Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điều ông Trump chờ đợi

Nếu đảng Cộng hòa giành kết quả khả quan trong bầu cử giữa nhiệm kỳ, ông Trump sẽ đạt được một loạt mục tiêu trước khi công bố kế hoạch chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Cựu Tổng thống Trump đã ngụ ý ông muốn một lần nữa chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024. Thế nhưng, thông báo chính thức nhiều khả năng sẽ không được đưa ra cho đến sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, nơi định đoạt cục diện lưỡng viện Quốc hội Mỹ trong 2 năm tiếp theo.

Kết quả cuộc bầu cử diễn ra ngày 8/11 sẽ cho thấy mức độ thành công của đảng Cộng hòa trong thời kỳ, như cách con trai Eric của ông Trump miêu tả, là "đảng Trump", theo BBC.

Phép thử trước cuộc chạy đua năm 2024

Dù cái tên Trump không xuất hiện trên bất cứ phiếu bầu nào, nhiều chuyên gia coi bầu cử giữa nhiệm kỳ là bài kiểm tra sự ảnh hưởng của ông Trump trong đảng Cộng hòa cũng như mức độ thu hút của ông với cử tri nói chung trước thềm tổng tuyển cử 2024.

Cựu tổng thống đã ra mặt ủng hộ hàng chục ứng cử viên chạy đua các ghế trong Quốc hội, thống đốc bang cũng như cơ quan lập pháp tiểu bang.

Trong vòng sơ bộ của đảng Cộng hòa, 221 ứng viên được ông Trump hậu thuẫn đã chiến thắng, trong khi chỉ 20 người thua cuộc. Tỷ lệ thành công của các ứng viên khi được ông Trump ủng hộ là 89%, dù rằng các chuyên gia nhận định một số ứng viên vốn sẽ chiến thắng bất kể có được cựu tổng thống hậu thuẫn hay không.

trump bau cu anh 1

Ông Trump tham gia cuộc vận động của Mehmet Oz, ứng viên chạy đua ghế thượng nghị sĩ bang Pennsylvania. Ảnh: Bloomberg.

Với ông Trump, thành công của các ứng viên mà ông ủng hộ sẽ giúp cựu tổng thống ước lượng mức độ ảnh hưởng của ông với cử tri.

"Một trong các phép đo về mức độ ản hưởng chính trị là khả năng hậu thuẫn các ứng viên và liệu các ứng viên ấy có chiến thắng hay không", John Hudak, chuyên gia Viện nghiên cứu Brookings, nhận định.

Tuy vậy, chiến lược này cũng có thể là con dao hai lưỡi, bởi việc các ứng viên thất trận có thể làm dấy lên câu hỏi về sự nhạy bén chính trị của cựu tổng thống.

Thực tế, khi tham gia vận động tranh cử cho các ứng viên, cựu Tổng thống Trump hầu như chỉ tập trung vào chính bản thân ông, thay vì giúp các ứng viên ghi điểm.

Trong quá khứ, các cuộc chay đua chức tổng thư ký tiểu bang - vị trí điều hành các cuộc bỏ phiếu - thường không được dư luận Mỹ quan tâm. Nhưng nay, vị trí này trở thành tâm điểm chú ý của cả nước, đặc biệt khi có sự tham gia của các ứng viên gần gũi với ông Trump, ủng hộ thuyết âm mưu gian lận bầu cử năm 2020, theo Reuters.

Một số chuyên gia cho rằng ông Trump sẽ hưởng lợi khi tái tranh cử năm 2024 nếu các đồng minh của cựu tổng thống nắm giữ vị trí tổng thư ký ở các tiểu bang.

"Nắm trong tay các vị trí này sẽ có ích khi có xung đột trong bầu cử. Việc có các đồng minh tại cơ quan bầu cử cấp quốc gia cũng như tiểu bang sẽ có lợi cho tương lai chính trị của ông Trump", Matt Lacombe, giáo sư Đại học Ohio, nhận định.

Doug Heye, cựu phát ngôn viên Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, thậm chí lo ngại các tổng thư ký tiểu bang trung thành với ông Trump có thể "lật ngược kết quả bầu cử" theo hướng có lợi cho cựu tổng thống.

