Khi Tổng thống Joe Biden quyết định rút quân khỏi Afghanistan, ông mong muốn không một binh lính nào phải hi sinh vì một cuộc chiến mà từ lâu đã không còn lợi ích với Mỹ.
Tuy nhiên, vào sáng 26/8, một vụ đánh bom liều chết ở sân bay Kabul đã cướp đi tính mạng của hơn 100 người, trong đó có 13 lính Mỹ. Đây là thương vong lớn nhất của quân đội Mỹ ở Afghanistan kể từ năm 2011, theo New York Times.
Trong bài phát biểu từ Nhà Trắng vào sáng cùng ngày, Tổng thống Biden thề sẽ "săn lùng" những kẻ khủng bố gây ra vụ việc.
"Đối với những người thực hiện cuộc tấn công này, cũng như những ai muốn gây hại cho Mỹ: Chúng tôi sẽ không tha thứ", ông Biden nói. "Chúng tôi sẽ không quên. Chúng tôi sẽ săn lùng và bắt những người này trả giá".
Hiện trường đẫm máu sau vụ đánh bom ở gần sân bay Kabul ngày 26/8. Ảnh: CNN. |
Đối mặt chỉ trích từ nhiều phía
Dù quyết định rút quân Mỹ khỏi Afghanistan được lên kế hoạch qua các nhiệm kỳ tổng thống, cách chính quyền Biden tổ chức chiến dịch này vấp phải chỉ trích dữ dội, đặc biệt từ sau khi Taliban chiếm quyền kiểm soát thủ đô Kabul.
Những diễn biến trong hai tuần qua khiến tỷ lệ ủng hộ đối với ông Biden giảm đi. Vụ đánh bom ngày 26/8 chắc chắn sẽ tạo thêm cớ cho những người chỉ trích, dù chưa rõ nó sẽ tác động thế nào đến nhiệm kỳ của ông về lâu dài. Vì cơ bản Tổng thống Biden đã thực hiện mong muốn của nhiều người dân Mỹ: Thoát khỏi cuộc chiến ở Afghanistan.
Những nhóm chỉ trích thuộc đảng Cộng hòa đã tận dụng thời cơ. Họ hùng hồn nói sẽ bắt ông Biden phải chịu trách nhiệm cho kế hoạch tổ chức rút quân và sơ tán người.
"Đây là kết quả từ những quyết định hoàn toàn sai lầm của Tổng thống Biden. Ông ấy phải chịu trách nhiệm", theo ông John Katko, hạ nghị sĩ Cộng hòa thuộc Ủy ban An ninh Nội địa. "Tổng thống Biden hành động chậm trễ và không kịp ứng phó vào thời điểm quan trọng trong lịch sử".
Tổng thống Biden cho biết Mỹ sẽ tiếp tục kế hoạch di tản khỏi Afghanistan, mặc cho những nguy cơ khủng bố rình rập. Ảnh: Bloomberg. |
Một số nghị sĩ Cộng hòa khác bày tỏ sự thương tiếc với những thương vong ở Kabul. "Tôi phẫn nộ trước cuộc khủng bố tại sân bay Hamid Karzai", Thượng nghị sĩ Jack Reed (Rhode Island) cho biết. "Những mất mát hôm nay thật bi thảm".
Vài giờ sau khi Lầu Năm Góc xác nhận vụ đánh bom ở Kabul, Tổng thống Biden đã có bài phát biểu trước người dân Mỹ, thể hiện sự đau lòng trước thảm kịch này. Bên cạnh đó, ông cho biết đã ra lệnh cho chỉ huy quân đội nhắm vào ISIS-K, nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Afghanistan.
"Mỹ sẽ đáp trả bằng vũ lực, theo thời gian và địa điểm mà chúng tôi chọn", ông nói.
Ông Biden nêu bật công trạng của 13 người lính "hy sinh" và 18 người bị thương trong lúc thực hiện quá trình rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan, gọi họ là "những anh hùng tham gia vào sứ mệnh nguy hiểm, quên mình để cứu sống người khác".
Ông Biden nói với tư cách là tổng thống, ông sẽ chịu mọi trách nhiệm "về những việc đã xảy ra".
Tuy nhiên, ông chối bỏ những cáo buộc cho rằng quyết định rút quân Mỹ khỏi Afghanistan dẫn đến khung cảnh hỗn loạn ở sân bay Kabul. "Tôi chỉ có một lựa chọn khác: Đưa thêm hàng nghìn lính khác đến Afghanistan", ông cho biết. "Tôi chưa bao giờ tin rằng chúng ta nên hy sinh thêm lính Mỹ để xây dựng nền dân chủ ở Afghanistan".
Dẫu vậy, nhiều người, bao gồm một số thành viên thuộc đảng Dân chủ, không đồng tình với quyết định của ông Biden.
Tiếp tục kế hoạch di tản
Vào sáng ngày 26/8, Thượng nghị sĩ Bob Menendez gọi tình hình ở Kabul là "một khủng hoảng nhân đạo". Ông cho biết chính quyền Tổng thống Biden phải hoàn thành việc di tản như kế hoạch.
Đến nay, kể từ ngày 14/8 trước khi Taliban nắm kiểm soát Kabul, chính quyền Mỹ cho biết đã di tản được hơn 100.000 người. Tuy nhiên, giới chức nước này cho rằng vẫn còn nhiều người Mỹ và Afghanistan mong muốn được rời khỏi Kabul.
Vào ngày 26/8, ông Biden cho biết Mỹ vẫn sẽ rút toàn bộ quân đội trước thời hạn 31/8. Tuy nhiên, ông có thể không tăng tốc tiến trình này sau vụ đánh bom ở sân bay Kabul. Ông cho biết Mỹ có đủ nguồn lực để tiếp tục cuộc di tản, mặc cho những mối nguy hiểm rình rập.
Tổng thống Biden nói việc tiếp tục chiến dịch sơ tán người dân sẽ chứng minh cho cả thế giới biết "những gì Mỹ nói đều quan trọng".
"Các cố vấn quân sự của tôi đã nói rõ rằng Mỹ có thể làm được. Mỹ buộc phải và sẽ hoàn thành nhiệm vụ này. Đó là những gì tôi yêu cầu họ làm", Tổng thống Biden nói. "Chúng tôi sẽ không chùn bước vì khủng bố. Chúng tôi sẽ không dừng nhiệm vụ này lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục di tản".
Ông Biden cho biết Taliban có vẻ sẵn sàng hợp tác với Mỹ và các nước phương Tây khác, ít nhất đến thời điểm hiện tại.
Taliban hy vọng nhận được sự giúp đỡ về nhiều mặt, như kinh tế, khi lực lượng này lãnh đạo Afghanistan vào những tháng tới. Điều đó có thể là động cơ để Taliban giúp Mỹ tìm và di tản công dân Mỹ, cùng các nhóm người khác, khỏi Afghanistan.
"Có rất nhiều lý do để Taliban liên hệ với không chỉ riêng Mỹ mà nhiều quốc gia khác. Việc hỗ trợ công dân của các quốc gia khác muốn di tản sẽ có lợi cho lực lượng này", ông Biden nói.
Trong tuần qua, ông Biden bảo vệ cách xử lý quá trình rút quân khỏi Afghanistan của mình. Ông thề "sẽ nhanh chóng đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào lực lượng Mỹ, cũng như mọi sự cản trở kế hoạch của Mỹ tại sân bay Kabul".
Vụ đánh bom thảm khốc ở sân bay Kabul vào ngày 26/8 khiến hơn 100 người thiệt mạng, trong đó có 13 lính Mỹ. Ảnh: New York Times. |
Giới chức quân sự Mỹ cho biết lực lượng nước này tại Kabul có đủ khả năng để phản công và bảo vệ sân bay. Tướng Kenneth F. McKenzie Jr. nói quân đội sẽ truy lùng những người chịu trách nhiệm cho vụ khủng bố.
Lầu Năm Góc miêu tả vụ đánh bom ngoài sân bay Kabul là một "cuộc tấn công có kế hoạch" của ISIS-K.
Những hình ảnh đẫm máu từ hiện trường của vụ đánh bom được đăng tải trên mạng. Một số nguồn tin chưa được xác nhận đã báo cáo về các vụ đánh bom khác diễn ra gần sân bay Kabul, với số người chết và bị thương tăng dần.
Trong cuộc họp với cố vấn an ninh quốc gia cấp cao về tiến độ cuộc di tản, Tổng thống Biden được cho là đã nhận tin về tình hình ngày càng xấu đi ở Afghanistan, và nhanh chóng thay đổi kế hoạch làm việc.
Kết quả là chỉ 15 phút trước khi Tổng thống Biden chuẩn bị họp với tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett, Nhà Trắng công bố rằng cuộc họp được lùi đến ngày 27/8 (giờ địa phương).