Thành công của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018 có sự đóng góp to lớn của hàng phòng ngự. Ở đó, Đình Trọng là chiến binh quả cảm dù có tuổi đời trẻ nhất.
Quang Hải đã trở thành cầu thủ hay nhất giải đấu. Tiền vệ số 19 đóng vai trò linh hồn trong lối chơi của đội tuyển Việt Nam trên hành trình chinh phục ngôi vị cao nhất Đông Nam Á.
Nhưng để đoàn quân áo đỏ có thể thoải mái tổ chức lối chơi phòng ngự phản công, cần phải có những người hùng thầm lặng nơi tuyến dưới. Trần Đình Trọng là cái tên sáng nhất ở vị trí chốt chặn trước khung thành của thủ môn Đặng Văn Lâm.
Đình Trọng có niềm đam mê với trái bóng khi còn rất nhỏ. Lên 4 tuổi, cậu bé lúc nào cũng hăng say đá bóng, ăn ngủ cùng quả bóng tròn, học xong là về nhà tay ôm quả bóng, tay kéo quần chạy vụt ra sân chơi. Ông Trần Văn Hùng - bố của Trọng - kể lại rằng cậu con trai ông say mê bóng đá tới mức đi học cũng làm văn tả về quả bóng.
“Từ bé Trọng học văn hóa luôn giữ ở mức học lực khá nhưng đã sớm thể hiện năng khiếu đá bóng, khiến các thầy thể chất trong nhà trường cử đi tham dự nhiều giải đấu cấp trường, cấp xã. Trọng ngày ấy được tuyển chọn và luôn hăng hái tham gia tất cả phong trào thể thao của xã Đa Tốn”, ông Hùng kể với Zing.vn.
Tuổi thơ đã giữ một niềm say sưa bất tận, cậu bé Trọng 4 tuổi đã phải chấn thương đầu tiên trong đời. Ở sân gạch cạnh nhà, trong một lần mải miết chạy theo quả bóng, cậu chống tay vào tường và bị gãy tay trái khiến cả gia đình lo lắng.
Bố của Trọng tâm sự: “Ngày ấy nào có dám nghĩ ước mơ trở thành cầu thủ của con trai có thể thành sự thật. Thấy Trọng đá bóng quên ăn quên ngủ, tôi chỉ thấy lo nên dọa con nhỡ sau này gãy cả chân thì sao. Nhưng mà Trọng thực sự mê đá bóng lắm, cứ tưởng gãy tay xong nó phải biết sợ, ai ngờ sau đó vẫn tiếp tục ngày ngày chạy chơi với quả bóng”.
Thậm chí, ngay cả khi cánh tay vẫn còn đang bó bột, chân cậu đã tiếp tục “ngoằng ngoằng với quả bóng”. Lên 10 tuổi, Trọng được thầy Hoàng ở bên Gia Lâm chọn theo học ở lò đào tạo, cả gia đình biết con rất quyết tâm nên chấp nhận để cậu theo đuổi con đường cầu thủ chuyên nghiệp.
“Trọng lên ăn học xa nhà từ lúc mới lên 10, chỉ có cuối tuần được về với gia đình, tối chủ nhật lại phải quay lại trường lớp để thứ hai tiếp tục đi học. Thấy con có ý thức tự lập, hàng tuần về nhà tư tưởng phấn chấn nên gia đình cũng yên tâm. Ngày ấy Trọng được đào tạo cơ bản, được đưa đi thi đấu ở các giải trẻ, cả nhà rất phấn khởi”, ông Hùng nói.
Trọng từ nhỏ đã thần tượng Vũ Như Thành, nhà vô địch AFF Cup 2008, người từng được đánh giá là “trung vệ hay nhất Đông Nam Á” ở thế hệ cùng thời. Một cách tình cờ, Đình Trọng cũng đá đúng vị trí của người đàn anh đi trước và cũng cùng đội tuyển Việt Nam mang về chiếc cúp vô địch Đông Nam Á làm nức lòng người hâm mộ tròn 10 năm sau.
Sự hâm mộ và lòng yêu mến, bằng cách nào đó, đã ảnh hưởng rất lớn đến lối chơi của Đình Trọng. Giới chuyên môn đưa ra nhận định rằng phong cách thi đấu “bằng cái đầu” của Trọng có điểm tương đồng với cựu danh thủ một thời của CLB Ninh Bình.
Và ngay đến chính bản thân Như Thành cũng từng nhận định với Zing.vn từ trước khi AFF Cup 2018 diễn ra: “Ở vị trí trung vệ trong đội hình tuyển Việt Nam, tôi thích Tiến Dũng và Đình Trọng. Trọng dù thấp bé lại mạnh mẽ, quyết liệt, tranh chấp và kỹ năng chơi phòng ngự dưới chân rất tốt, có phong cách thi đấu khá giống tôi. Trọng có thể coi là một trong những trung vệ tốt nhất Việt Nam hiện nay”.
Hàng phòng ngự của đội tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Cup khi sở hữu hàng phòng ngự của rất nhiều cái nhất. Để thủng lưới ít nhất giải đấu (4 bàn trong 8 trận), số trận giữ sạch lưới cao nhất (5 trận), thậm chí là thời gian giữ sạch lưới dài nhất trong lịch sử (405 phút).
Đóng góp chung với thành công của đội tuyển là thế, nhưng khi so với những người đồng đội cùng vị trí, Đình Trọng cũng cho thấy nhiều thế mạnh riêng biệt. Sở hữu vóc dáng nhỏ con khi chỉ cao 1,74 m và nặng 68 kg, anh rõ ràng thua thiệt về thể hình so với Quế Ngọc Hải (1,76 m) hay Đỗ Duy Mạnh (1,81 m).
Thế nhưng khi đưa ra những con số thống kê sau vòng bảng, nhiều người phải trầm trồ khen ngợi Trọng “nhỏ mà có võ”. Chơi ở vị trí thấp nhất nơi hàng phòng ngự, Trọng là tấm lá chắn thép cản trở bất kỳ đối thủ nào muốn tiếp cận mành lưới của Văn Lâm. Anh áp chế đối phương bằng tư duy bắt bài thông minh, khả năng đọc tình huống, chọn vị trí và kỹ thuật phòng ngự chuẩn xác.
Ở vòng bảng, Đình Trọng có 5 pha tắc bóng thành công, 15 lần phá bóng giải nguy và 3 tình huống phán đoán cắt đường chuyền của đối phương. Trọng là trung vệ có tỷ lệ tắc bóng và tranh chấp trên không tốt nhất nơi hàng phòng vệ.
Với tỷ lệ 75%, cứ 4 tình huống tranh chấp với đối thủ thì Trọng thắng thế tới 3 lần. Có một Đình Trọng tỉnh táo, bình tĩnh và chưa bao giờ nôn nóng, Duy Mạnh và Quế Ngọc Hải dễ đá và yên tâm hơn rất nhiều.
Tại V.League, Trọng đã sớm được gọi bằng biệt danh “chuyên gia săn Tây”. BLV Quang Huy có lần từng nhận xét: “Dù có vóc dáng nhỏ con, Đình Trọng luôn dai dẳng đeo bám cầu thủ ngoại”. Tại AFF Cup năm nay, đã 3 lần Trọng “chăm sóc” Norshahrul Talaha của đội tuyển Malaysia. Cả 3 lần chân sút ghi nhiều bàn nhất giải đấu chỉ sau Adisak Kraisorn phải “tắt điện” và đều trở thành cái bóng bất lực trên sân.
Ở AFF lần này, thật khó để tìm ra một tình huống một chọi một mà Đình Trọng để đối phương vượt qua mình. Cả hai bàn thua mà Việt Nam phải nhận trước người Mã đều đến từ những tình huống cố định, bởi các cầu thủ áo vàng rất khó lòng giành phần thắng trong những pha tranh chấp tay đôi với hàng thủ Việt Nam.
Mỗi nhà vô địch luôn có một thủ lĩnh thực sự nơi hàng phòng ngự. Thành công của Đình Trọng cùng đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018 khiến nhiều người liên tưởng đến trung vệ tài hoa Fabio Cannavaro tại World Cup 2006. Tất nhiên, đó chỉ là sự so sánh về phong cách và tầm ảnh hưởng.
“Quả bóng vàng” năm ấy chơi đủ cả 7 trận cho Italy trong suốt giải đấu, là chỗ dựa đáng tin cậy của các đồng đội với lối chơi xông xáo, lăn xả và khả năng dẫn dắt tuyệt vời.
Cách đây 12 năm, thời điểm Italy lên ngôi vô địch World Cup 2006 ngay trên đất Đức, người ta đã gọi Cannavaro là “Bức tường Berlin”. Trên sân Mỹ Đình vào giữa tháng 12, trước hàng vạn CĐV áo đỏ, người ta bỗng nhận ra Việt Nam cũng sở hữu một bức tường thực sự, chặn đứng mọi mũi tiến công của Malaysia bằng một cái đầu lạnh nhưng khối óc hoạt động nóng máy.
Sự lì lợm, bản lĩnh và tư duy thông minh ấy đã khiến Đình Trọng được gọi là Cannavaro phiên bản của Việt Nam.
Sau trận đấu, thủ môn Dương Hồng Sơn, thế hệ đàn anh vô địch AFF Cup đời đầu của đội tuyển Việt Nam phải thốt lên khen ngợi: “Văn Lâm ở giải đấu này không phải thể hiện nhiều, bởi đội tuyển Việt Nam có hàng thủ quá mạnh. Trong bộ ba trung vệ, tôi thích nhất Đình Trọng. Những cầu thủ phòng ngự của chúng ta còn trẻ nhưng chơi tự tin, điềm đạm. Tôi không thấy sự luống cuống trong những pha bóng phòng ngự của họ”.
Tính hiệu quả nơi hàng phòng ngự chính là chìa khóa, là bệ phóng thành công của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup năm nay. Qua biết bao thế hệ, chúng ta không thiếu những cầu thủ sút xa xuất sắc, những tiền vệ tài hoa hay sát thủ trong vòng cấm.
Nhưng không phải tình cờ khi thực tế cho thấy, cả hai lần đội tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch Đông Nam Á, chúng ta đều sở hữu những trung vệ hay nhất: Vũ Như Thành của năm 2008 hay Trần Đình Trọng sau đó tròn 10 năm.
Nhìn lại lịch sử, bóng đá Việt Nam không ít lần phải ôm hận vì những sai lầm lóng ngóng nơi hàng thủ. Mai Xuân Hợp đá phản lưới nhà ở những phút thi đấu cuối cùng tại chung kết SEA Games 2009; những sai lầm liên tiếp của Tiến Thành, Văn Biển khiến đội tuyển Việt Nam vỡ mộng tại bán kết AFF Cup 2014 hay Ngọc Thắng để bóng chạm tai một cách hết sức vô duyên tại SEA Games 2015. Hoặc mới chỉ cách đây hai năm, Đình Đồng có tình huống phá bóng đốt lưới nhà ngay trên sân Mỹ Đình tại bán kết AFF Cup.
Những thất bại đau đớn đó xuất phát từ sự thiếu bình tĩnh trong những trận cầu quyết định. Đến ngày hôm nay, điểm yếu lớn nhất ấy đã được khắc phục để đưa đội tuyển Việt Nam đi tới thắng lợi cuối cùng. Duy Mạnh, Đình Trọng và Quế Ngọc Hải đã hiện thực hóa triết lý phòng ngự phản công mà thầy Park coi là bản lề trong lối chơi.