Chấm dứt điều tra bạo loạn Điện Capitol

Nếu đảng Cộng hòa giành lại thế đa số tại Hạ viện, kịch bản nhiều chuyên gia tin là sẽ xảy ra, ủy ban điều tra vụ bạo loạn ngày 6/1/2021 tại Điện Capital có thể bị giải thể. Mới đây, ủy ban này đã triệu tập cựu Tổng thống Trump lấy lời khai.

Ông Trump đã nhiều lần miêu tả ủy ban điều tra là thứ công cụ nhằm đánh lạc hướng cử tri khỏi "thảm họa" quản trị đất nước mà chính quyền đảng Dân chủ tạo ra, trong bối cảnh bầu cử giữa nhiệm kỳ đến gần.

"Ủy ban chắc chắn sẽ bị giải tán. Ông Trump khi đó có thể tuyên bố đã được minh oan", giáo sư Grant Reeher, chuyên gia khoa học chính trị Đại học Syracuse, nói.

trump bau cu anh 2

Cuộc điều tra vụ bạo loạn Điện Capitol năm 2021 có khả năng sẽ chấm dứt sau bầu cử giữa nhiệm kỳ. Ảnh: Reuters.

Một số nghị sĩ Cộng hòa tuyên bố có thể khởi động một cuộc điều tra mới nhắm vào chính ủy ban điều tra hiện nay, hoặc chính quyền Tổng thống Biden, nếu phe Cộng hòa giành lại Hạ viện.

Đến nay, ông Trump vẫn chưa chính thức tuyên bố ý định chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024.

Nhưng tại một cuộc vận động ở Iowa hôm 3/11, ông Trump nói với hàng nghìn cử tri rằng "rất có khả năng sẽ làm như vậy một lần nữa (tranh cử tổng thống) nhằm giúp nước Mỹ thành công, an toàn, và vinh quang". Đây là gợi ý rõ ràng nhất đến nay mà ông Trump đưa ra.

Một số hãng thông tấn Mỹ như Axios hay New York Times dẫn các nguồn tin trong nội bộ của cựu Tổng thống Trump cho hay tuyên bố chính thức có thể được đưa ra vào 14/11. Đây là ngày ủy ban điều tra của Hạ viện yêu cầu ông Trump có mặt lấy lời khai.

Nếu đảng Cộng hòa có kết quả tích cực trong cuộc bầu cử tới, ông Trump sẽ là người đầu tiên nhận công lao. Nhưng một số chuyên gia cho rằng ngay cả khi cuộc bầu cử diễn ra theo hướng bất lợi cho phe Cộng hòa, cựu tổng thống vẫn sẽ tuyên bố tái tranh cử vào Nhà Trắng.

Những cuộc bỏ phiếu mà ứng viên Cộng hòa thua sát nút hoặc có kết quả gây tranh cãi có thể giúp ông Trump nhận được thêm sự ủng hộ của cử tri bảo thủ trong bối cảnh cựu tổng thống vẫn tiếp tục cáo buộc đã xảy ra gian lận bầu cử năm 2020.

"Nếu các ứng viên của cựu tổng thống thua, ông ấy sẽ tiếp tục nói rằng các cuộc bỏ phiếu đã bị đánh cắp", ông Hudak nhận định.

Bộ đôi Biden - Obama và ông Trump xung trận Tổng thống Joe Biden, ông Barack Obama và ông Donald Trump đều có những lời công kích đanh thép đảng đối lập trong cuộc vận động tại Pennsylvania ngày 5/11.

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Chính sách đối ngoại Mỹ: Tiếp cận từ thuyết Hiện thực mới và trường hợp Việt Nam sau khi bình thường hóa quan hệ đến nay” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2020. Cuốn sách này sẽ tập trung lý giải những nội dung cơ bản của chính sách đối ngoại Mỹ sau Chiến tranh lạnh dưới lăng kính của thuyết Hiện thực mới, lựa chọn các chính sách của Mỹ đối với Việt nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995 để minh họa và kiểm chứng cho lý thuyết này.

> Xem thêm: Tủ sách các tổng thống Mỹ

Nhân viên bầu cử Arizona bị dọa giết

Nhiều nhân viên làm việc tại các trung tâm bầu cử tại bang Arizona, Mỹ bị quấy rối, thậm chí đe dọa tính mạng trong bối cảnh bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra.

Ông Obama xuất trận cứu nguy cho đảng Dân chủ

Cựu Tổng thống Barack Obama bắt đầu chuyến vận động tranh cử để hỗ trợ các ứng viên đảng Dân chủ trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm