Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điều tra viên quốc tế: MH17 bị tên lửa Nga bắn rơi

Nhóm điều tra quốc tế vừa kết luận tên lửa bắn rơi máy bay MH17 được chuyển từ Nga vào Ukraine và được phóng từ khu vực do lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát.

Mô phỏng tên lửa Buk bắn rơi MH17 Theo nhà điều tra Hà Lan, khoang lái là nơi đầu tiên chịu tác động từ mảnh đạn tên lửa và các phi công của MH17 là nạn nhân trực tiếp của vụ tấn công.

Các điều tra viên tham gia cuộc điều tra do Hà Lan dẫn đầu vừa kết luận tên lửa bắn rơi máy bay MH17 được bắn từ khu vực do lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine.

Rất nhiều nhân chứng đã chỉ ra vị trí tên lửa được phóng, các công tố viên cho biết.

Cuộc điều tra này quy tụ các điều tra viên từ Australia, Bỉ, Malaysia và Ukraine. Buổi họp báo công bố kết quả điều tra diễn ra tại Nieuwegein, Hà Lan ngày 28/9.

Ten lua ban MH17 dua tu Nga anh 1
Buổi họp báo công bố kết quả điều tra. Ảnh: Reuters

Cũng theo kết quả này, tên lửa bắn rơi MH17 là loại BUK, số series 9M83, được chuyển từ Nga vào Ukraine, BBC dẫn lời Wilbert Paulissen, cảnh sát trưởng Hà Lan tham gia cuộc điều tra, nói.

Bệ phóng tên lửa sau đó được đưa lại về Nga, ông Paulissen cho hay.

Trước đó, thân nhân các nạn nhân đi trên máy bay MH17 nói rằng các công tố viên đang điều tra 100 cá nhân có liên quan đến vụ việc. Kết quả điều tra được thông báo cho gia đình các nạn nhân trước khi công bố cho báo giới và dư luận.

"Họ đã nói cho chúng tôi việc tên lửa BUK được chuyển đến và quy trình điều tra của họ thông qua hình ảnh chụp lại, video...", Robby Oehler, người có cháu thiệt mạng trong vụ rơi máy bay, nói.

Kết quả cuộc điều tra này của các điều tra viên quốc tế sẽ làm nền tảng để đưa những người chịu trách nhiệm trong vụ bắn rơi chiếc máy bay ra tòa, tuy nhiên tên của nghi phạm vẫn chưa được công bố. Các công tố viên chỉ nói rằng "có cơ hội thực tế" để truy tố các hung thủ.

Ten lua ban MH17 dua tu Nga anh 2
Vỏ chiếc máy bay xấu số khi rơi xuống cánh đồng ở Ukraine. Ảnh: Reuters.

Hồi năm ngoái, cuộc điều tra do Ủy ban an toàn Hà Lan tiến hành cũng cho biết MH17 bị tên lửa BUK do Nga sản xuất bắn rơi nhưng không nêu rõ khu vực tên lửa được phóng ra.

Trong khi đó, Nga luôn bác bỏ cáo cuộc cho rằng tên lửa bắn ra từ khu vực miền đông Ukraine, nơi lực lượng ly khai thân Nga đang kiểm soát. Lực lượng nổi dậy miền đông của phủ nhận họ liên quan vụ rơi máy bay vì họ không có hệ thống phòng không và người có khả năng vận hành tên lửa để bắn trúng MH17.

Ngày 28/9, Điện Kremlin tiếp tục bác bỏ các cáo buộc tên lửa được bắn từ khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết theo dữ liệu radar định vị các vật thể đang bay hoặc được phóng trong khu vực miền đông Ukraine khi đó, không có tên lửa nào cả.

"Nếu có một tên lửa nào, nó phải được phóng từ nơi khác", ông Dmitry tuyên bố. Các nhà điều tra nói rằng họ đã không được tiếp cận dữ liệu radar này.

Chiếc máy bay Boeing 777, chuyến bay số hiệu MH17, của hãng Malaysia Airlines đã bị bắn khi đi qua bầu trời miền đông Ukraine trên đường bay từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur (Malaysia). Toàn bộ 298 người trên máy bay tử nạn.

Nhiều hành khách trên MH17 có thể vẫn sống khi máy bay rơi

Bản báo cáo cuối cùng về thảm kịch MH17 của Hà Lan không loại trừ khả năng nhiều nạn nhân trong số 298 hành khách và phi hành đoàn vẫn còn ý thức sau khi máy bay trúng tên lửa.

Nỗi ám ảnh xác nạn nhân MH17 rơi xuyên mái nhà

"Người phụ nữ ấy rất xinh đẹp, móng tay được cắt cẩn thận và sơn màu hồng", bà Ina ở miền đông Ukraine nhớ lại hình ảnh nạn nhân MH17 rơi xuống nhà trong thảm kịch một năm trước.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm