- Có thể nói 2016 là một năm “bội thu” với Đinh Phương, lý do gì khiến anh quyết định cho cho ra mắt hai đầu sách trong vòng một năm?
- Năm 2016 tôi có hai tác phẩm được xuất bản đó là tập truyện ngắn
Đợi đến lượt và tiểu thuyết Nhụy khúc. Với mỗi sáng tác, từ khi còn là trang bản thảo cho đến lúc tới tay bạn đọc với tư cách một tác phẩm là chặng đường dài. Nếu chỉ có một mình tác giả thì không làm được gì cả.
Với tư cách là một nhà văn, việc của tôi là viết và tôi cố gắng làm tốt nhất có thể phần việc ấy. Khi tác phẩm đã được in thành sách, cảm nhận về nó như thế nào là quyền của độc giả, tôi không thể kiểm soát được. Về phần mình, tôi thấy may mắn vì hai tác phẩm được ra mắt trong cùng một năm.
- Nhiều độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ, nhận xét tác tác phẩm của anh thuộc dòng văn chương hàn lâm, khó đọc, anh nghĩ gì về điều này?
- Đọc sách cũng giống như việc ăn uống, xem phim hay nghe nhạc, “khó” hay “dễ” là tùy thuộc vào gu của từng người. Với tư cách là một người viết, việc đầu tiên tôi tự coi mình là một độc giả, tôi sẽ viết những gì mà tôi thích đọc.
Tôi tin rằng cũng có những người có gu đọc sách giống tôi. Viết lách nói riêng và sáng tạo nghệ thuật nói chung là công việc rất ích kỷ. Tác giả sẽ phải “chiều chuộng” bản thân mình trước, viết cái mình thích như một lẽ tự nhiên, một thứ bản năng không thể làm khác được.
Nhà văn Đinh Phương. |
- Đi ngược lại với thị hiếu của số đông, đồng nghĩa với việc Đinh Phương đã chấp nhận những rủi ro nhất định khi tác phẩm ra mắt?
- Việc tác phẩm của mình được liệt vào hàng sách khó đọc, ít người thích, tôi không cho đó là một rủi ro. Tác phẩm ra mắt, mình có chút nhuận bút để mua sách tặng bạn bè và mua sách mới để đọc. Thế coi như là xong! Phải quên ngay cái cũ để làm cái mới. Lại bắt đầu lại từ đầu. Lại bắt đầu nhặt nhạnh, tích góp để xây dựng tác phẩm mới.
Viết sách là công việc tôi làm để “chiều chuộng” bản thân. Đôi khi chỉ cần vỗ về được tâm hồn và trí tưởng tượng của mình là đủ rồi. Không cần suy nghĩ nhiều về những điều khác. Nếu dùng lí trí nhiều quá bạn sẽ thui chột sự sáng tạo của chính mình.
- Là một người trẻ, nhưng các sáng tác của anh lại rất già dặn, đi sâu vào khai thác nội tâm con người. Việc thiếu những trải nghiệm nhất định về vốn sống có “làm khó” Đinh Phương ?
- Mỗi người chỉ sống một cuộc đời và có những trải nghiệm nhất định. Nếu chỉ viết về những thứ mình đã trải qua với tôi dường như hơi đơn điệu và nhàm chán. Nếu bản thân chưa trải qua thì có thể viết dựa trên những trải nghiệm của người khác. Tôi hay khai thác đề tài về lịch sử, các sự kiện để sáng tác, về mảng này thì không thể dựa vào trải nghiệm được.
Một phần đời sống với tôi được kiến tạo dựa trên tưởng tượng, cảm giác và những giấc mơ. Mà hình như những điều trên đây mỗi giây phút qua đi, đều xuất hiện nhiều lắm. Mình viết để thấy mình đang được sống, chống lại cảm giác nhột nhạt nhàm chán thế thôi. Lúc nào khó khăn thì nghỉ đọc sách, nói chuyện với bạn bè, đi loanh quanh.
Tiểu thuyết Nhụy khúc của Đinh Phương. |
- Đọc các tác phẩm của Đinh Phương, người ta thấy được chân dung của một “con mọt sách”, đọc sách dường như đã trở thành một niềm đam mê đối với anh?
- Người đam mê cây cảnh, người đam mê đồng hồ, người đam mê sưu tầm tem... tôi đam mê sách. Mê sách gồm cả sở hữu sách và đọc sách. Sách giúp mình có nhiều bạn bè hơn, giúp mình thấy mình “giàu có” vì lúc nào cũng có sách vây quanh, giúp mình yên tâm hơn vì cuộc sống khi có một cuốn sách trong ba lô khác hẳn cuộc sống không có gì trong đó cả.
Đọc sách vừa là thú vui giải trí, vừa là trải nghiệm thú vị. Với tôi, đọc và viết là hai việc tính tương tác lẫn nhau. Đọc sách cho tôi cảm hứng để viết lách và việc viết thúc đẩy tôi phải đọc nhiều hơn.
Nhà văn Đinh Phương tên thật là Nguyễn Trọng Hưng, sinh năm 1989. Anh. Quê gốc ở Mạo Khê, Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Đinh Phương được biết đến từ năm 2014 với tập truyện ngắn Những đứa con của Chúa Trời. Năm 2016, Đinh Phương ra mắt tập truyện ngắn thứ hai là Đợi đến lượt và tiểu thuyết Nhụy khúc.