Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đồ chơi nội vất vả tìm khách hàng

Một số doanh nghiệp trong nước thừa nhận thị trường đồ chơi trẻ em vẫn còn dư địa rất lớn song ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, vì nhiều lý do.

Một số doanh nghiệp trong nước cho biết đang tập trung đầu tư, sản xuất các sản phẩm đa dạng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp trong nước có đầu tư bài bản trong lĩnh vực sản xuất đồ chơi trẻ em hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng để tìm được chỗ đứng trong thị trường đồ chơi trẻ em đang tràn ngập hàng ngoại, doanh nghiệp VN cần tập trung vào các ngách mà sản phẩm nhập khẩu khó chạm tới được, đồng thời khắc phục điểm yếu trong các khâu từ thiết kế, công nghệ sản xuất, kênh phân phối, tiếp cận người tiêu dùng...

Thừa tiềm năng, thiếu đầu tư

Ít mẫu mã mới, giá chưa cạnh tranh

Trong nhiều siêu thị của hệ thống Co.op Mart, Big C... ngành hàng đồ chơi, dụng cụ học tập chiếm một vị trí khá lớn và luôn đông khách. Đại diện siêu thị Big C cho biết dù có chủ trương tạo điều kiện để đồ chơi VN có mặt trên quầy kệ, duy trì một tỉ lệ hàng nội địa nhất định nhưng nguồn hàng trong nước rất hạn chế, chủng loại không phong phú.

“Chưa kể có sản phẩm cùng loại khi so sánh với hàng nhập khẩu thì bộc lộ nhiều yếu tố kém cạnh tranh, đặc biệt về giá. Trong khi người tiêu dùng phổ thông thường xem túi tiền khi chọn mua một món đồ chơi cho con mình, miễn là nhìn cảm quan món hàng đừng xấu quá, chất lượng đừng kém quá”, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc đối ngoại siêu thị Big C, nói.

Ông Võ Văn Đức Bảy, Phó giám đốc công ty nhựa Chợ Lớn, cho biết những năm gần đây, khi người tiêu dùng có xu hướng ủng hộ hàng sản xuất trong nước, sản phẩm đồ chơi nội cũng bắt đầu được tìm mua nhiều hơn.

Đây cũng là lý do công ty đã bỏ ra hàng trăm ngàn USD đầu tư thêm máy móc thiết bị để sản xuất sản phẩm đồ chơi xếp hình thông minh làm bằng nhựa PP với gần 200 chủng loại, trong đó mỗi bộ sản phẩm có thể lắp ráp trên 10 mô hình khác nhau.

Ngoài ra, công ty cũng sản xuất các loại xe dành cho trẻ em từ lúc tập đi đến cấp I khi có đến 500 chủng loại khác nhau với giá bán rẻ hơn 20 - 30% so với cùng chủng loại của hàng Trung Quốc và rẻ hơn 59 - 70% so với các loại xe nhập khẩu từ Nhật, Hàn Quốc hoặc Đài Loan, màu sắc cũng rất bắt mắt nên được các bé ưa chuộng.

Với đồ chơi bằng gỗ, công ty CP chế biến gỗ Đức Thành cũng đang được thị trường biết đến các sản phẩm mang thương hiệu Winwintoys với các sản phẩm dành cho bé từ 1 tuổi trở lên, có thể vừa học vừa chơi, sáng tạo, hoạt náo cho đến chinh phục thử thách, vận động, kể cả cho trẻ thiếu kiên nhẫn.

Dù thị trường còn rất nhiều tiềm năng nhưng ít doanh nghiệp VN đầu tư vào lĩnh vực sản xuất đồ chơi trẻ em.

Dù thị trường còn rất nhiều tiềm năng nhưng ít doanh nghiệp VN đầu tư vào lĩnh vực sản xuất đồ chơi trẻ em.

Theo ông Lê Hồng Thắng - Tổng giám đốc công ty Đức Thành, nhiều bậc phụ huynh quan tâm hơn với đồ chơi trong nước, chủ yếu do lo ngại sự độc hại trong sản phẩm đồ chơi trẻ em của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Thắng cho biết dù thị trường đồ chơi ước tính tăng trưởng 15-20% mỗi năm, nhưng hiện có chưa đến 10 doanh nghiệp nội sản xuất đồ chơi bằng gỗ đầu tư nghiêm túc, bài bản, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài hai doanh nghiệp kể trên, còn có một số ít nhà sản xuất đồ chơi trẻ em nội địa được thị trường biết đến như công ty CP robot TOSY, công ty TNHH Thiết bị giáo dục và đồ chơi VN, công ty CP sản xuất và thương mại ETIC VN, công ty CP Phú Bách Việt, công ty TNHH Phát triển ý tưởng mới...

Trong danh sách sản phẩm đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước được Quacert chứng nhận hợp quy cũng chỉ có hơn 20 công ty, còn lại là các cơ sở sản xuất nhỏ hoặc hộ gia đình. Ngược lại, số doanh nghiệp sản xuất đồ chơi không theo bất kỳ tiêu chuẩn nào lại lên đến hàng trăm doanh nghiệp.

Đồ chơi trẻ em trong vòng vây hàng ngoại

Đồ chơi trẻ em Việt Nam đang phải “chiến đấu” với hàng Trung Quốc trôi nổi, và hàng của nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đang đổ bộ Việt Nam.

