạn khá nhiều sex, cùng với đó là những chỗ nói không được tích cực về Nho giáo.
- Người sáng tác rút gan rút ruột để tạo nên tác phẩm. Vì sao chị lại thỏa hiệp mà tự kiểm duyệt mình như thế?
- Với tác phẩm tôi viết trước là Hầm mộ, ngay cả biên tập viên cứng như Tạ Duy Anh cũng thấy nó khó có thể in. Anh ấy không thể khuyên tôi cắt đi chỗ nào, bởi nó nằm trong một tổng thể. Tương lai ra đời của nó là không có.
Hơn 10 năm rồi tôi vẫn viết mà không được xuất hiện. Tôi bức bối, muốn quay lại với bạn đọc. Muốn xuất bản thì phải tự kiểm duyệt mình. Tôi cũng xấu hổ vì ngồi tự cắt hơn 100 trang. Tôi cảm thấy mình hèn, nhưng vẫn làm.
- Chị nhìn nhận thế nào về sự cởi mở với đề tài sex trong văn chương Việt sau 10 năm trở lại?
- Gần đây tôi đọc Tình cát của Nguyễn Quang Lập mới thấy nó nhiều sex như nào. Một cuốn có những chi tiết về tình dục nhiều như vậy vẫn được in, thiết nghĩ không cần bàn về độ cởi mở với đề tài này nữa.
- Chị có áp lực gì khi viết về chủ đề sex?
- Tôi không viết về sex. Mà câu chuyện nó bắt buộc phải viết ra. Nó nằm trong mạch chuyện, người này phải làm thế này, người kia phải làm thế kia. Chứ tôi không cố để viết sex như thế.
- Có những người cố đưa những chi tiết tính dục vào sách để câu khách, chị nghĩ gì về cách làm đó?
-Tôi không đánh gia cao. Mặc dù tình dục không phải điều xấu. Nhưng lợi dụng nó để được mục đích nào đó thì không đánh giá cao.
Tác giả Đỗ Hoàng Diệu. Ảnh: Tần Tần. |
- Cuộc sống của chị hiện tại thế nào?
- Chồng tôi là giáo sư tại Đại học Ohio, gia đình tôi sống tại đó. Đa phần dân thị trấn Ohio đều là sinh viên hoặc giáo sư, nên môi trường hẹp và trong lành. Tôi có cuộc sống khá bình lặng, nội trợ, chăm con, đọc sách, may mắn vì không phải lo cơm áo gạo tiền.
Lúc con cái còn nhỏ thì tôi không viết được nhiều. Giờ đây tôi có thời gian hơn. Cuộc sống nhàn tẻ không có gì đáng nói.
Nói thì mọi người không tin. Hai năm trước nhà tôi ở vùng vịnh San Francisco – nơi có nhiều người Việt, bạn tôi còn lo lắng nếu tôi tới Ohio sẽ buồn. Nhưng tôi vốn là kẻ tự kỷ, thích một mình quen rồi.
- “Bóng đè” khiến nhiều người hình dung Đỗ Hoàng Diệu là người nổi loạn. Cuộc sống bây giờ là nội trợ và viết văn, chị có buồn không?
- Chỗ tôi ở có nhiều người muốn làm bạn với tôi. Có những hội, nhóm như phụ nữ châu Á… cùng nấu nướng, chia sẻ kinh nghiệm chăm con... Nhưng tôi thu mình, chỉ khi nào bắt buộc phải đến chỗ nào mới đến.
Thu mình lại, mọi người nghĩ tôi buồn, nhưng tôi muốn như thế. Khi ở Việt Nam tôi cũng thích sống cô độc . Tôi từ chối hội hè đình đám, muốn giấu mình trong vỏ, ngồi trong góc để nhìn. Tôi thích đọc những cuốn sách u ám.
- Chị tìm được gì ở những cuốn sách u buồn?
- Đối với tôi văn chương đích thực là văn chương u tối. Đọc xong nó phải buồn, ám ảnh. Văn chương mà cứ hơn hớn thì kinh dị lắm.
- Chị quan tâm thế nào tới văn chương trong nước?
- Tôi đọc về văn chương Việt hàng ngày. Gần đây tôi thấy có tác giả Đinh Phương rất trẻ, với tiểu thuyết Nhụy khúc mang nhiều giá trị.
Văn chương Mỹ thì tôi ít đọc. Chồng rất giỏi tiếng Việt nên tôi đâm lười học tiếng Anh. Tiếng Anh đủ dùng, nhưng để đọc văn học Mỹ mà thẩm thấu thì khó.
Tuy không lên tiếng, song tôi vẫn theo dõi văn đàn Việt. Hơn hai tuần nay, vì yêu cầu của đơn vị phát hành tôi mới lập trang facebook. Nhưng có lẽ sau đây, tôi sẽ sớm đóng tài khoản này.
- Điều gì khiến chị từ chối không sử dụng mạng xã hội như một kênh quảng bá tác phẩm?
- Cả tôi và chồng đều không thích. Hai tuần nay tôi post ảnh lên trang, và gọi đó là ảnh lừa đảo. Tôi viết này kia trên trang cũng được nhiều người “like”. Quả cũng hấp dẫn. Nhưng nếu cứ dùng nó thì mất thời gian, tôi không viết được.
Tôi đang trong cơn bệnh, bệnh “ngứa nghề” ấy mà. Vậy nên phải viết tiếp thôi.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: "Một người viết được truyện ngắn như Bóng đè khó vô cùng. Bản thân tôi làm người viết, tôi biết làm nên truyện đó cố gắng của Đỗ Hoàng Diệu là 1% thôi, còn lại là thời thế, là trời cho… Chẳng phải chúng ta tài năng gì đâu, chỉ là thời cuộc như thế, trời cho như thế."
Nhà phê bình Lại Nguyên Ân: "Chúc mừng một nhà văn sau trận “bươu đầu sứt trán” vẫn trở lại với văn chương. Cuối cùng, vấn đề của nhà văn vẫn là tìm tòi, tìm ra cái mới mang tính phát hiện, đóng góp tiến triển của xã hội này."
Dịch giả Dương Tường: "Diệu nói cô không phải nhà văn chuyên nghiệp. Nhưng chất nhà văn đã là cái gì thuộc bản ngã của Diệu. Nên dù rằng Diệu có nói cô không chuyên, hay có từ chối việc viết văn, thì nó vẫn trở lại “hành hạ” Diệu. Tiếp sau Bóng đè, Diệu đã có Hầm mộ, giờ có Lam vỹ. Đó là sự trỗi dậy bản ngã viết văn trong Diệu."