Phát biểu được Đô đốc Harry Harris đưa ra trong lễ chuyển giao chức vụ tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) thuộc quân đội Mỹ cho đô đốc Philip Davidson tại Hawaii hôm 30/5. Ông Harris, người Mỹ gốc Nhật, đã được Tổng thống Donald Trump đề cử cho vị trí đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc.
"Triều Tiên vẫn là mối đe dọa trước mắt nhất của chúng ta và việc tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên có khả năng vươn đến Mỹ là điều không thể chấp nhận", CNN trích lời ông Harris.
Tuy nhiên, ông nói thêm: "Trung Quốc là thách thức dài hạn lớn nhất của chúng ta. Nếu không có sự can thiệp, can dự có trọng tâm của Mỹ và đồng minh cũng như các đối tác, Trung Quốc sẽ hiện thực hóa giấc mộng bá chủ của họ tại châu Á".
Đô đốc Harry Harris, cựu tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Ông Harris ban đầu là lựa chọn của Tổng thống Trump cho vị trí đại sứ Mỹ tại Australia, nhưng việc đề cử này đã bị rút lại trước phiên điều trần của vị đô đốc hồi tháng 4. Nguồn tin của CNN cho biết việc này là ý tưởng của Ngoại trưởng Mike Pompeo, người nổi lên với vai trò quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho cuộc gặp giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào tháng 6.
Luôn giữ quan điểm "diều hâu" về Triều Tiên trong suốt nhiệm kỳ tại PACOM, ông Harris cũng thường xuyên phát đi những cảnh báo đối với Trung Quốc khi Bắc Kinh tăng cường các hoạt động bành trướng quân sự ở Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng.
Hồi tuần trước, khi ông Harris vẫn là tư lệnh của PACOM, Lầu Năm Góc đã hủy lời mời Trung Quốc dự cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), cuộc tập trận trên biển đa phương lớn nhất thế giới.
Các quan chức Mỹ nói quyết định được đưa ra sau khi Trung Quốc đưa tên lửa và máy bay ném bom đến các thực thể mà nước này chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông.
Lễ chuyển giao chức vụ chỉ huy tại PACOM hôm 30/5. Ảnh: PACOM. |
Tại Hawaii hôm 30/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói: "Chúng ta nên hợp tác với Bắc Kinh ở những nơi chúng ta có thể nhưng cần sẵn sàng đối đầu với họ ở những nơi chúng ta buộc phải làm vậy".
Cũng trong buổi lễ chuyển giao tư lệnh, PACOM được đổi tên thành Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPCOM), nhằm phản ánh tốt hơn phạm vi trách nhiệm của bộ tư lệnh, bao gồm 36 nước ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.