Cái khó bó cái khôn

Giải thích về sự “thờ ơ” của doanh nghiệp nội, ông Thắng cho rằng chỉ những ai có tâm huyết thật sự mới đầu tư vào lĩnh vực này, bởi sản xuất đồ chơi cho trẻ em rất phức tạp, nhiều tiêu chuẩn khắt khe, trong khi năng lực vốn, khả năng tự chủ nguồn cung phụ liệu, thiết kế mẫu của các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế.

Ông Võ Văn Đức Bảy cũng cho rằng việc bảo đảm chất lượng, sự an toàn trong đồ chơi dành cho trẻ em “thường chỉ có ở những doanh nghiệp đầu tư bài bản, chuyên sâu mới lựa chọn, vì một sản phẩm đồ chơi hoàn chỉnh thường cần đến vài chục, thậm chí cả trăm chi tiết nên nhất thiết phải có quy mô sản xuất và vốn đầu tư lớn”.

Chẳng hạn, các tiêu chuẩn về kích thước, hóa chất sử dụng phải đảm bảo nếu trẻ có ngậm vào miệng, cầm nắm hoặc làm rơi vỡ vẫn không gây nguy hiểm đến sự an toàn cho trẻ. “Muốn làm được các tiêu chuẩn này, doanh nghiệp phải tuân thủ cực kỳ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, nắm rõ thành phần cấu tạo hóa học của hóa chất sử dụng cũng như tính chất cơ lý để tạo ra sản phẩm đồ chơi có độ an toàn ở mức tuyệt đối”, ông Thắng khẳng định.

Các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em nội địa cũng luôn đau đầu với tình trạng bị động các loại phụ liệu để làm tăng thêm giá trị sản phẩm. “Để tăng tính bắt mắt cho búp bê gỗ, chúng tôi cần có thêm các loại nơ hoặc vải đính kèm. Hoặc cần bánh xe nhựa thay cho bánh xe gỗ, nhưng khi đặt mua trong nước thì giá thành cao gấp ba lần so với việc nhập khẩu do số lượng đặt nhỏ. Mà nhập khẩu thì doanh nghiệp phải chịu thuế nhập khẩu, khiến giá thành sản phẩm chưa thể đáp ứng như kỳ vọng của người tiêu dùng”, ông Thắng chia sẻ.

Đặc biệt, bộ phận thiết kế, chế tạo mẫu là điểm yếu nhất của các doanh nghiệp nội hiện nay. Một số doanh nghiệp thừa nhận dù có riêng đội ngũ thiết kế, chế tạo khuôn mẫu cho rất nhiều dòng sản phẩm đồ chơi nhưng vẫn thua kém các sản phẩm cùng chủng loại nhập khẩu về yếu tố đặc sắc, mẫu mã do vốn và đầu tư khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn đi sau người ta rất nhiều.

Một chuyên gia ngành đồ chơi cũng cho biết tốc độ phát triển mẫu mới của các doanh nghiệp trong nước chậm hơn khá nhiều so với sản phẩm nhập khẩu nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. “Một doanh nghiệp lớn trong ngành đồ chơi nội địa phải mất đến hai tháng mới cho ra một mẫu mới, trong khi người tiêu dùng luôn muốn mẫu mã mới, công năng sử dụng ngày càng cao...”, vị này nói.

Pin đồ chơi nổ như bom, cá hồi chứa chất gây ung thư

Món cá hồi Na Uy bổ dưỡng lại chứa nhiều chất gây ung thư, còn pin Trung Quốc có thể cháy nổ, gây thương tích cho người dùng.

Mua đồ chơi Việt ở đâu?

Người tiêu dùng có thể tìm thấy dễ dàng các loại đồ chơi nhập khẩu ở những hệ thống cửa hàng lớn, trung tâm thương mại, trong khi với đồ chơi nội địa nhà sản xuất ưu tiên bán ở nhà sách, siêu thị, cửa hàng. Các doanh nghiệp trong nước cũng chưa thật sự đầu tư kênh phân phối, trưng bày sản phẩm tại điểm bán.

Dễ thấy tại nhiều siêu thị, hàng đồ chơi trong nước được xếp đống với hàng nhập khẩu giá rẻ, việc sắp xếp trên quầy kệ khá lộn xộn, may ra vào những dịp đặc biệt như tết thiếu nhi, tết Trung thu, hè... thì ngành hàng này mới được “chăm sóc” ưu ái hơn. 

Công ty nhựa Chợ Lớn cho biết có hàng trăm đại lý bán hàng trên khắp cả nước và công ty chọn phương thức thưởng doanh số, chiết khấu bán hàng cho các đại lý nhằm kiểm soát được giá bán đến tận tay người tiêu dùng.

Đức Thành lại chọn phương thức mua đứt bán đoạn cho hơn 600 nhà phân phối đang kinh doanh sản phẩm đồ chơi của công ty. Các điểm bán Winwintoys có mặt ở các nhà sách, cửa hàng đồ chơi, siêu thị... trên khắp cả nước, trong khi cửa hàng “chính chủ” Winwinshop chỉ mới có hai địa chỉ tại TP.HCM.

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20141016/do-choi-noi-vat-va-tim-khach-hang/658735.html

Theo Trần Vũ Nghi - Như Bình/ Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm