Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điều kiện nào để TP HCM trở thành thành phố thông minh?

Các chuyên gia cho rằng tầm nhìn của lãnh đạo, sự quyết đoán và kế hoạch hành động hiệu quả là những yếu tố quan trọng trước tiên để một thành phố trở nên "thông minh".

Khu vực Nhà thờ Đức Bà ở Quận 1, TP HCM về đêm. Ảnh: AFP

Trong cuộc tiếp ông Mark Day, Tổng Giám đốc bộ phận doanh nghiệp chính phủ, khối nhà nước phạm vi toàn cầu của Microsoft, ngày 31/3, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã bày tỏ nguyện vọng muốn biến TP HCM thành đô thị thông minh, quản lý dựa trên công nghệ.

Mục tiêu này nhằm giúp "người dân có thể hưởng những dịch vụ công tốt nhất do ứng dụng công nghệ thông tin mang lại", Bí thư Thăng nói.

Khái niệm thành phố thông minh, theo định nghĩa trên website của Ủy ban châu Âu, là nơi mà các mạng lưới và dịch vụ truyền thống được cải thiện hiệu quả hơn nhờ áp dụng công nghệ viễn thông và kỹ thuật số, nhằm mang lại lợi ích cho người dân và hoạt động kinh doanh.

Con người quan trọng hơn công nghệ

Tại một hội thảo ở Bình Dương hồi đầu tuần này, ông Madhav Ragam, Phó chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn IBM, cho rằng "thông minh" nghĩa là chuyển dữ liệu thô thành thông tin hữu ích, qua đó giúp quyết định được đưa ra và hành động kịp thời.

Ông Ragam dẫn ra nhiều mô hình thành phố thông minh thành công trên thế giới nhờ các ứng dụng công nghệ hợp lý, từ đó dẫn đến nâng cao hiệu quả kinh tế. Điển hình như thành phố Bolzano (Italy) sử dụng hệ thống giám sát sức khỏe của bệnh nhân từ xa, qua đó giúp tiết kiệm 30% chi phí cho các dịch vụ chăm sóc y tế.

Hoặc hệ thống giúp phát hiện rò rỉ nước ở hồ chứa tại quận Miami-Dade (bang Florida, Mỹ) giúp địa phương này giảm thất thoát nước hiệu quả hơn, tiết kiệm khoảng một triệu USD/năm. Hay thành phố Stockholm, Thụy Điển sau khi áp dụng hệ thống giao thông thông minh với chương trình Smart Transportation, qua đó thành phố đã giảm được 25% bức xạ khí CO2 và giảm 15% vấn đề ùn tắc giao thông.

Trao đổi với Zing.vn, ông cho rằng yếu tố hàng đầu và quan trọng nhất để phát triển một thành phố thông minh là ý chí của người lãnh đạo. 

"Nhiệm vụ khó khăn của các nhà lãnh đạo là xây dựng tầm nhìn và hành động để hướng tới tầm nhìn đã đặt ra. Do vậy, mọi việc sẽ gặp khó khăn nếu không có sự quyết tâm của nhà lãnh đạo. Công nghệ cũng là nền tảng quan trọng, nhưng đó không phải là tất cả. Sự quyết định nằm ở ban lãnh đạo, đường lối thực thi, và việc dám chịu trách nhiệm về kết quả", ông nói.

Ông viện dẫn Singapore là một trường hợp điển hình về xây dựng thành phố thông minh ở châu Á. "Họ có những nhà lãnh đạo tài ba với tầm nhìn sâu rộng, nên họ trở thành nước phát triển chứ ban đầu không có sẵn cơ sở hạ tầng".

Ông cho rằng TP HCM đã có những điều kiện tốt để tiến tới phát triển trở thành thành phố thông minh. Nếu hội đủ 3 điều kiện tiên quyết thì TP HCM chắc chắn trở thành một trong những thành phố thông minh mà chúng ta hoàn toàn có thể tự hào trong những năm tới.

"Khi nhà lãnh đạo quyết đoán, có tầm nhìn và kế hoạch hành động hiệu quả thì sẽ đạt được các mục tiêu đề ra, những yếu tố như cơ sở hạ tầng cũng sẽ xảy đến ngay sau đó", vị phó chủ tịch IBM châu Á nhấn mạnh với Zing.vn.

Thành phố Eindhoven, tỉnh Bắc Brabanht, miền Nam Hà Lan, từng được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) năm 2013 đánh giá là thành phố có tỷ lệ bằng sáng chế cao nhất trên thế giới: 22,9 bằng sáng chế trên mỗi 10.000 dân.

Chính quyền Eindhoven rất quan tâm đầu tư vào nghiên cứu - phát triển (R&D), khi chỉ riêng nơi này đã chiếm đến 45% ngân sách đầu tư vào R&D trên toàn Hà Lan. Đây là những điều kiện cần thiết để Eindhoven trở thành một trong những thành phố thông minh hiệu quả trên thế giới.

