Christian Dior ở Italy đã bán một chiếc túi xách mang nhãn hiệu Dior với giá 2.600 euro (2.786 USD), trong khi mức phí sản xuất chỉ là 53 euro. Những người mua hàng từng quan tâm đến Dior đang tẩy chay thương hiệu này, trong khi những người khác cố gắng trả các món hàng đã mua cách đây chưa đầy 7 ngày.
Các phương tiện truyền thông Hàn Quốc nhanh chóng đưa tin về phán quyết của tòa án Milan đối với một công ty con thuộc tập đoàn hàng xa xỉ LVMH.
Phán quyết nêu chi tiết việc các nhà thầu phụ thuộc sở hữu của Trung Quốc được công ty con này thuê đã vi phạm luật bảo vệ người lao động bằng cách bắt công nhân ngủ trong nhà máy, sản xuất suốt 24 giờ/ngày và không có các thiết bị đảm bảo an toàn.
Trên Chicment, diễn đàn trực tuyến về hàng xa xỉ với hơn 690.000 thành viên, người mua cảm thấy sốc và phẫn nộ trước những tiết lộ này và ám chỉ một cuộc tẩy chay đang lan rộng. Một trong những thành viên diễn đàn cho biết từng cân nhắc việc mua túi Lady Dior, nhưng đã hoàn toàn từ bỏ ý định sau khi đọc tin tức. Một người dùng khác bày tỏ lo ngại về việc ngược đãi công nhân.
"Vấn đề không phải là giá cả. Tôi không thể tin rằng mình đã mua những mặt hàng được sản xuất thông qua một quy trình phi đạo đức nhằm bóc lột công nhân", một người dùng viết. Một người khác liệt kê các thương hiệu thời trang thuộc LVMH và không khuyến khích các thành viên mua sản phẩm của họ vì "vụ bê bối bóc lột sức lao động" và mô hình kinh doanh "ưu tiên kiếm lợi nhuận hơn tay nghề thủ công".
Báo cáo cho biết hoạt động này rất phổ biến trong sản xuất hàng hóa xa xỉ nhằm cắt giảm chi phí. Đại diện của LVMH không trả lời yêu cầu bình luận.
Hàn Quốc là một trong những thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới. Chi tiêu bình quân đầu người ở quốc gia này cao nhất thế giới tính đến năm 2022 và là thị trường toàn cầu lớn thứ 7 với giá trị 14,65 tỷ USD. Bốn thương hiệu lớn - Hermes, Louis Vuitton, Chanel và Dior - đã ghi nhận doanh thu hơn 5.000 tỷ won vào năm ngoái, mặc dù đã liên tục tăng giá sản phẩm.
Theo công ty tư vấn Bain & Company của Mỹ trong nghiên cứu thị trường hàng xa xỉ toàn cầu năm 2024, mức tiêu thụ hàng thiết kế cá nhân tại Hàn Quốc đã giảm dần vào năm ngoái do nền kinh tế suy thoái. Với những tiết lộ gần đây, thị trường hàng xa xỉ Hàn Quốc dự kiến còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn khi người tiêu dùng ngày càng coi trọng các hoạt động bền vững.
Lee Jae-ik, nhân viên văn phòng thường xuyên lui tới các cửa hàng cao cấp trong và ngoài Hàn Quốc, cho biết: "Không ai muốn mua cái gọi là túi xa xỉ do công nhân bị lạm dụng tạo nên trong nhà máy".
"Khi tôi mua một món hàng xa xỉ, tôi đang mua câu chuyện gắn liền với nó. Tôi đang mua chiếc túi mà Grace Kelly, Jane Birkin và Công nương Diana mang theo và được LVMH quảng cáo là được sản xuất tại xưởng bởi những người thợ thủ công chuyên nghiệp. Bê bối mới đây thật đáng tiếc, nhưng không có gì mới mẻ cả", Lee nói thêm.
Theo một báo cáo của châu Âu vào năm 2023, khoảng 77% tổng số người mua hàng cho biết họ sẽ quan tâm đến việc hàng thiết kế được sản xuất bền vững. Trong số 77% đó, hơn một nửa số người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tới 10% nếu mặt hàng đó được sản xuất hoặc phân một cách bền vững.
Cơ sở người tiêu dùng hàng xa xỉ của Hàn Quốc cũng đang trở nên trẻ hơn, nhóm nhân khẩu học dễ nhạy cảm hơn với các vấn đề bền vững. Theo một cuộc khảo sát do các thành viên Lotte thực hiện năm ngoái, khoảng 44% tổng số giao dịch hàng hóa xa xỉ ở Hàn Quốc được thực hiện bởi khách hàng dưới 40 tuổi. Đây là tỷ lệ lớn hơn so với những người ở độ tuổi 40-50, nhóm chiếm 42% tổng số giao dịch mua hàng. Những người ở độ tuổi 30 chiếm 22% tổng số giao dịch mua hàng, trong khi những người ở độ tuổi 20 chiếm 21%.
Ở Hàn Quốc, nơi hàng hóa xa xỉ đặc biệt gắn liền với giá trị bản thân và tính độc quyền, điều này có thể có tác động lớn hơn, khiến các nhà bán lẻ phải suy nghĩ lại chiến lược quảng bá sản phẩm của mình. "Các cửa hàng Hàn Quốc phải nỗ lực để làm cho hàng hiệu có vẻ độc quyền hơn", Lee, người đã mua những sản phẩm xa xỉ trong chuyến đi Paris năm nay, cho biết.
"Tùy vào cửa hàng, nhưng nhiều nơi ở Hàn Quốc yêu cầu bạn phải đeo găng tay trước khi chạm vào đồ da và họ cũng không cho phép bạn chụp ảnh. Nó làm tăng thêm ảo tưởng và trở thành một trải nghiệm sang trọng. Hệ thống kỹ thuật số mà họ yêu cầu bạn sử dụng để đăng ký vào cửa hàng cũng rất đặc biệt", Lee nói thêm.
Tháng 11/2023, Chanel Hàn Quốc đã bị Ủy ban bảo vệ thông tin cá nhân nước này phạt 3,6 triệu won vì thu thập thông tin cá nhân bao gồm ngày sinh, địa chỉ nhà và số điện thoại liên lạc từ những khách hàng đang chờ đợi để vào cửa hàng.
Với việc tranh luận về túi xách ngày càng lan rộng, các mặt hàng xa xỉ khác như nước hoa và đồ trang sức dựa trên hình ảnh quyến rũ và nghệ thuật cũng có thể bị ảnh hưởng. "Giống như trường hợp của Dior, phải chăng giá trang sức cũng tăng cao đến mức khó tin?", một người dùng viết trên Chicment. "Tôi biết rằng tất cả chúng ta đều đang trả tiền cho hình ảnh thương hiệu khi mua đồ xa xỉ, nhưng ít nhất chúng phải có chất lượng hoặc thiết kế tốt hơn so với các sản phẩm thông thường".
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.