Ngày thường làm công nhân, buôn bán rau quả, nhưng đến Rằm tháng 8, nhiều người chuyển nghề bán đồ chơi Trung thu. Phương tiện kinh doanh của họ là chiếc xe đạp, xe máy treo kín các loại đồ chơi bán dọc các tuyến phố, cổng siêu thị, trung tâm vui chơi ở Hà Nội.
Chị Đặng Thị Luyến, quê ở Bắc Giang cho biết, ngày thường bán hoa quả, rong ruổi mệt mỏi cũng chỉ được khoảng 200.000 đồng. Mấy năm trước, gần đến Trung thu, chị nhờ người quen nhập đồ chơi về bán. Thấy có lãi, nên giờ cứ trước Rằm tháng 8 khoảng 2 tháng, chị lại chuyển sang bán đồ chơi Trung thu tại những địa điểm các gia đình hay cho trẻ đến chơi.
Đồ chơi Trung thu đa dạng, phong phú về mẫu mã, màu sắc bắt mắt thu hút các em nhỏ. |
Mặc dù trong các khu trung tâm thương mại, hoặc siêu thị cũng bán đồ chơi trẻ em rất nhiều nhưng những người bán đồ chơi rong như chị Luyến vẫn khá đắt hàng. Lý do là đồ chơi ở những nơi này có giá cao. "Mà các bé chỉ tò mò, hiếu động, đã thích là đòi bằng được nên bố mẹ đưa con đi chơi phải chiều con, họ không ngại rút ví", chị nói.
Mùa này, thường các buổi sáng chị Luyến bán ở cổng trường học, chiều chị đứng bán ở khu vực công viên. Tối đến, chị lại bán dạo ở các bờ hồ, chỗ tập trung đông người dạo phố. Giá những món đồ chơi này khi nhập vào chỉ bằng một nửa, một phần ba giá bán ra, nên so với buôn hoa quả, chị Luyến lãi hơn nhiều.
Chị Trang (33 tuổi, ở Lý Nhân - Hà Nam) cho biết, nhà chị có 3 chị em, cứ đến tết thiếu nhi hay Rằm Trung thu, 3 chị em lại đạp xe lên Hà Nội lấy đồ chơi rồi đi bán rong khắp các tuyến phố. Yếu tố quan trọng nhất khi đi bán đồ chơi Trung thu, theo chị Trang, ngoài địa điểm, còn là độ độc, lạ của món hàng. Có những ngày chị bán được từ vài chục đến hàng trăm món đồ khác nhau, Mỗi món có khi chị chỉ thu lãi 2.000 - 3.000 đồng nhưng cũng có món lãi được vài chục nghìn. Chị còn tự làm đèn ông sao để bán thêm.
Chị Trang đang lắp đèn ông sao để bán cho khách. |
Bác Nguyễn Văn Tuyên (63 tuổi) làm nghề sửa xe đạp trên đường Phan Đình Giót - La Khê – Hà Đông cũng tận dụng bày bán các loại đồ chơi trẻ em mùa Trung thu. Bác chia sẻ, chưa đến Rằm nhưng đã rất nhiều người mua hàng. Giá cũng tăng hơn ngày thường nhưng phụ huynh không phàn nàn. Nếu như ngày thường chỉ 15.000 đồng/chiếc đèn ông sao thì những ngày này bác bán 25.000 - 30.000 đồng.
Anh Toàn (Long Biên), bán bóng bay nghệ thuật cũng chia sẻ, nghề chính của anh là đi giao hàng, nhưng cứ đến dịp lễ, Tết anh lại mua bóng bay về bơm hơi rồi tạo hình thù ngộ nghĩnh để bán. Anh tiết lộ, vốn bỏ ra mua bóng chỉ mất 3.000 - 4.000 đồng, qua khâu tạo hình mỗi chùm bóng bán có giá 25.000 - 30.000 đồng. Do cũng đi bán quen rồi nên anh biết "gu" của các bé hay chơi loại bóng có hình lạ, màu sắc phải bắt mắt, do vậy mà hàng anh lúc nào cũng đông khách.
Anh Huỳnh Văn Long (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, anh chọn mua đồ chơi của những người bán rong cho con vì là người tiêu dùng bình thường, không phân biệt đâu là đồ chơi chất lượng đâu là hàng Trung Quốc, nên cho con đi chơi cứ thấy món gì thích, hợp với túi tiền thì mua.