Mưa thu nhớ tằm là tập truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Bình Nguyên Lộc. 17 sáng tác trong tập truyện này được lấy cảm hứng từ những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Từ người điên mà tỉnh trong Xác không chôn đến người tỉnh mà điên trong Kẻ đào ngũ, các nhân vật trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc hiện lên đa chiều, đa diện, nhưng tất cả đều có chung một cảm giác phi lý ngột ngạt.
Bởi họ đều là con người thừa, không có giá trị, con người bị tước đi danh tính, con người sống mà không được thừa nhận, phải sống một cuộc đời như thế thật đau xót biết bao.
Trong truyện ngắn Xác không chôn, tác giả đã phải thốt lên: “Trời ơi, ngoài đời không có một người nữ công dân là Bùi Thị Phượng, trong nhà thương, không còn con bịnh nào tên Bùi Thị Phượng nữa hết, thành ra tôi không có trên đời này, tôi đã chết rồi, tôi là một cái xác không được chôn”.
Tập truyện ngắn Mưa thu nhớ tằm của Bình Nguyên Lộc. Ảnh: NXB Trẻ. |
Trong Mưa thu nhớ tằm, cái nhìn tinh tế của Bình Nguyên Lộc được thể hiện trước những tình huống hiện thực giản đơn, thậm chí có phần tầm thường nhưng lại ẩn giấu vô số thông điệp sâu sắc, chua cay.
Cuộc đối thoại trong truyện Ho lao muôn năm giữa Thảo và Liên, vợ của anh, là một ví dụ điển hình về cái quy luật trần trụi của đời sống khắc nghiệt: “Có nhiều con kiến què phải nằm dọc đường, những con khác cứ tiếp tục đi tới, dầu có thương bạn cũng phải nhắm mắt làm ngơ. Không, kiến không có thời giờ để chần chừ ở lại với bạn”.
Lẽ thường cho rằng xã hội càng phát triển, con người càng sung sướng, nhưng liệu có thật là thế chăng? Truyện ngắn Mưa thu nhớ tằm đã cho độc giả thấy một nghịch lý khác: “Mà thầy ôi, bạc tình chính là tôi, chớ không phải tằm đâu. Tôi đã bỏ tằm, vô trong này… người bạn tôi có lỗi gì đâu”.
Sự mâu thuẫn giữa mặc cảm của hiện tại và niềm kiêu hãnh của quá khứ dường như là không thể hòa giải. Người ta chỉ có thể bày tỏ sự tiếc nuối về một thời đã qua, chứ tuyệt nhiên không thể quay trở lại.
Bất cứ ý định phản kháng nào chống lại những giáo điều thuần túy lý trí đều bị bác bỏ, bởi đấy là phương thức tồn tại duy nhất của cái xã hội tự cho mình là tiến bộ, đó là những lời bộc bạch của tác giả trong truyện ngắn Kẻ đào ngũ: “Không biết mình khổ, không có nghĩa là không khổ, và cái hạnh phúc tạm bợ của họ không phải là hạnh phúc thật”.
Nhưng kể cả trong cái xơ cứng của lý trí hiện đại, phải chăng đâu đó vẫn còn chút nhân tính sót lại chăng? Bởi trước khi có ngày nay, thì chúng ta đã là ai, nếu chưa từng có một phần thương cảm: “Đó là một kẻ đã trốn loài người để đi theo loài người, cái loài người thứ nhì không rượt kịp loài người thứ nhất trên đường tiến bộ, và bị một kẻ của loài người thứ nhất nắm tay cố kéo lên để cho họ chạy theo cho kịp bạn đồng thời”.
Tập truyện Mưa thu nhớ tằm của Bình Nguyên Lộc đã thẳng thắn nêu lên một thực trạng ghê gớm trong thời đại lý trí lên ngôi mà bỏ quên xúc cảm. Đó là sự mong manh của nhân tính giữa người với người, và giữa người với những đối tượng bị tước đi quyền làm người chính đáng.
Mỗi con người trong xã hội cứ tưởng mình là một cá thể độc lập, hóa ra đâu phải thế, bởi đến cuối cùng thì cả xã hội đều chỉ là một tập hợp toàn người với người. Rồi một khi có ai chẳng may lệch khỏi cái guồng quay ấy, lập tức họ liền bị bỏ lại và quên lãng.
Bình Nguyên Lộc là nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ nổi bật ở Biên Hòa, Đồng Nai. Tập truyện ngắn Mưa thu nhớ tằm của ông được NXB Phù Sa phát hành lần đầu vào năm 1965, ngay lập tức gây tiếng vang lớn trên văn đàn miền Nam Việt Nam thời bấy giờ.