Chia sẻ với Zing.vn khi bắt đầu nhiệm kỳ mới tại Việt Nam, ông Takimoto Koji, Trưởng văn phòng đại diện Tổ chức thúc đẩy ngoại mại Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM, cho rằng, trước khi đến làm việc tại Việt Nam, ông đã nhận được lời khuyên từ người tiền nhiệm, là điểm nghẽn của môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn là thủ tục hành chính và chính sách ban hành một đường và thực thi lại một nẻo. Trong nhiệm kỳ này, ông hy vọng mọi chuyện sẽ tiến triển tốt hơn.
- Chào mừng ông đến làm việc tại Việt Nam, cảm nhận của ông về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam như thế nào?
Với môi trường kinh doanh thuận lợi, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang muốn tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
- Trước khi đến đây tôi đã tìm hiểu khá kỹ về đất nước, con người cũng như môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Tôi nhận thấy đây là quốc gia của những người trẻ, và động lực kinh doanh và phát triển kinh tế là rất lớn. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối nhanh sẽ là điểm thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm cơ hội tại đây.
Tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội đầu tư cũng như xuất khẩu sang Nhật Bản. Tôi tin với bầu không khí kinh doanh sôi động như hiện nay thì điều này là không quá khó đối với cả đôi bên.
- Ông đã có những tìm hiểu bước đầu về môi trường kinh doanh tại Việt Nam nhưng trải nghiệm thực tế thì chưa nhiều, vậy ông có nhận được lời khuyên gì của người tiền nhiệm trước khi đến làm việc tại đây hay không.
- Lời khuyên thì nhiều nhưng nhấn mạnh nhất vẫn là chuyện thực thi chính sách chưa được trơn tru lắm. Người tiền hiệm có chia sẻ, ở Việt Nam đáng ngại nhất là mất nhiều thời gian cho thủ tục hành chính, bởi chính sách ban hành một đằng nhưng thực thi lại một nẻo.
Có nhiều thủ tục giấy tờ theo chính sách thì chỉ 3 ngày nhưng có khi kéo dài vài tuần. Thông quan hàng hóa cũng vậy, rất có thể sẽ phải mất những “phí không tên” để có thể đẩy nhanh tiến độ.
Tôi hy vọng thời gian tới tôi sẽ sâu sát với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến của họ, đồng thời tích cực làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam để giải quyết ổn thỏa những vướng mắc trong môi trường kinh doanh. Hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư cũng như kinh doanh.
Ông Takimoto Koji cho rằng, mình lo ngại với môi trường kinh doanh mà chính sách một đằng, thực thi một nẻo. |
- Việt Nam đã có những chính sách cụ cắt giảm một số điều kiện kinh doanh để hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động. JETRO có niềm tin nào về động thái này, để tiếp tục thúc đẩy thương mại đối với các doanh nghiệp Nhật Bản?
- Đúng là tôi thực sự may mắn khi đến làm việc vào thời điểm mà Chính phủ Việt Nam có những động thái hỗ trợ kinh doanh một cách tích cực nhất. Điều này giúp tôi có nhiều động lực hơn trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm cơ hội đầu tư tại đây.
Hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài yếu tố về cơ hội kinh doanh thì họ còn rất cần môi trường kinh doanh được minh bạch và đơn giản hơn. Trước khi sang đây tôi cũng đã có làm khảo sát các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nhật Bản về mong muốn đầu tư ở thị trường nào nhất.
Kết quả là có hơn 1/4 doanh nghiệp ở Nhật Bản lựa chọn Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất. Vì vậy những thay đổi lớn của Chính phủ Việt Nam về điều kiện kinh doanh có thể sẽ làm con số này tăng lên trong thời gian tới.
- Vậy theo ông, trong thời gian tới đâu sẽ là ngành hay sản phẩm chủ lực của Nhật Bản sẽ tham gia thị trường Việt Nam?
- Tôi có nghe nhiều thông tin về việc kỳ vọng của Việt Nam mong muốn doanh nghiệp Nhật Bản sẽ hỗ trợ tốt cho công nghiệp phụ trợ. Tôi hy vọng sắp tới sẽ có những doanh nghiệp tầm cỡ đầu tư vào Việt Nam, để các bạn có thể tận dụng tốt điều này để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Tuy vậy, trước mắt với phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ chúng tôi sẽ đẩy mạnh các lĩnh vực nông sản và thực phẩm của Nhật Bản tiếp cận thị trường Việt Nam.
Hiện tại Nhật Bản đã có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào bán lẻ ở Việt Nam, đủ mọi kênh phân phối từ mô hình đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Đây là điều kiện thích hợp để hàng tiêu dùng, thực phẩm thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua sự liên kết với các doanh nghiệp bán lẻ này. Từ đây đến cuối năm, chúng tôi sẽ tổ chức rất nhiều chương trình nhằm giới thiệu các mặt hàng nông sản, thực phẩm chủ lực của Nhật Bản tại đây.
- Kênh bán lẻ hiện đại của Nhật Bản xuất hiện ngày một nhiều ở Việt Nam, ngoài bán hàng Nhật thì các siêu thị này có chính sách cụ thể nào tạo điều kiện cho hàng Việt có thể tham gia vào hệ thống?
- Đây là việc giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp, chúng tôi không thể can thiệp sâu được. Nhưng tôi có biết trong chuyến thăm Việt Nam năm nay, ngài Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản có đề cập việc hỗ trợ hàng Việt tham gia vào các kênh bán lẻ của Nhật Bản.
Người Nhật luôn có một nguyên tắc kinh doanh nhất quán là đề cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Nếu các sản phẩm Việt Nam đáp ứng được chất lượng thì để vào bày bán trong hệ thống siêu thị của Nhật Bản là không hề khó khăn.
- Cả Việt Nam và Nhật Bản đang đặt một kỳ vọng lớn vào sự ký kết TPP. Ông nhận định cơ hội từ hiệp định này như thế nào?
- Việc thông qua hiệp định này có thể bị chậm lại ở Mỹ, vì đang trong quá trình bầu cử Tổng thống mới. Ở Nhật Bản thì TPP cũng đang được Chính phủ bàn thảo và có những dấu hiệu tích cực. Từ trước đến nay Nhật Bản luôn thiện chí với tất cả các hiệp định thương mại đa phương và song phương. Đây là cơ sở để mọi người tin tưởng rằng hiệp định TPP sẽ đưuọc thông qua.
Cụ thể, các doanh nghiệp từ Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam cũng để kỳ vọng vào ưu đãi thuế quan từ TPP.
- Xin cảm ơn ông!