Sau khi trải qua những trận cầu đỉnh cao và khẳng định được tài năng tại vòng chung kết U23 châu Á, ASIAD rồi đến AFF Cup 2018, Đình Trọng hiện tại đã chứng minh mình là trung vệ hàng đầu của bóng đá Việt Nam hiện tại. Suýt chút nữa, chàng trung vệ nhỏ con của chúng ta không phải tên là Đình Trọng, mà là Bình Trọng.
Ngày ấy, ông Hùng - bố của Trọng - định đặt tên con trai đầu lòng theo tên của một người anh hùng dân tộc là Trần Bình Trọng. Thế nhưng khi đi làm giấy khai sinh, người ta đã viết nhầm tên của chàng trai sinh năm 1997 này là Đình Trọng, tạo nên một cái tên “độc lạ” như bây giờ.
“Tôi đã đi tham khảo nhiều nơi và quyết định đặt tên cho con là Trọng, với mong muốn sau này nó là người trọng tình trọng nghĩa, được mọi người nể trọng”, ông Hùng chia sẻ.
Sau những năm tháng xa nhà từ khi lên 10 tuổi, sau hơn một thập kỷ lăn lộn cùng trái bóng tròn, con trai ông đã thực hiện thành công những kỳ vọng ẩn sau cái tên. Trọng giờ đã là niềm tự hào của đấng sinh thành, giành được sự ngưỡng mộ, tôn trọng của bà con hàng xóm và là người hùng lặng lẽ trong hành trình đưa bóng đá Việt Nam định danh trên bản đồ châu lục.
Trọng chưa bao giờ là người thích thể hiện bản thân ngoài đời thường. Anh ít nói, ngoan ngoãn, lễ phép và luôn thường trực một nụ cười hiền lành, dễ mến. “Trọng chẳng bao giờ dám kể khổ với bố mẹ vì sợ cả nhà lo. Nó luôn giữ quan điểm rằng tự làm tự chịu, dù tập luyện hay thi đấu vất vả đến mấy cũng độc lập cố gắng nỗ lực. Lối sống của Trọng khiến cả gia đình vô cùng an tâm”, ông Hùng kể.
Kết thúc AFF Cup cũng là thời điểm Đình Trọng phải nghỉ dài hạn để chữa trị chấn thương lệch xương bàn chân dai dẳng. Chấn thương đã được phát hiện từ cách đây 4-5 tháng khi còn đá ở V.League, nhưng anh vẫn luôn nén đau để được đồng hành cùng đội tuyển bước vào những giải đấu quan trọng.
Tại ASIAD, chấn thương của Trọng vừa được điều trị thành công nhưng chưa khỏi hẳn. Đến AFF Cup, thi thoảng vận động mạnh, vết thương chưa hoàn toàn bình phục lại làm anh đau nhói. Nhưng Trọng luôn tâm niệm phải cố gắng đến chặng đua cuối cùng giải đấu và hoàn thành mục tiêu mới dám nghỉ ngơi để chữa trị dứt điểm chấn thương.
“Trọng toàn giấu bố mẹ chấn thương. Chấn thương nặng thì nó bảo nhẹ thôi, đau nhẹ thì nó nói không sao”, ông Hùng cho biết.
Ở tuổi 21, sự nghiệp cầu thủ của Trọng vẫn còn cả chặng đường dài ở trước mắt. Buộc phải bỏ lỡ Asian Cup 2019 để sang Hàn Quốc điều trị chấn thương, tất cả đều tin tưởng Trọng sau đó sẽ trở lại mạnh mẽ hơn để tiếp tục đóng vai trò chốt chặn đáng tin cậy nơi hàng phòng ngự - sức mạnh chính yếu của đội tuyển Việt Nam.
Như cách mà Trọng đã chịu đau vì trái bóng tròn ngay từ tuổi lên 4, anh rồi sẽ vượt qua chấn thương này bằng sức mạnh của ý chí, đam mê trái bóng tròn cùng hàng triệu con tim nơi người hâm mộ đặt niềm tin vào một trung vệ Trần Đình Trọng xuất sắc của đội tuyển Việt Nam.