Sự biến động của đồng nhân dân tệ có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Trung Quốc với các nước láng giềng châu Á trong ngắn hạn. Song các nhà kinh tế cho rằng nhân khẩu học là yếu tố tác động đến cạnh tranh dài hạn, khi các nền kinh tế trẻ hơn đang thu hút nhiều nguồn đầu tư nước ngoài.
Trong phiên ngày 1/9, đồng nhân dân tệ đóng cửa ở mức 6,8997 nhân dân tệ (CNY) đổi 1 USD. Trước đó, đồng tiền này từng ở mức 6,9 CNY đổi 1 USD. Trong khi đó, mốc 7 CNY đổi 1 USD được coi là ngưỡng tâm lý quan trọng mà ngân hàng Trung Quốc luôn duy trì trong nhiều năm qua.
Tuần trước, phát biểu cứng rắn của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell về kế hoạch tăng lãi suất để chống lạm phát đã làm khuấy động thị trường tài chính toàn cầu, khiến nhiều đồng tiền chủ chốt trên thế giới suy yếu.
Tuy vậy, sự suy giảm của đồng nhân dân tệ trong năm nay vẫn nhẹ hơn so với các đồng tiền khác ở châu Á như yen (Nhật Bản), won (Hàn Quốc) hay bath (Thái Lan).
“Việc hạ giá đồng nhân dân tệ trong tầm kiểm soát là tốt cho xuất khẩu nói chung”, Wang Tao, Giám đốc nghiên cứu kinh tế châu Á tại Ngân hàng Đầu tư UBS, cho biết.
Trong khi đó, Mark Williams, trưởng nhóm kinh tế châu Á tại Capital Economics, nói rằng đồng nhân dân tệ yếu đi sẽ có lợi cho xuất khẩu của Trung Quốc, khi đồng tiền này vẫn mạnh hơn so với các đồng tiền khác ở châu Á, song vẫn có những rủi ro.
"Các nhà hoạch định chính sách lo ngại việc đồng nhân dân tệ suy yếu có thể cản trở mục tiêu làm cho đồng tiền này được sử dụng rộng rãi toàn cầu", ông Williams nói.
Thách thức nhân khẩu học
Đánh giá dài hạn, tập đoàn đầu tư Natixis của Pháp cho biết Ấn Độ và ASEAN sẽ vượt mặt Trung Quốc để trở thành điểm đến hàng đầu ở châu Á cho các hoạt động đầu tư mua bán và sáp nhập từ nước ngoài.
“Trong dài hạn, nhân khẩu học sẽ là chìa khóa cho nền kinh tế châu Á, và Trung Quốc có thể bị tụt lại so với các nước trẻ", Alicia Garcia-Herrero, Giám đốc phụ trách kinh tế châu Á - Thái Bình Dương của Natixis, nói.
Các nền kinh tế trẻ như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Pakistan và Bangladesh được dự báo sẽ gia tăng tổng cộng 3 tỷ người trong độ tuổi lao động. Bà Garcia-Herrero cho biết điều này sẽ tạo ra nhu cầu lớn về việc làm và đầu tư hạ tầng trong hai thập kỷ tới.
Có 10,62 triệu đứa bé được sinh ra trong năm 2021, giảm so với con số 12 triệu vào năm 2020. Đồ họa: South China Morning Post. |
Theo Natixis, đầu tư trực tiếp nước ngoài trên khắp châu Á đã tăng 19% vào năm 2021 do “nguồn nhân khẩu học” và “nhu cầu cơ sở hạ tầng” đã thu hút vốn nước ngoài. Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay dòng vốn vào nước này đã tăng 20,2% - đạt 173,48 tỷ USD vào năm trước.
Tuy vậy, dân số nước này chỉ tăng 480.000 người vào năm 2021, thấp hơn so với con số 2,04 triệu người vào năm 2020. 10,62 triệu trẻ em được sinh ra vào năm 2021, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Một số nhà nhân khẩu học tin rằng dân số Trung Quốc đã đạt đỉnh vào năm trước, trong khi báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới 2022 của Liên Hợp Quốc nói rằng dân số Trung Quốc được dự báo sẽ giảm vào đầu năm 2023.
Thị trường tài chính nhiều biến động
Khi các đối thủ của Trung Quốc ở châu Á tăng trưởng kinh tế, Katrina Ell, nhà kinh tế học tại Moody’s Analytics, nói rằng vấn đề lớn trong việc cải thiện khả năng cạnh tranh xuất khẩu là nguy cơ "nhập khẩu lạm phát”. Đây là trường hợp giá nhập khẩu bằng USD và tỷ giá giữa đồng nội tệ với USD tăng - tương tự tình hình ở Hàn Quốc và Ấn Độ.
Lạm phát tại Hàn Quốc lên cao nhất trong 24 năm qua, đạt 6,3% vào tháng 7, trong khi lạm phát toàn phần ở Ấn Độ sẽ ở mức trên 6% cho đến tháng 2/2023 - vượt mức mà ngân hàng trung ương nước này đề ra.
"Mặc dù chịu ảnh hưởng từ USD, chúng tôi kỳ vọng kinh tế châu Á sẽ tiếp đà phục hồi”, bà Garcia-Herrero nói. “Sự tắc nghẽn nguồn cung toàn cầu và giá hàng hóa tăng cao là lợi ích cho một số nước châu Á xuất khẩu ròng, chẳng hạn Indonesia và Malaysia”.
Trung Quốc đang đứng trước thách thức duy trì tỷ giá đồng nhân dân tệ ở ngưỡng chấp nhận. Ảnh: AFP. |
Trung Quốc vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm chính sách Zero Covid-19, sự sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản và môi trường bên ngoài gặp nhiều bất lợi.
“Trừ khi thị trường bất động sản ổn định và phục hồi trước ‘tháng 9 vàng và tháng 10 bạc’, tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ có thể vượt ngưỡng 7 CNY đổi 1 USD vào đầu tháng 9", Tao Chuan, trưởng nhóm kinh tế vĩ mô tại công ty chứng khoán Soochow, cho biết.
Đồng nhân dân tệ đã nổi lên như một loại tiền tệ trú ẩn an toàn sau đại dịch do sự tương quan thấp giữa tài sản Trung Quốc với các nền kinh tế khác. Nhưng đợt bùng dịch và rủi ro từ thị trường bất động sản đã hạn chế lợi thế của đồng tiền Trung Quốc.
“Đồng nhân dân tệ có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực trong một thời gian, nhưng (Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc) có thể bắt đầu có những biện pháp kiểm soát. Trong quá khứ, 7 CNY đổi 1 USD là ngưỡng mà giới hoạch định chính sách đã cố duy trì mỗi khi đồng tiền suy yếu", ông Mark Williams cho biết.