Hà Nội, TP.HCM cùng nhiều địa phương yêu cầu đóng cửa các quán karaoke, quán bar, dịch vụ massage... từ 18h ngày 30/4. Nhiều DJ chia sẻ với Zing cảm xúc hụt hẫng vì thất nghiệp, không có thu nhập trong hơn một tháng qua. Tuy nhiên, họ cho rằng việc đóng cửa quán bar, club, tụ điểm giải trí là cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Thất nghiệp vì dịch bệnh
Ca sĩ có thu nhập từ nhạc số, lượt xem, trong khi nhạc sĩ, nhà sản xuất có thể sáng tác, thực hiện bài hát. Với các DJ, họ cho biết thu nhập chính đến từ việc chơi nhạc trong các quán bar, sự kiện… Các quán bar, tụ điểm đông người đóng cửa đồng nghĩa họ không có thu nhập.
Trang Moon cho biết trong một tháng qua cô chỉ ở nhà xem phim, cập nhật tin tức, học nấu ăn và tập thể dục, đạp xe vào buổi chiều. Không có thu nhập từ việc đi diễn, Trang Moon trang trải cuộc sống bằng việc kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát nên công việc của DJ khá bấp bênh, khiến cô tiêu dùng tiết kiệm hơn.
DJ chia sẻ với Zing, trước khi dịch bệnh bùng phát trở lại, cô chạy show nhiều, không có thời gian nghỉ ngơi nên cô cho bản thân tận hưởng cuộc sống trong thời gian này.
DJ Trang Moon chia sẻ cô có thời gian chăm sóc bản thân khi không nhận show. Ảnh: NVCC. |
Với Tyty, DJ là nghề bấp bênh, thu nhập không đều đặn, đặc biệt khi dịch bệnh bùng phát.
“Thu nhập của tôi không cố định, những tháng cuối năm tôi có thể kiếm được hơn 200 triệu đồng nhưng không phải tháng nào cũng thế, chưa kể phải đầu tư trang phục, make up. Những tháng dịch vừa rồi, tôi không kiếm được đồng nào. Chắc DJ nào trong mùa dịch cũng trải qua khó khăn tương tự”, cô tâm sự.
Thông báo đóng cửa quán bar, tạm hoãn các sự kiện ngoài trời khiến cô khá hụt hẫng, bối rối vì kế hoạch biểu diễn gần như chuẩn bị xong. Cô nhận tin hủy 12 show diễn trong cùng ngày.
“Lần đầu tiên trong sự nghiệp, tôi bị hủy show nhiều đến vậy, ảnh hưởng về tinh thần cũng như thu nhập là không nhỏ. DJ là công việc chính, tôi không làm thêm ngành nghề nào khác nên suốt một tháng qua phải tiêu vào tiền tiết kiệm”, Tyty nói với Zing.
Nhìn theo hướng tích cực, Tyty chia sẻ cô có thêm thời gian trau dồi kiến thức, chuẩn bị tinh thần và những kỹ năng tốt nhất để trở lại công việc sau mùa dịch.
Với DJ LAD, anh cho biết may mắn có thêm nguồn thu nhập từ việc sản xuất âm nhạc nên không quá khó khăn. Thời gian qua, anh thành lập nhóm nhạc hip hop có sự tham gia của Hoài Lâm và phụ trách việc sản xuất các ca khúc mới của nhóm.
Tuy nhiên, cảm giác buồn bã khi không được chơi nhạc là khó tránh khỏi với DJ. Anh hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát để có thể tiếp tục công việc.
Công việc bán sức khỏe và nhiều cám dỗ
DJ Trang Moon kể lần đầu tiên cô đi diễn tại Nghệ An đã nhận được cát-xê 7 triệu đồng bao gồm tất cả chi phí đi lại, ăn uống. Sau nhiều năm làm nghề, thu nhập của Trang Moon tăng lên nhiều lần và cô cũng là một trong những DJ nữ có cát-xê cao.
Theo Trang Moon, cát-xê đó phù hợp với công sức cô bỏ ra, đặc biệt với ngành nghề đặc thù diễn vào ban đêm như DJ. Trang Moon gọi công việc cô đang làm là “ngành nghề bán sức khỏe” và “được giá thì hãy bán”.
“Công việc này có thể mất thời gian, tuổi trẻ, đánh đổi sức khỏe mà chưa chắc đã theo được lâu dài. Chưa kể, môi trường nhiều cám dỗ mà không phải ai cũng đủ tỉnh táo và mạnh mẽ để tồn tại”, Trang Moon nói.
Cô kể từng uống phải chất kích thích khi chủ quán mời đồ uống. “Hôm đó, tôi chơi nhạc không tốt vì khó giữ được tỉnh táo, tai ù đi. May mắn một bạn DJ nữ, chơi nhạc cùng tôi hôm đó đã giúp đỡ đưa tôi về nhà”, Trang Moon nhớ.
DJ Tyty dừng biểu diễn một tháng qua. Ảnh: NVCC. |
DJ LAD thừa nhận nhiều lần kiệt sức vì phải diễn vào ban đêm, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Tôi từng tham việc, biểu diễn 3-4 quán trong một đêm và trở về nhà lúc 5h sáng. Về đến nhà, tôi bị cảm, ngất xỉu, phải nghỉ một tuần sức khỏe mới đỡ", anh kể.
“Thu nhập của tôi trong một tháng giao động từ 10 đến 15 triệu đồng nhưng đổi lại sức khỏe bị hao mòn dần vì thức khuya. Người bình thường có thể chạy nhiều vòng quanh sân bóng mới mệt nhưng với những người làm đêm như tôi chắc chỉ chạy được một vòng là đuối sức”, DJ chia sẻ.
Shenlongz kể anh thường xuyên gặp vấn đề về sức khỏe. Anh nói: “DJ là nghề về đêm. Do đó, sức khỏe giảm sút hoặc đề kháng kém, thường mắc bệnh là khó tránh khỏi. Chúng tôi phải thay đổi hoàn toàn đồng hồ sinh học so với mọi người. Thỉnh thoảng, tôi thấy trí nhớ bị suy giảm, ù tai...".
Sự chênh lệch giữa DJ nam và nữ
Trang Moon chỉ ra ngoài thu nhập bấp bênh, sức khỏe bị ảnh hưởng, môi trường phức tạp, nghề DJ còn tồn tại sự chênh lệch về cơ hội việc làm, thu nhập giữa các DJ nam và nữ.
Trang Moon bày tỏ nhiều DJ nam muốn theo học nhưng cô khuyên các bạn lựa chọn công việc khác. Cô giải thích hiện tại DJ nữ lên ngôi, nhiều người chỉ học vài tháng đã có thể ra kiếm tiền.
“DJ nam để kiếm được nhiều tiền ở hiện tại là rất khó. Lương tháng của các bạn có thể chỉ vài triệu đồng nhưng phải bỏ ra số tiền không nhỏ để mua nhạc. Tôi nghĩ đây là chuyện rất bất công với các bạn DJ nam”, Trang Moon giải thích.
LAD, Shenlongz cho biết việc ảnh hưởng sức khỏe là khó tránh khỏi, kể cả DJ nam. Ảnh: NVCC. |
“DJ nữ thường có lợi thế ngoại hình. Hơn nữa, một số bạn lại tận dụng hình thể, mặc trang phục hở hang nên nhận được nhiều show, thu nhập cao hơn. Tôi không phải đánh đồng tất cả nhưng tôi chứng kiến nhiều bạn như thế. Chính vì thế, tôi càng chỉn chu trong trang phục. Tôi không muốn khán giả đánh đồng tất cả DJ nữ đều mặc hở”, cô nhấn mạnh.
Theo LAD, DJ làm cố định ở quán được ước tính theo ca. Mỗi ca giao động từ 500.000 tới 1 triệu đồng tùy mô hình và khả năng của DJ. Nếu làm nhiều ca trong ngày, họ nhận được số tiền nhiều hơn. Trong trường hợp diễn show ở quán bar, club, cát-xê cả một đêm khoảng 6 triệu đồng tùy vào mức độ danh tiếng và khả năng.
Tuy nhiên, LAD thừa nhập cát-xê của DJ nữ có khác biệt so với nam. “DJ nữ nếu có tài luôn được trọng dụng trong nghề hơn. Vì lượng DJ nữ khá hiếm và họ dễ thu hút khán giả nhờ bề ngoài, phong cách thời trang”, anh lý giải.