Bà Mary-Ann Schreurs, Phó thị trưởng Eindhoven (Hà Lan), đã chia sẻ với Zing.vn về những nhiệm vụ của một chính quyền nhằm hướng đến xây dựng thành phố thông minh mang lại nhiều tiện lợi cho người dân.

thanh pho thong minh anh 1
Bà Mary-Ann Schreurs, Phó thị trưởng thành phố Eindhoven, Hà Lan. Ảnh:BTC

Mối liên kết 3 bên tạo thế "chân vạc"

Bà phó thị trưởng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của mô hình hợp tác giữa chính quyền - khối doanh nghiệp tư - trường đại học.

"Khi bạn muốn phát triển một lĩnh vực mới, bạn cần phải nghiên cứu về nó. Tuy nhiên, một nghiên cứu cũng cần dựa trên kết quả thực nghiệm trong cuộc sống. Vấn đề mà các trường đại học nghiên cứu phải gắn liền với chủ đề xã hội", bà Schreurs giải thích.

Theo nữ phó thị trưởng, khi chúng ta nói về năng lượng, một trong những chủ đề quan trọng là xây dựng nguồn năng lượng liên tục. Đây là vấn đề cả ở Việt Nam cũng như tại Eindhoven.

"Một trong những nhiệm vụ của tôi là phải bảo đảm thành phố luôn có năng lượng để hoạt động. Tôi liên hệ với các trường đại học, với các công ty sản xuất, những đơn vị hạ tầng để cùng nhau bảo đảm quá trình sản xuất năng lượng, hệ thống phân phối và những vấn đề liên quan. Cách làm của chúng tôi là tất cả các bên liên quan đều cùng phối hợp với nhau", bà chia sẻ.

Để sự hợp tác 3 bên như vậy hiệu quả, bà khẳng định nhiệm vụ quan trọng của chính quyền là đầu tư vào nghiên cứu - giáo dục, xây dựng phòng thí nghiệm, vườn ươm tài năng.

"Tại những cơ sở này, các sinh viên có thể được huấn luyện. Thông qua từng công việc cụ thể, các sinh viên sẽ tự rút ra những điều cần thiết trong tình hình hiện nay. Cần gắn việc nghiên cứu ở trường đại học với hoạt động thực tế ở ngành công nghiệp cụ thể", bà Schreurs khuyên.

Vị phó thị trưởng từ Hà Lan khẳng định việc đầu tư vào giáo dục rất quan trọng, vì đây chính là nền tảng của tất cả. "Không chỉ là người dân có thể đọc, viết, mà họ có thể xử lý hàng loạt dữ liệu trong cuộc sống hàng ngày. Nếu không, họ sẽ cảm thấy bị loại trừ ra khỏi xã hội".

Chia sẻ về kinh nghiệm giải quyết các nhu cầu cấp thiết, bà Schreurs nói một trong những vấn đề quan trọng cần ưu tiên giải quyết là các rắc rối phát sinh do khí hậu, môi trường sống thay đổi. Trong đó, quan trọng nhất là nguồn nước. Đây là yếu tố then chốt, vì không ai có thể sống nếu không uống nước mỗi ngày.

Việc dịch chuyển của các luồng dân cư cũng kéo theo nhiều bất cập, bao gồm ô nhiễm không khí. "Chúng tôi đã trải qua vấn đề này. Ngày nay, chúng tôi đang sử dụng một thành tựu công nghệ có thể gọi nôm na là 'máy lọc không khí'", bà chia sẻ.

Thành phố Eindhoven đang theo đuổi mục tiêu trở thành “thành phố lành mạnh”. "Chúng tôi định nghĩa 'lành mạnh' là bạn hoàn toàn có thể làm chủ cuộc sống, sống hạnh phúc trong bất kỳ hoàn cảnh nào".

Khi quan sát TP HCM, bà Schreurs cho biết đã thấy người dân rất thoải mái tận hưởng cuộc sống tại những không gian công cộng. Họ có thể ăn uống, vui vẻ nói chuyện cùng nhau.

"Hoặc khi tôi quan sát thành phố của bạn từ một toà nhà cao tầng, tôi thấy nhiều mảng xanh. Phủ xanh thành phố cũng là cách khiến cuộc sống người dân dễ chịu hơn. Lời khuyên của tôi dành cho TP HCM là hãy xử lý những vấn đề về ô nhiễm, nguồn nước, và tích cực phủ xanh hơn", Phó thị trưởng Schreurs nói với Zing.vn.

Bí thư Thăng muốn Microsoft cùng xử lý nạn hành dân

Bí thư Thành uỷ TP HCM Đinh La Thăng gặp mặt Tổng Giám đốc khối doanh nghiệp Microsoft, nhằm biến TP HCM thành đô thị thông minh, quản lý dựa trên công nghệ.

Ấn Độ xây thành phố thông minh đầu tiên

Ấn Độ bắt đầu xây dựng thành phố thông minh bên bờ sông Sabarmati thuộc phía tây đất nước để giải quyết sự bùng nổ dân số cũng như thu hút đầu tư.

 

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm