Từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi thư cho nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố "hủy kèo" hội nghị thượng đỉnh nhưng đổi ý chỉ sau chưa đầy 24 giờ, các quan chức hai bên phải nỗ lực trong hỗn loạn để tìm cách cứu vãn và đưa hội nghị trở về đúng lộ trình.
Công tác chuẩn bị chương trình nghị sự, vấn đề an ninh cũng như nghi thức ngoại giao cho những cuộc gặp quan trọng thường mất đến vài tháng, hiện bị thu gọn xuống chỉ vài ngày. Dưới đây là bản tóm tắt của New York Times về những kênh gặp gỡ và thảo luận giữa giới chức hàng đầu hai nước nhằm chuẩn bị cho cuộc hội kiến lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore.
New York: Lên kế hoạch tiến trình hòa bình
Phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol đã có mặt tại New York hôm 30/5 để thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về việc tìm ra hướng đi cho quá trình từ bỏ vũ khí hạt nhân của Triều TIên.
Giới quan sát nhận định ông là một trong những người quyền lực nhất Triều Tiên hiện nay, là "cánh tay phải" của nhà lãnh đạo Kim Jong Un khi liên tục tháp tùng ông đến nhiều sự kiện ngoại giao gần đây như cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hôm 27/4.
Phái viên Triều Tiên Kim Yong Chol đến một khách sạn ở Manhattan, New York. Ảnh: Reuters. |
Nhiều nhà phân tích cho rằng ông Pompeo mong muốn làm sáng tỏ quan điểm của Triều Tiên trong việc giải trừ hạt nhân, một vấn đề vẫn chưa rõ ràng sau hai chuyến công du của ông tới Bình Nhưỡng.
“Sự khác biệt lớn nhất giữa hai bên nằm ở lộ trình triển khai phi hạt nhân hóa”, Phó giáo sư Ri Pyong Hwi của Đại học Triều Tiên tại Tokyo cho biết. “Mấu chốt nằm ở việc họ sẽ thu hẹp khoảng cách ấy như thế nào”, ông nói.
Ông Kim Yong Chol nổi lên như một nhân vật quan trọng trong những hoạt động ngoại giao gần đây. Giới chức mô tả ông là một người tự lập, đối nghịch với những cố vấn khác có xuất phát điểm từ những gia đình quyền quý.
“Ông ấy rất thông minh và có tài hùng biện”, ông Moon Seong Mook, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia tại Seoul nhận xét. “Ông ta không cười. Nhưng ông ấy biết làm mọi cách để đạt được mục tiêu của mình”, ông Moon Seong Mook nói.
Singapore: Hậu cần và an ninh
Singapore sẽ là nơi xa nhất nhà lãnh đạo Kim Jong Un đặt chân đến kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2011. Vì thế, mối lo ngại lớn nhất phía Triều Tiên phải đối mặt chính là việc đảm bảo an ninh.
Chủ tịch Ủy ban quốc vụ Triều Tiên Kim Chang Son và phái đoàn Mỹ do Phó chánh văn phòng Nhà Trắng Joe Hagin dẫn đầu đã có mặt tại Singapore ngày 28/5 để thảo luận các vấn đề an ninh và hậu cần. Họ cần làm rõ thời gian và địa điểm chính xác của những buổi họp, sự kiện nào sẽ mở cửa cho truyền thông, và danh tính của những quan chức sẽ có mặt trong buổi đàm phán. Thậm chí, ông Kim Chang Son và ông Hagin nên bắt đầu tìm kiếm những địa điểm ăn hình để phục vụ sở thích chụp ảnh của hai nhà lãnh đạo.
Ông Kim Chang Son, người đóng vai trò Chánh văn phòng của nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại Singapore ngày 29/5. Ảnh: AFP. |
Ông Kim Chang Son đã chăm sóc cho nhà lãnh đạo Triều Tiên kể từ khi ông Kim Jong Un còn là một đứa trẻ. Ông thi thoảng còn được gọi là “quản gia trưởng” của gia đình ông Kim. Khi bà Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim, lên đường tới dự Olympics tại Pyeongchang vào tháng 2 vừa qua, truyền thông Hàn Quốc đã ghi lại được khoảnh khắc ông Kim Chang Son cầm theo áo khoác của bà.
