Tạo hình nhân vật Pharaon Ekhnaton (Michael Wilding đóng) trong phim The Egyptian (1954). |
Chắc ai cũng đã nhìn thấy nước chảy ra từ đồng hồ nước như thế nào. Thời gian của con người cũng trôi đi như vậy, nhưng thời gian của con người không đo được bằng đồng hồ nước mà bằng tất cả những gì xảy ra với họ. […]
Ở thành phố Akhetaton, tôi đã nhận ra được sự thật này, vì ở đó thời gian của tôi giống như dòng nước chảy và cuộc đời tôi giống như một giấc mơ ngắn hay một bài hát hay ngân lên hoài phí. Mười năm sống dưới bóng của Pharaon Ekhnaton trong cung điện vàng của ngài ở thành phố Akhetaton với tôi còn ngắn hơn cả một năm tuổi trẻ, thời mà tôi có các chuyến đi và những ngày xảy ra nhiều điều khiến mỗi ngày dài hơn cả năm trường.
Trong thời gian này, kiến thức và kỹ năng của tôi không được bổ sung thêm, trái lại tôi đã phung phí những điều mình thụ đắc được những ngày còn trẻ ở nhiều miền đất, như con ong vào những ngày đông tiêu cạn kiệt số mật mà nó đã tích góp được về tổ của mình trong mùa hoa nở.
Nhưng có lẽ thời gian đã bào mòn trái tim tôi như nước chảy chầm chậm bào mòn đá và có lẽ trong khoảng thời gian đó trái tim tôi đã đổi thay, mặc dù bản thân tôi không nhận ra, bởi tôi không còn quá cô đơn như trước. Có lẽ tôi cũng đã trầm lặng hơn và không còn khoe khoang về bản thân và kỹ năng của mình nhiều như trước, nhưng đây chắc không phải là công của bản thân tôi mà chỉ vì Kaptah không sống cùng tôi; ông ấy sống trong nhà tôi ở Thebes, trông coi tài sản và lợi tức của tôi cùng với quán rượu có tên Đuôi Cá Sấu của ông.
Thành phố Akhetaton tự thu mình trong vỏ bọc, trong những giấc mơ và ảo vọng của Pharaon Ekhnaton; thế giới bên ngoài không quan trọng đối với nó mà mọi chuyện xảy ra ngoài ranh giới của Aton đều xa vời, không thực như ánh trăng trên mặt nước và sự thật duy nhất là những gì xảy ra bên trong nó.
Sau này nghĩ lại, tôi thấy có lẽ tất cả những điều này đã sai, có lẽ thành phố Akhetaton cũng như tất cả những gì đã xảy ra ở đó chỉ là một cái bóng và đẹp đẽ bề ngoài, còn sự thật ở bên ngoài ranh giới của thành phố là đói khổ và chết chóc. Bởi vì tất cả những gì khiến Pharaon Ekhnaton không hài lòng, người ta đều giấu ngài, hoặc nếu có điều gì đó buộc phải có quyết định của ngài, nó được bọc trong vải mềm, tẩm mật ong và lúa mạch đen thơm, cẩn trọng dâng cho ngài để đầu ngài không bị đau nhức.
Điều đó thường xảy ra vì con người ta yếu đuối và không ai muốn mất ân sủng của Pharaon khi thường xuyên kể cho ngài những điều khó chịu. Nhưng tôi tin và biết rằng như thế cũng chỉ vì tình thương yêu ngài, vì bất cứ ai yêu kính ngài đều muốn ngài càng ít đau đớn và buồn phiền càng tốt. Ngay cả những sự việc và tai ương nhỏ nhặt cũng tác động đến ngài mạnh hơn so với người thường, khiến ngài bất an và trở nên lo lắng bồn chồn, bệnh của ngài sẽ tái phát và nhiều người yêu thương ngài sợ ngài sẽ không sống nổi nếu ngài biết hết mọi chuyện xảy ra bên ngoài ranh giới thành phố của mình.
Tôi tin và biết Pharaon Ekhnaton chỉ muốn sống trong sự thật và sẽ là người đầu tiên quở trách những ai muốn che giấu ngài sự thật vì yêu thương ngài. Nhưng vì ngài chỉ chăm chăm nhìn vào cõi vĩnh hằng, nên tất cả đối với ngài chỉ là cái bóng mờ ảo, và vì thế với ngài mọi chuyện xảy ra bên ngoài thành phố của ngài thậm chí còn mỏng manh hơn cái bóng mờ ảo ấy. Sự thật cũng có thể được kể bằng nhiều cách khác nhau, êm dịu và khéo đến mức khó nhận ra đó là sự thật.
Trong thời gian này, giáo sĩ Eje nắm quyền ở Thebes như là người cầm trượng quyền lực bên phải nhà vua và trên thực tế Thebes vẫn là thủ đô thật sự của cả hai vương quốc, vì Pharaon Ekhnaton bỏ lại ở đó tất cả những gì buồn tẻ và khó chịu trong bộ máy triều đình như sưu thuế, thương mại, tòa án và không muốn nghe gì về những điều đó mà hoàn toàn tin tưởng Eje, cha đẻ của Nefertiti, quốc trượng của ngài, một người đầy tham vọng.
Như thế trên thực tế, giáo sĩ Eje trị vì cả hai vương quốc, vì mọi việc liên quan đến đời sống của dân chúng, dù là nông dân hay thị dân, đều nằm trong tay ông ta. Khi Amon bị lật đổ, không còn thế lực nào kìm hãm quyền lực của Pharaon, mà trên thực tế là quyền lực của Eje, ông ta rất thỏa mãn với điều này vì hy vọng đất nước sẽ dần dần ổn định, thoát khỏi ách Amon.
Bởi vậy không có gì làm ông ta hài lòng hơn thành phố Akhetaton, nơi giữ Pharaon ở xa Thebes, và ông ta đã làm những gì có thể để gom góp tiền của vào việc xây dựng, làm đẹp thành phố và liên tục gửi đến những món quà sang trọng, quý giá khiến Akhetaton ngày càng đẹp hơn trong mắt Pharaon. Như thế, đất nước quả thật đã có thể yên bình và mọi thứ trở lại như trước, chỉ là không có quyền lực của Amon, nhưng Pharaon Ekhnaton là cây gậy giữa trăm bánh xe và là hòn đá làm lật cỗ xe của ông ta.
Bên cạnh giáo sĩ Eje, Horemheb nắm quyền ở Memphis, nằm trên biên giới giữa hai vương quốc, lãnh trọng trách về trật tự, an ninh của đất nước, nên thật ra anh ấy là sức mạnh trong cây gậy của những người thu thuế và là sức mạnh trong những chiếc búa tạ của thợ đục đá khi những người này đục xóa tên của Amon khỏi tất cả tượng đài, bia ký và xông vào cả các hầm mộ để tẩy xóa cái tên này. Pharaon Ekhnaton cũng sai mở lăng mộ của cha mình để xóa tên Amon.
Đến Eje cũng không phản đối ngài, chừng nào ngài vẫn bằng lòng với trò giải trí trẻ con ấy, và ông ta thấy tốt nhất cứ để mọi suy nghĩ của ngài vướng bận vào những việc thần linh, tín ngưỡng này, những việc không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của dân chúng.
Vì vậy, sau những ngày kinh hoàng ở Thebes, cả Ai Cập như mặt nước phẳng lặng, không cơn bão nào tàn phá sự yên bình của nó trong một thời gian. Giáo sĩ Eje đã giao việc thu thuế cho các tổng trấn, điều này giúp ông ta tiết kiệm rất nhiều công sức, còn các tổng trấn bán quyền thu thuế cho các lại viên thuế vụ của các thành phố, làng mạc và trở nên rất giàu có.
Đến lượt các lại viên thuế vụ của các thị trấn và làng mạc lại tiếp tục cho không biết bao người giúp việc thuê lại quyền này và trở nên giàu có, và những người giúp việc thu thuế cũng không nghèo đi khi làm việc này, vì họ dùng gậy để đảm bảo quyền lợi của mình. Như thế trong một thời gian, bề ngoài mọi việc vẫn diễn ra như trước và nếu người nghèo kêu than về thân phận mình, rắc tro lên tóc sau khi người thu thuế rời đi, thì đó là điều không lạ với người nghèo trong mọi thời kỳ.
Nhưng sự ra đời của công chúa thứ tư ở Akhetaton là tai họa lớn, hơn cả sự sụp đổ của Simyra ở Syria, và Hoàng hậu Nefertiti bắt đầu nghi ngờ mình bị bỏ bùa, chỉ sinh con gái, nên đã đến Thebes cầu xin các phù thủy da đen của Hoàng thái hậu trợ giúp. Quả thật, hiếm có người đàn bà nào sinh liên tiếp bốn con gái mà không sinh nổi một con trai. Thế nhưng đây chính là số phận của Hoàng hậu, sinh hạ cho Pharaon Ekhnaton cả thảy sáu công chúa mà không có một hoàng tử nào, và cũng là định mệnh của Pharaon Ekhnaton.