Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điều khiến Võ Tắc Thiên đau đầu nhất trong 15 năm làm hoàng đế

Lập người kế vị là việc khiến Võ Tắc Thiên đau đầu nhất. Bà có hai người con và ba người cháu, lập ai trong số họ cũng đều không thích hợp.

Từ ngày mùng chín tháng chín năm Thiên Thụ thứ nhất (năm 690) đăng cơ, đến ngày hai mươi chín tháng giêng năm Thần Long thứ nhất (năm 705) thoái vị, Võ Tắc Thiên làm hoàng đế gần mười lăm năm. Trong mười lăm năm này, bà gặp hai khó khăn lớn: Làm thế nào để trị lý tốt Đại Chu và chọn người kế nhiệm vương triều.

Luan anh hung anh 1

Tạo hình Võ Tắc Thiên trong nghi lễ đăng cơ (phim Võ Mỵ Nương truyền kỳ).

Việc thứ nhất, bà làm khá thành công. Vương triều Võ Chu trong mười lăm năm đại thể là đất nước thanh bình, dân chúng yên vui. Tuy tốc độ phát triển kinh tế chưa bằng Trinh Quán (Thái Tông trị lý), mức độ phồn vinh xã hội chưa bằng Khai Nguyên (Huyền Tông trị lý), nhưng ít nhất cũng đạt mức: Kho tàng đầy ắp, dân số phát triển nhiều. Lãnh thổ đế quốc hơn hẳn thời Trinh Quán Đường Thái Tông.

Bản thân nữ hoàng bệ hạ mọc thêm tóc, thêm thanh xuân, tháng chín năm Trường Thọ thứ nhất (năm 692), bà mọc thêm răng mới, (lúc này đã sáu mươi chín tuổi), mọc thêm lông mày mới (lúc này đã bảy mươi sáu tuổi). Võ Tắc Thiên, người đàn bà này đã trẻ ra qua đời sống chính trị và đấu tranh chính trị. Đúng là kỳ tích.

Một kỳ tích nữa: Trong lịch sử Trung Quốc không ít đế vương phải lo toan việc nước ở tuổi thanh và trung niên, vào những năm cuối đời, nếu không hồ đồ thì cũng sai lầm. Võ Tắc Thiên lại là ngoại lệ, Võ Tắc Thiên là hoàng đế năm sáu mươi bảy tuổi, nhưng mãi đến năm tám mươi hai tuổi mới thoái vị, lúc nào đầu óc cũng tỉnh táo, tư duy nhạy bén, tinh lực dồi dào, phán đoán chính xác, không hề có hiện tượng già nua, cũng không hề thấy mệt mỏi. Chỉ sau khi bị đoạt mất quyền lực, đồng thời lại bị đoạt mất chàng trai sủng ái, chính trị và đàn ông đều không còn, bà mới già đi nhanh chóng.

Có thể, tất cả vì Võ Tắc Thiên là đàn bà. Tố chất thân thể và tố chất tâm lý của đàn bà tốt hơn của đàn ông, ít ra cũng được lâu hơn đàn ông. “Cao cao thì dễ gãy, trắng thì dễ ố”, tính cương của đàn ông thì dễ gãy, tính nhu của đàn bà bền lâu hơn. Cho nên đàn bà thường sống lâu hơn đàn ông, bà già cũng ít lẩm cẩm hơn ông già. Rõ ràng, trong lịch sử đã có nhiều thái hậu nổi tiếng, cũng thực dễ hiểu: Các vị đứng đầu Dương phủ, Giả phủ cũng đều là các bậc lão thái quân sáng suốt, mạnh mẽ.

Đương nhiên, Võ Tắc Thiên lợi hại hơn nhiều so với Xa thái quân trong Dương gia tướng, hoặc với Sử thái quân (Giả mẫu) trong Hồng lâu mộng, vì Võ Tắc Thiên là hoàng đế. Xưa nay, hoàng đế luôn được gọi là “vua cha”, còn giữa cha và con luôn có một chút ngăn cách. Lúc này hoàng đế đổi là Võ Tắc Thiên, triều đình của Võ Chu, làm cho có không khí giữa người bà và đám con cháu. Cho nên quan hệ quân thần trong triều Tắc Thiên tương đối là hòa thuận.

Điều chủ yếu là bởi, Võ Tắc Thiên là nhà chính trị cao minh, còn có thêm sự “bổ trợ âm dương” vì nữ là vua, nam là thần. Sau khi đã thuận lợi đoạt được chính quyền là hoàng đế, Võ Tắc Thiên không hề vì thắng lợi mà hoa mắt. Bà thừa biết, giữ chính quyền khó khăn hơn lúc đoạt chính quyền, và tạo nên một xã hội thái bình thịnh thế càng khó khăn hơn giữ chính quyền. Muốn làm được điều đó, chỉ dựa vào cá nhân Võ Tắc Thiên là không xong, nên cần phải thu nạp nhiều nhân tài.

Nhân tài không phải là để trang trí. Cần phải sử dụng nhân tài, trước hết là phải tôn trọng nhân tài, và điều tôn trọng lớn đối với nhân tài là thực bụng lắng nghe ý kiến họ. […]

Thực tế, vấn đề lập tự là vấn đề làm Võ Tắc Thiên đau đầu nhất. Bà có hai người con và ba người cháu, con họ Lý, cháu họ Võ, có thể nói, diện lựa chọn là rất lớn, kỳ thực, lập ai cũng đều không thích hợp.

Lập con làm người kế thừa vậy, khác nào đem giang sơn trả lại cho chồng là Lý Trị; lập cháu, lại khác nào đem giang sơn cho hai người anh, Võ Nguyên Sảng và Võ Nguyên Khánh, mà Võ Tắc Thiên lại rất ghét hai người này. Hai người này không chỉ bị Võ Tắc Thiên phán tội, còn bị đổi họ. Không còn là họ Võ mà là họ Phúc (nghĩa là rắn).

Không thể giao giang sơn cho họ! Nhưng nếu không trả lại cho chồng, cũng không cho anh, vậy có thể giao cho ai? Lúc Võ Tắc Thiên hùng hổ tiến tới đoạt lấy đế vị, bà chưa nghĩ đến những vấn đề này. Lúc đó bà chỉ nghĩ phải làm hoàng đế, mà chưa nghĩ đến sau khi là hoàng đế phải làm gì nữa.

Đương nhiên, bà cũng chưa hề nghĩ, một người đàn bà muốn lập triều đổi đại thì khó khăn ở đâu? Lúc này bà đã hiểu. Sự việc không khó ở chỗ, một người đàn bà có thể ngồi lên bảo tọa hoàng đế không, mà khó ở chỗ một vương triều của người đàn bà sẽ tiếp tục ra sao? Và bây giờ thì bà đã hiểu, điều đó là không thể được. Võ Tắc Thiên cần phải trao trả lại vương triều đó cho đàn ông. Hiển nhiên, dù người đàn ông đó là người bên nội hay bên ngoại, đều là phản bội con đường “cách mệnh” của Võ Tắc Thiên.

Thế là, Võ Tắc Thiên giống như bà chủ lớn, bằng vào sự thông minh tài trí và sự phấn đấu gian khổ để giành được một sản nghiệp lớn, bây giờ không biết, sau khi qua đời sẽ phải trao di sản đó cho ai là tốt nhất. Bà thực sự khổ tâm.

[…]

Vào ngày hai mươi tư tháng giêng (năm 705) năm Thần Long thứ nhất, Võ Tắc Thiên chính thức rời bỏ quyền lực, đem giang sơn mà mình dốc sức trị vì suốt mấy chục năm giao cho một kẻ bất tài kém cỏi.

Đương nhiên, việc bàn giao này có phần miễn cưỡng. Trước đó hai hôm, nhân lúc Võ Tắc Thiên ốm nằm trên giường đám triều thần vừa nắm chính quyền vừa nắm quân quyền đã vu cho Trương Dịch Chi, Trương Xương Tông là mưu phản, lệnh cho vũ lâm quân bao vây cung Nghênh Tiêu mà Võ Tắc Thiên đang ở, không nói một lời mà lấy đầu hai gã “sủng nam” dung mạo như đóa sen đó, xách đầu chúng đến ép bà phải giao đại quyền.

Người cầm quân hôm đó chính là Thôi Huyền Vĩ mà Võ Tắc Thiên đã cất nhắc; người đã giết hai tên họ Trương kia là Lý Trạm, con của Lý Nghĩa Phủ. Ngoài ra, còn có hơn năm trăm tướng sĩ là tả hữu vũ lâm quân, ngày thường rất gần gũi. Người cầm đầu tất cả, là tể tướng Trương Giản Chi - người mà Địch Nhân Kiệt coi là “văn có thể là lãnh tụ quần thần, võ có thể thống soái ba quân”. Lúc đó, Trương Giản Chi đang run rẩy đứng trước Lý Hiển bảo bối của Võ Tắc Thiên.

Ngày hai mươi sáu tháng mười một cùng năm, một ngày đông tê tái, Võ Tắc Thiên bị giam lỏng ở một nơi hào hoa mà tĩnh mịch, đã cô đơn nhắm mắt. Trước lúc lâm chung, Võ Tắc Thiên có để lại di ngôn, xá miễn Vương hoàng hậu, Tiêu thục phi, Chử Toại Lương, Hàn Viện, Liễu Thị và các gia tộc (quan tước của Trưởng Tôn Vô Kỵ đã có chiếu khôi phục và dự bồi Chiêu lăng vào năm Thượng Nguyên thứ nhất). Như vậy, Võ Tắc Thiên có thể được vui hơn. Lúc xuống Cửu Tuyền sẽ có thể “gặp nhau nhoẻn một nụ cười là hết cả ơn lẫn thù!”.

Dịch Trung Thiên / Quảng Văn Books & NXB Văn học

SÁCH HAY