Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Diệu kế nằm ngoài 36 kế trong binh thư của Chu Du

Kế thứ ba mươi bảy do Chu Du nghĩ ra vừa mới thực hiện thì đã thất bại, hại mạng mình chết toi.

Trong binh thư có ba mươi sáu kế, nhưng một người thông minh như Chu Du, vì muốn giết người cao tay cờ hơn mình là Gia Cát Lượng, mà ông đã nghĩ ra một diệu kế nằm ngoài ba mươi sáu kế kia: giả chết. Định dụng kế thứ ba mươi bảy này để lấy mạng Khổng Minh.

Gia Cát Lượng từng sai Trương Phi mai phục ở Lư Hoa Đăng ba lần chọc tức Chu Du. Trên đường thua trận, Chu Du hộc máu tươi, bất tỉnh nhân sự. Tướng sĩ của Đông Ngô, không có ai mà không gục đầu ảo não, vì bệnh của đô đốc đã phát nguy ngập.

Chu Du trông thấy tình hình này, nhớ lại trong binh pháp Tôn Tử có câu “binh bất yếm trá” (dụng binh không ngại gian dối), chi bằng lợi dụng tình hình tâm trạng u buồn này của ba quân, để mà khiến nó tương kế tựu kế. Lập tức triệu Lỗ Túc vào trong trướng, rồi cho tả hữu lui ra, rỉ tai truyền đạt mật kế.

Chu Du nói xong “này này, phải thế này”, chợt cắn lưỡi, phút chốc máu phun ra không ngớt, rồi đột nhiên kêu lên một tiếng rằng: “Trời đã sinh ra Du, sao lại còn sinh ra Lượng! Tử Kính hãy báo thù cho ta!” nói xong, vùi đầu xuống giường, chết!

Lỗ Túc theo kế mà hành sự, một mặt triệu tập quan văn tướng võ, nhanh chóng nhổ doanh phá trại, rút về Đông Ngô; một mặt phái người đưa linh cữu của Chu Du về Sài Tang Khẩu bên hồ Bà Dương, cử hành tang lễ.

Gia Cát Lượng ở Kinh Châu, đột nhiên nghe thấy tin báo Chu Du tức mà chết, thầm trong lòng không khỏi nghi hoặc.

Gia Cát Lượng nghĩ: Chu Du là một vị tướng đại tài, thông hiểu binh pháp, hiểu được sự thắng bại là chuyện thường của nhà binh, làm sao có thể dễ dàng chết tức như vậy được? Nói không chừng trong việc này có ý lừa, hay là chi bằng mình phải đích thân đến đó điếu, để tìm hiểu thực hư.

Gia Cát Lượng chuẩn bị lễ vật cúng điếu, viết văn tế, dẫn theo hai mươi tên vệ binh, cáo từ Lưu Bị, đi thẳng đến Sài Tang Khẩu.

Lỗ Túc thấy Gia Cát Lượng quả thực đến cúng điếu, tưởng là ông ta đã trúng kế cắn câu mà mừng thầm trong bụng, lập tức theo kế Chu Du đã bày đặt sẵn, phái năm mươi tên đao phủ mai phục ở hai bên linh đường, phái thêm hai tướng là Đinh Phụng, Từ Ninh, mang kiếm nấp sau đài cúng tế, nghe hiệu lệnh là lập tức hành sự.

Gia Cát Lượng đi vào linh đường, lẳng lặng nhìn hai bên, phát hiện ra quan văn tướng võ giữ linh cữu đều có ánh nhìn dữ như cọp, đằng đằng sát khí, rõ ràng là bầu không khí chẳng có một chút gì là thê lương bi ai, thậm chí đến phu nhân của Chu Du là Tiểu Kiều cũng không ở bên cạnh giữ linh cữu, trong lòng chợt nhận thấy điều chẳng lành, quả như mình dự đoán: Chu Du giả chết.

