Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đò dọc' và những chuyến di dân gắn liền với biến động lịch sử, xã hội

"Đò dọc" là một trong những tiểu thuyết được đánh giá cao nhất của nhà văn Bình Nguyên Lộc, từng giành được Giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1959-1960.

Đò dọc kể câu chuyện về gia đình ông bà Nam Thành với 4 cô con gái, từ Bạc Liêu (Tây Nam Bộ) lên Sài Gòn rồi từ Sài Gòn trôi dạt về miệt Thủ Đức (Đông Nam Bộ) theo những biến động trong xã hội.

Do doc anh 1

Từ Sài Gòn về làng thuốc Linh Chiểu, ở nơi mà nhà lân cận cách xa “cỡ hú một tiếng dài mới nghe”, gia đình kẻ chợ này không khỏi thấy cô đơn lạc lõng. Mười năm ở Sài Gòn chưa đủ để thành phố hóa quê hương, rời đi giữa sự “thờ ơ của hàng xóm” và chẳng “ai thiết tha đến mình”, nhưng tới miền quê chỉ có đèn măng sông tù mù và những người dân làng hiền lành, lủi thủi, gia đình ông Nam Thành “như bị cách biệt với thế giới bằng một bức tường khoảng không”.

Dưới ngòi bút mô tả rất thực và đời của nhà văn Bình Nguyên Lộc, cái không khí miền quê buồn tẻ, bằng phẳng được lột tả sinh động, với những cơn mưa xóa mờ tất cả, với tiếng côn trùng, ễnh ương kêu và công việc ruộng vườn quanh quẩn.

Cái nơi chốn ấy càng đặc biệt tai hại với 4 cô con gái đang tuổi lấy chồng.

“Bốn cô tủi thân quá, nghe như mình bị cả thế gian bỏ quên. Thế gian cứ vui chơi, thương yêu không biết rằng góc quê kia có những người còn trẻ, còn ham vui đang vào tuổi thương yêu bỗng vì gia thế phải lùi về ở ẩn như một công chức mãn kỳ phục vụ, và không biết bao giờ ra khỏi chốn nầy”.

Lạc lõng, không bạn bè, khi gia đình tình cờ cứu được chàng họa sĩ tên Long bị tai nạn xe và để chàng dưỡng thương tại nhà, các cô gái trót trao tấm lòng cho cùng một người duy nhất. Giữa nỗi nóng ruột muốn gả con của ông bà Nam Thành, những yêu thương bồng bột của tuổi trẻ, chuyện éo le lên đến đỉnh điểm, xảy ra những đố kỵ, tranh giành.

Bi kịch này càng khiến người ta đau xót vì nhà văn Bình Nguyên Lộc rất khéo dụng tâm mô tả sự gắn bó và yêu thương nhau của những con người này. Ngòi bút kể chuyện tự nhiên của ông gợi nhớ đến không khí gia đình của những tác phẩm kinh điển như Little Women (Những người phụ nữ bé nhỏ) của Louisa May Alcott. Bốn cô con gái được xây dựng với những cá tính rõ nét, nhưng ai cũng yêu thương nhau, có gia giáo, đều duyên dáng theo cách riêng. May thay, những điều đẹp đẽ vẫn lấp lánh trong trang văn của nhà văn bậc thầy này và mối trân trọng tình cảm gia đình cuối cùng đã hóa giải tất cả.

Bi kịch của gia đình ông bà Nam Thành phản ánh bối cảnh xã hội lúc bấy giờ với các cuộc di dân do biến động thời cuộc, với sự khó hòa nhập giữa kẻ chợ và dân quê. Sự lạc lõng của gia đình ông Nam Thành là sự cô đơn chung của phận người trôi dạt, chưa kịp neo đậu lâu ở bến nào. Qua cuốn sách, ngòi bút tài năng của Bình Nguyên Lộc đã khắc họa tinh tế những mâu thuẫn ngầm đó, phác nên một bức tranh hiện thực rung động.

Viết về một xã hội buổi giao thời, khi cái hiện đại vừa chớm lan tỏa từ thành thị đến thôn quê, nhà văn Bình Nguyên Lộc có cách nhìn rất nhân văn khi nói lên những thay đổi trong quan niệm của người đương thời về hôn nhân và người phụ nữ.

Đối với các cô gái dù là quá lứa lỡ thì, dù là bồng bột trong chuyện tình yêu cảm nhận toát lên giữa những dòng văn của ông là một chữ “thương”. Cha mẹ thương các cô, bạn bè và chàng họa sĩ thương các cô, chính các cô cũng rất mực thương nhau. Tình bạn và tình chị em ấm áp giữa những người phụ nữ, nhất là trên trang viết của một người khác phái là điều không thường thấy ngày trước, thể hiện cách nhìn tiến bộ của Bình Nguyên Lộc.

Do doc anh 2

Là nhà văn hóa, Bình Nguyên Lộc mô tả khung cảnh đời sống của người dân Nam Bộ với sự tỉ mỉ, hứng thú và tái hiện chúng rất sinh động, rất đời.

Nhưng đặc sắc nhất phải kể đến ngôn ngữ của Đò dọc. Như những sáng tác của Sơn Nam, của Vương Hồng Sển, tác phẩm của Bình Nguyên Lộc cũng là một kho tàng lời ăn tiếng nói của người dân Nam bộ. Bạn đọc yêu ngôn ngữ và muốn tìm hiểu cách nói của dân tộc mình ở những giai đoạn khác nhau chắc chắn sẽ rất thích cuốn sách này.

Đò dọc không chỉ chở những phận người ngược xuôi, còn chở cả một miền văn hóa đáng nhớ. Đây là một tác phẩm xưa có giá trị hiện thực, giá trị nhân văn và giá trị văn hóa sâu sắc, được viết bằng bút pháp tinh tế và duyên dáng, xứng đáng có mặt trên kệ sách của những người yêu văn hóa - văn chương.

Nhà văn hóa Bình Nguyên Lộc

Tác giả Bình Nguyên Lộc (1914 - 1987) tên thật là Tô Văn Tuấn, xuất thân trong một gia đình sống tại Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là Bình Dương). Ông là nhà văn lớn, nhà văn hóa Nam bộ chuyên nghiên cứu về dân tộc học, ngôn ngữ và cổ văn. Trong sự nghiệp cầm bút, ông có khoảng 50 tiểu thuyết, 1000 truyện ngắn và 4 cuốn sách nghiên cứu. Một số tác phẩm chưa kịp in đã bị thất lạc, hủy hoại trong chiến tranh.

Các tác phẩm của Bình Nguyên Lộc được NXB Trẻ ấn hành: Đò dọc, Mưa thu nhớ tằm, Cõi âm nơi quán cây dương, Mối tình cuối cùng, Hương quê.

https://vietnamnet.vn/do-doc-va-nhung-chuyen-di-dan-gan-lien-voi-bien-dong-lich-su-xa-hoi-2268387.html

Linh Đan/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm