Vụ việc ê-kíp Rap Việt thừa nhận sử dụng hình ảnh của một họa sĩ nước ngoài để thiết kế poster mà chưa xin phép đang gây tranh cãi. Ê-kíp Rap Việt giải thích đây là sơ suất của bộ phận thiết kế khi sử dụng hình ảnh từ trang download miễn phí. Đáng nói, những hình ảnh kể trên tiếp tục xuất hiện trong tập 4 lên sóng tối 6/11.
Trao đổi với Zing về vấn đề này, giám đốc mỹ thuật Đỗ An nhận định việc vi phạm bản quyền hình ảnh là điều phải tránh bởi nó không chỉ xâm phạm sức sáng tạo mà còn đánh mất dấu ấn riêng của mỗi nghệ sĩ.
Anh hy vọng đây sẽ là cơ hội để các họa sĩ, nhà thiết kế và người sáng tạo (tạm gọi là nghệ sĩ) trong nước nhìn nhận một cách nghiêm túc vấn đề tác quyền hình ảnh và rút kinh nghiệm để cùng nhau tránh những sơ suất tương tự trong tương tai.
Dùng hình ảnh trái phép là điều cấm kỵ trong giới sáng tạo
Sự việc vi phạm bản quyền hình ảnh ở Rap Việt khá nghiêm trọng vì ngoài việc xâm phạm giá trị sáng tạo của người nghệ sĩ, nó còn liên quan đến góc độ pháp lý giữa hai công ty lớn.
Hiện tại, hai bên công ty phải làm việc với nhau để giải quyết vấn đề nhưng theo tôi đây là tình huống không mong muốn, nên tôi mong sẽ có một giải pháp ôn hòa và ít tổn thất nhất. Tôi nghĩ vấn đề xuất phát từ bộ phận làm đồ họa. Bộ phận này phải có trách nhiệm nắm rõ những hình ảnh đó có được phép sử dụng hay không.
Poster của một chương trình lớn không thể sử dụng lại hình ảnh quảng bá sản phẩm của bên khác.
Đặc biệt, người đứng đầu của bộ phận đồ họa phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Những bạn cộng sự ở dưới có thể thiếu kinh nghiệm, kiến thức về việc sử dụng hình ảnh nên cứ thấy đẹp và phù hợp thì các bạn đề xuất sử dụng. Nhưng đã là người đứng đầu, phải thật kỹ lưỡng và chịu trách nhiệm về vấn đề tác quyền cho bộ sản phẩm của mình, trước khi đưa đến khách hàng.
Việc sử dụng hình ảnh từ trang tải miễn phí như trường hợp của ê-kíp Rap Việt là khá phổ biến và không có gì bất thường. Bởi luôn có những trang kho hình kỹ thuật số chứa nhiều hình ảnh mà người làm đồ họa được phép mua hoặc thỉnh thoảng được chính chủ cho phép dùng “miễn phí”.
Tuy nhiên, không có gì thật sự là miễn phí. Chẳng hạn hình ảnh Rap Việt đang sử dụng. Công ty có tác quyền sử dụng tung ra hình ảnh đó miễn phí là nhằm mục đích quảng bá sản phẩm kinh doanh của họ. Chúng ta phải hiểu lý do này, và các điều kiện đi kèm ra sao, để hiểu mình được phép sử dụng nó như thế nào.
Rap Việt sử dụng hình ảnh chưa xin phép. Ảnh: BTC. |
Nhiều hình ảnh khi được đưa ra để sử dụng “miễn phí” trên thị trường thường kèm theo các yêu cầu, chẳng hạn phải dùng đúng sản phẩm đó mà không được phép cắt ghép vào ý tưởng khác. Đặc biệt, khi sản phẩm được sử dụng lại và trở thành dấu ấn của một chương trình lớn, cụ thể ở đây là Rap Việt thì không được. Poster của một chương trình lớn không thể sử dụng lại hình ảnh quảng bá sản phẩm của bên khác.
Chưa kể, đây là hình ảnh của công ty nước ngoài và nó được gửi ra thị trường với mục đích quảng bá sản phẩm của chính họ. Đây là vấn đề sai về tư duy và căn bản.
Khi Internet phát triển, chúng ta có thể dễ dàng hội nhập và cập nhật được những sản phẩm của các nghệ sĩ trên toàn thế giới. Do đó, nghệ sĩ Việt phải nắm rõ cách tiếp cận các sản phẩm đó ra sao và nắm rõ yêu cầu khi sử dụng hình ảnh miễn phí.
Rap Việt là chương trình lớn, không nên để xảy ra sai sót không đáng có như vậy. Bộ phận thiết kế của một chương trình lớn càng cần có ý thức tôn trọng tác quyền. Và càng liên quan đến nghệ sĩ nước ngoài thì càng phải làm đúng luật. Muốn họ tôn trọng nền giải trí của người Việt, mình phải có ý thức tự giác tôn trọng họ.
Người nước ngoài rất chặt chẽ nên đừng nghĩ có thể lách luật được. Trong trường hợp không thể liên lạc, giải quyết vấn đề với nghệ sĩ gốc thì cương quyết không sử dụng hình ảnh đó nữa. Đặc biệt, Việt Nam không thiếu những nghệ sĩ vẽ được sản phẩm tương tự. Tôi nghĩ đây là một sai sót hoàn toàn có thể tránh được từ đầu.
Poster của Rap Việt có hình thành phố nhìn từ trên xuống. Theo tôi, chúng ta có thể sử dụng ý tưởng đó đưa vào poster. Tuy nhiên, thay vì dùng hình ảnh gốc của người ta, phải thuê nghệ sĩ vẽ lại theo ý tưởng đó nhưng có dấu ấn của Việt Nam, chẳng hạn những tòa nhà nổi tiếng của TP.HCM.
Trong ngành sáng tạo, mỗi người nên có dấu ấn riêng. Do đó, việc để xảy ra tranh cãi liên quan đến ý tưởng, tác quyền là điều cấm kỵ. Xưa giờ, nghệ sĩ Việt thường ít lên tiếng về vấn đề bản quyền hoặc cùng lắm họ gọi điện, nhắn tin cho nhau để tự giải quyết.
Rap Việt liên tục vướng tranh cãi. Ảnh: BTC. |
Tuy nhiên, càng ngày, vấn đề càng được thực hiện quyết liệt hơn bởi nền giải trí Việt Nam ngày càng vươn tầm ra quốc tế. Những chương trình lớn như Rap Việt gần như đại diện cho hình ảnh, bộ mặt của nền giải trí trong nước. Việc dùng lại hình ảnh nước ngoài không chỉ vi phạm tác quyền mà còn đánh mất dấu ấn của Việt Nam.
CẦN CÓ KIẾN THỨC RỘNG ĐỂ TRÁNH SAI SÓT
Việt Nam có nhiều họa sĩ nhưng hệ thống còn sơ khai. Do đó, việc bị ảnh hưởng hoặc sử dụng lại sản phẩm mỹ thuật đã có, nhiều khi nằm ngoài ý thức của các bạn. Việc trùng lặp và vay mượn ý tưởng từ những nghệ sĩ quốc tế vì thế khó tránh khỏi.
Cá nhân tôi thấy vấn đề tác quyền ở Việt Nam chưa được nhấn mạnh trong môi trường giáo dục. Quá trình giáo dục thường tập trung hơn vào vấn đề sáng tạo mà chưa đi sâu vào việc bảo vệ dấu ấn cá nhân để từ đó tôn trọng sáng tạo của đồng nghiệp. Do đó, bản thân các họa sĩ trẻ chưa có được ý thức và kiến thức cụ thể về việc xin tác quyền cho chính các tác phẩm của mình.
Về luật, vấn đề bản quyền hình ảnh cũng còn khá lỏng lẻo. Ví dụ, những tiệm hớt tóc ngoài đường thường sử dụng hình ảnh nghệ sĩ lớn để quảng cáo mà không hề xin phép. Việc đó rõ ràng không đúng, nhưng nghệ sĩ Việt Nam chưa ai lên tiếng. Thành ra, với cả xã hội, mọi người vẫn nhìn vấn đề bản quyền hình ảnh một cách qua loa, chưa rõ ràng.
Những tiệm hớt tóc ngoài đường thường sử dụng hình ảnh nghệ sĩ lớn để quảng cáo mà không hề xin phép. Việc đó rõ ràng không đúng, nhưng nghệ sĩ Việt Nam chưa ai lên tiếng
Là một giám đốc mỹ thuật, tôi thường sử dụng sản phẩm của các nghệ sĩ khác làm chất liệu sáng tạo cho công việc của mình. Chẳng hạn, team của tôi có nhiều thành viên, mỗi người chịu trách nhiệm một phần khác nhau, như bàn, ghế, đèn, tranh ảnh, họa tiết… Sau đó, tôi tổng hợp để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh.
Trong tình huống đó, để kiểm soát việc các bạn nghệ sĩ cùng team có sao chép, vi phạm bản quyền hay không, kiến thức là yếu tố rất quan trọng. Nếu là người chuyên về kinh doanh, chắc chắn tôi không thể biết bạn sao chép hay lấy ý tưởng từ đâu. Nhưng khi là người đứng đầu trong bộ phận thiết kế, tôi buộc phải có đủ kiến thức về mảng mình làm.
Có thể khi nhìn thiết kế của các cộng sự trong team, tôi không thể biết rõ các bạn ấy lấy ý tưởng hay sao chép từ đâu. Nhưng tôi phải nhận ra mình từng thấy thiết kế này ở đâu đó. Từ đó, tôi và team xem xét lại để làm sao tránh những tranh cãi liên quan đến vấn đề bản quyền.
Ngoài ra, chất liệu tôi sử dụng có thể từ những thương hiệu nổi tiếng trong nước hoặc trên thế giới. Nhưng tôi phải liên hệ với họ để xin mua tác quyền của sản phẩm đó. Chẳng hạn, khi mua một chiếc ghế của nhà thiết kế nổi tiếng để đặt vào bối cảnh phim, tôi đã mua tác quyền và có quyền sử dụng sản phẩm đó.
Việc trùng ý tưởng thường xuyên xảy ra, đặc biệt trong ngành quảng cáo, chụp hình, MV, phim ảnh.
Đỗ An là giám đốc mỹ thuật cho nhiều phim như Âm mưu giày gót nhọn, Đoạt hồn, Siêu trộm và Thiên thần hộ mệnh. Ảnh: Bá Ngọc. |
Ví dụ, nhãn hàng thường gửi cho chúng tôi những hình ảnh để minh họa cho ý tưởng họ muốn. Rất nhiều lần họ muốn tôi phải làm chính xác như hình ảnh họ đưa. Tuy nhiên, chúng tôi không đồng ý bởi đây là sáng tạo của người nghệ sĩ gốc. Điều kiện làm việc của mỗi nghệ sĩ cũng khác nhau, không thể tạo ra hình ảnh mới giống chính xác sản phẩm ban đầu.
Trong tình huống đó, tôi cố gắng đi theo hướng khách hàng muốn nhưng lồng ghép ý tưởng của bản thân.
Thật sự, ngành thiết kế khó tránh 100% tình huống trùng ý tưởng. Do đó, tôi hy vọng các nghệ sĩ nắm được thị trường và biết những người đi trước đã làm gì, như thế nào. Đây cũng là cái lợi với các nghệ sĩ đi sau bởi việc làm sản phẩm giống một người đi trước không tốt cho danh tiếng, uy tín của nghệ sĩ đó.
Tôi luôn mong muốn những bạn art director (giám đốc nghệ thuật) thế hệ sau phải giỏi, sáng tạo hơn chứ đừng lặp lại những gì người trước đã làm. Chính tôi cũng không muốn lặp lại những gì mình từng thực hiện.
Đỗ An (sinh năm 1984) từng theo học Đại học Kiến Trúc, sau đó tới Mỹ du học ngành Đạo diễn sân khấu, diễn xuất và thiết kế mỹ thuật. Ngoài vai trò diễn viên trong một số dự án phim như Bạn gái tôi là sếp, Đoạt hồn, Siêu trộm, Đỗ An còn đảm nhận vai trò giám đốc mỹ thuật. Anh từng phụ trách phần hình ảnh, mỹ thuật trong Âm mưu giày gót nhọn, Đoạt hồn và phim sắp ra mắt của đạo diễn Victor Vũ là Thiên thần hộ mệnh.