Truyen thuyet cac nhan vat Tam quoc anh 1

Việc đã đến nước này thì phải làm sao đây? Đã không thể lui ra, lại không nên hoảng loạn, đành phải theo như “đã đến thì nên bình tĩnh”, tùy cơ ứng biến, tìm cách phá mưu gian mà tìm thắng lợi, mới có thể an toàn mà thoát khỏi nguy hiểm.

Gia Cát Lượng lập tức thắp nhang đốt đèn một cách cung kính cẩn trọng, đốt giấy tiền, quỳ xuống trước linh đài mà khóc lớn, nhưng lại lén nhìn vào trong trướng linh lờ mờ ảo dịu, thì phát giác có hai tên tướng võ đang cầm kiếm ẩn trong đó.

Gia Cát Lượng nghĩ: mình quỳ khóc ở đây, lỡ bị hai tên đó xông ra tóm lấy, chắc chắn là nhiều rủi ít may, hay là mình tựa vào linh cữu mà khóc, lén nhìn xem Chu Du đang nằm trong quan tài có động tĩnh gì không, rồi hãy tính tiếp kế mưu.

Thế là ông bèn khấu đầu ba cái vang thành tiếng, vừa khóc, vừa đọc to bài văn tế. Bài văn tế viết ra hết sức xúc động lòng người, tướng sĩ văn võ hai bên, ai nghe thấy cũng đều rơi lệ bi ai. Gia Cát Lượng cũng khóc như một kẻ khóc mướn. Sau khi đốt bài văn tế, ông nhảy phóc lên trên quan tài, ôm lấy quan tài mà khóc càng thương tâm hơn nữa.

Đột nhiên, ông phát hiện thấy mặt trên của nắp quan tài, có một lỗ thoát khí, thì ra miệng và mũi Chu Du đang giả chết nằm trong quan tài đúng vào chỗ cái lỗ này để thở.

Gia Cát Lượng thừa dịp mọi người đang khóc ròng rã, lén lấy một ít sáp đèn cầy, nhét vào cái lỗ ấy mà bịt kín lại. Chu Du vừa định giơ chân đá bật nắp quan tài, nào ngờ cái lỗ thoát khí ấy bị bịt kín, không khí bị cắt đứt, cảm thấy lồng ngực tức vì nghẹt, cố giương yết hầu ra thế nào cũng vẫn không thở được, làm gì còn sức mà đá bật nắp quan tài chứ!

Lỗ Túc sốt ruột trong bụng, nghĩ thầm: sao đô đốc vẫn chưa chịu nhảy ra mà hạ lệnh ra tay chứ? Thế là hắn cũng đi gần bên quan tài, vừa khóc vừa buông lời lộng ngôn rằng:

- Công Cẩn huynh, Ngọa Long tiên sinh đến trước linh cữu mà khóc , huynh có nghe thấy không?

Đương nhiên là Chu Du có nghe thấy, tiếc là trong hơi thở yếu ớt, đã không thể làm gì được, buộc lòng chết ngạt ở trong quan tài.

Gia Cát Lượng lại khóc thêm một trận nữa, chẳng thấy động tĩnh gì bên trong quan tài, dự đoán là Chu Du đã chết thật rồi, ông ta bèn quẹt lệ cáo từ.

Lỗ Túc không biết phải làm sao, đành để Gia Cát Lượng giương buồm mà về Kinh Châu.

[…]

Kế thứ ba mươi bảy do Chu Du nghĩ ra, tức là kế giả chết, vừa mới thực hiện thì đã thất bại, hại mạng mình chết toi. Do đó, mãi cho đến bây giờ, người ta vẫn chỉ thừa nhận là có ba mươi sáu kế, chưa bao giờ thừa nhận là có kế thứ ba mươi bảy cả.

----------------------------

* Tiêu đề truyện trong sách: Tam thập thất kế

Khuyết danh / Tri thức Trẻ Books / NXB Thanh niên

SÁCH HAY