Theo đài phát thanh truyền hình Tokyo, ông Kim Chang Son đã nói với các phóng viên tại Bắc Kinh vào tối ngày 28/5 rằng ông đang tới Singapore để “vui chơi”.
Các phóng viên cùng chuyến bay cho biết đã nhìn thấy ông Kim Chang Son đọc bản báo có dòng chữ, “để đảm bảo cho kết quả của hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên, việc quan trọng nhất là phải đảm bảo an ninh cho nhà lãnh đạo Kim Jong Un”.
Khu phi quân sự DMZ: Soạn thảo chương trình nghị sự
Một trong những nguyên nhân khiến Tổng thống Trump viết thư “hủy hẹn” cho nhà lãnh đạo Kim xuất phát từ phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui khi bà gọi Phó tổng thống Mike Pence là “kẻ ngu ngốc” vì đã so sánh Triều Tiên với Libya.
Tuy nhiên, bà Choe chính là đại diện phía Triều Tiên có mặt trong buổi thảo luận với phái đoàn Mỹ do ông Sung Kim, cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, dẫn đầu. Hai bên đã gặp mặt hôm 27/5 tại làng biên giới Bàn Môn Điếm thuộc khu phi quân sự liên Triều.
Cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Sung Kim đến Seoul ngày 29/5. Ảnh: Yonhap. |
Mục tiêu của cuộc gặp này nhằm giúp các nhà ngoại giao và chuyên gia kỹ thuật soạn thảo chương trình nghị sự, trong đó phía Mỹ đang tìm kiếm những cam kết chi tiết từ phía ông Kim Jong Un trong vấn đề giải trừ hạt nhân. Các chuyên gia cho rằng bà Choe và ông Sung Kim đã soạn thảo tuyên bố chung sẽ được đưa ra trong hội nghị, với lời cam kết loại bỏ chương trình hạt nhân từ phía Triều Tiên đổi lấy sự đảm bảo từ phía Mỹ rằng sẽ không can dự tới thể thế chính trị cũng như yêu cầu giải quyết các vi phạm nhân quyền tại Triều Tiên.
“Bà Choe có lẽ đã yêu cầu Mỹ ngừng các cuộc diễn tập quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc”, giáo sư thỉnh giảng Chon Hyun Joon của trường Đại học Woosuk nhận định. “Triều Tiên rất giỏi trong việc đạt được những gì họ muốn vào phát cuối, trong lúc chính quyền Trump tỏ ra thiếu kiên nhẫn”, ông tiếp tục.
Bà Choe từng là nhà phiên dịch cho Triều Tiên trong những cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trong giai đoạn từ năm 2003 đến 2009. Bà có thể đã từng gặp ông Sung Kim tại các hội nghị diễn ra tại châu Âu.
Ông Mitoji Yabunaka, nhà ngoại giao đại diện cho Nhật Bản trong cuộc đàm phán 6 bên, cho biết ông cảm thấy bà Choe tại thời điểm đó có nhiều quyền lực và ảnh hưởng hơn vai trò của một thông dịch viên đơn thuần. Theo lời ông, bà Choe đã có “sự hiện diện ấn tượng”.
"Xung đột giữa các thế lực lớn"
Tại Hawaii, Đô đốc Harry Harris, sắp tới sẽ trở thành đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, đã gọi Triều Tiên là “mối đe dọa hàng đầu của chúng tôi” hôm 30/5. Ông cũng từng nhận xét Trung Quốc là một “thách thức lâu dài” với Mỹ. “Xung đột giữa các thế lực lớn đang trở lại”, ông Harris khẳng định.
Mới đây, Lầu Năm Góc đã đổi tên "Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương" thành "Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" để phản ánh những thách thức về địa lý trong khu vực. Sự thay đổi cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các chiến dịch quân sự với các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, và Ấn Độ.