Tại Haiti, các nhà điều tra tiếp tục truy tìm kẻ chủ mưu thực sự đã thuê hơn 20 cựu binh sĩ Colombia cho nhiệm vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise, khiến nước này rơi vào khủng hoảng, theo New York Times.
Cách đó 1.600 km, ở Colombia, vụ 18 cựu binh nước này bị bắt trong âm mưu ám sát cố Tổng thống Moise mở ra cuộc tranh luận về cách Colombia đối xử với những người từng phục vụ trong quân ngũ. Lính đánh thuê có thể xem là "sản phẩm" của cuộc xung đột kéo dài 73 năm, được đào tạo trong nền quân đội lớn thứ hai Mỹ Latin.
Đánh thuê để mưu sinh
Theo Bộ Quốc phòng Colombia, mỗi năm có khoảng 10.000 quân nhân rời quân ngũ, nhưng phần lớn là những người có cấp bậc thấp với đồng lương ít ỏi, ít học, một số thậm chí mù chữ. Những người này gần như không có cơ hội tìm được công việc trong nước.
Khi cơ hội trong nước không có, hàng nghìn người tìm kiếm việc làm ở nước ngoài. Trong thập kỷ qua, những cựu binh Colombia trở thành bộ phận quan trọng trong ngành công nghiệp lính đánh thuê toàn cầu - một lĩnh vực đang phát triển mạnh, nhưng ít chịu sự quản lý.
Những lính đánh thuê và súng ống bị bắt sau vụ ám sát tổng thống Haiti. Ảnh: AP. |
Các chuyên gia cho biết với nguồn cung nhân lực lớn, kinh nghiệm và sẵn sàng làm việc cùng mức lương tương đối thấp, khiến lính đánh thuê Colombia trở nên có giá trị đặc biệt.
“Chúng tôi là những cỗ máy chiến tranh. Đó là những gì chúng tôi được huấn luyện. Chúng tôi không biết phải làm gì ngoài điều đó”, Isaias Suache, 44 tuổi, một cựu biệt kích và là người đứng đầu hiệp hội cựu chiến binh Colombia, nói.
Khoảng 20 cựu lính đặc nhiệm Colombia đã đến Haiti vào đầu năm, sau khi một đồng nghiệp hứa cung cấp cho họ công việc ở một công ty an ninh với mức lương 2.700 USD/tháng, gấp gần 7 lần mức lương hưu 400 USD/tháng mà họ nhận được.
Giáo sư Sean McFate, một chuyên gia về ngành lính đánh thuê tại Đại học Georgetown, Mỹ cho biết trong thập kỷ qua, sự bất mãn của các cựu binh Colombia diễn ra đúng lúc nhu cầu về bảo vệ cá nhân gia tăng trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là ở Trung Đông.
Những năm gần đây, cựu binh Colombia đến Iraq, Afghanistan để làm việc cho các nhà thầu tư nhân Mỹ. Họ cũng đến Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), tham gia các hoạt động can thiệp quân sự vào Yemen.
Nhưng những gì xảy ra ở Haiti vẫn còn rất mơ hồ. Vợ của cố Tổng thống Moise nói với New York Times rằng những kẻ giết chồng bà nói tiếng Tây Ban Nha (ngôn ngữ chính ở Colombia).
Nhưng người ta vẫn chưa rõ có bao nhiêu cựu binh Colombia tham gia vào vụ ám sát. Cuộc điều tra về phía Haiti bị cản trở bởi nhiều lý do, khiến nhiều người ở Haiti cũng như ở Colombia lo ngại sự thật sẽ không bao giờ được phơi bày.
Thiếu chính sách hỗ trợ cựu binh
Các quan chức Colombia miêu tả quyết định đến Haiti của các cựu binh là lựa chọn cá nhân với hậu quả bi thảm. Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Colombia Diego Molano thừa nhận việc thiếu cơ hội việc làm trong nước có thể là cái cớ dẫn đến hành động phạm tội.
Nhưng trong vài tuần kể từ khi vụ ám sát xảy ra, các cựu binh Colombia kêu gọi đất nước xem xét lại cách đối xử với cựu binh, đồng thời nghiên cứu lý do tại sao nhiều người lại lựa chọn ra nước ngoài sau khi xuất ngũ.
Nhiều cựu binh Colombia tham gia vào lực lượng lính đánh thuê trên toàn cầu, đặc biệt là ở Trung Đông. Ảnh minh họa: AP. |
Một số cựu binh và chuyên gia an ninh cho rằng sự bất mãn của những người lính mở ra cánh cửa cho những kẻ muốn thuê họ với ý đồ xấu, có khả năng đe dọa đến an ninh toàn cầu.
Bất chấp thỏa thuận hòa bình năm 2016 giữa chính phủ Colombia và nhóm phiến quân lớn nhất đất nước, cuộc xung đột không có dấu hiệu kết thúc. Ngày nay, quân đội vẫn đang đào tạo và triển khai một thế hệ binh sĩ mới, để chống lại cả phe cũ và phe mới trong cuộc nội chiến.
Một số cựu chiến binh cảnh báo nếu cơ hội ở quê nhà không được cải thiện, những người lính sau khi xuất ngũ sẽ được đưa ngay vào ngành công nghiệp lính đánh thuê toàn cầu ngày càng phát triển. Từ đó có thể dẫn đến nhiều hoạt động gây bất ổn hơn trên khắp thế giới.
“Hãy ủng hộ chúng tôi, hãy giúp chúng tôi để mọi người quan tâm đến tương lai của chúng tôi”, Raul Musse, 50 tuổi, người đứng đầu một hiệp hội cựu chiến binh Colombia khác nói.
Cuộc nội chiến hiện tại ở Colombia bùng phát với vụ ám sát ứng viên tổng thống cánh tả năm 1948. Theo thời gian, cuộc xung đột phát triển thành cuộc chiến phức tạp giữa chính phủ, quân nổi dậy cánh tả, quân đội cánh hữu và các tổ chức buôn lậu ma túy.
Lính đặc nhiệm Colombia trong một cuộc duyệt binh ở thủ đô Bogota. Ảnh: Limacharlienews. |
Trong khi đó, Colombia nhận được hàng tỷ USD hỗ trợ quân sự từ Mỹ.
Phần lớn cuộc chiến do các quân nhân cấp bậc thấp đảm nhận. Họ là những người đến từ tầng lớp lao động và nông dân tham gia chiến đấu. Họ thường nghỉ hưu vào tuổi 40, sau 20 năm phục vụ. Nhiều người nói họ được cung cấp rất ít các điều kiện cơ bản để trở lại cuộc sống đời thường.
Họ nhận được khoản lương hưu khoảng 400 USD/tháng. Mức lương này không đủ để sinh sống tại các thành phố như thủ đô Bogota. Trong khi đó, các chương trình đào tạo và hỗ trợ tìm kiếm việc làm sau xuất ngũ rất ít ỏi.
Nhiều người sau khi mất đi khoản thu nhập chính trong quân đội đã lâm vào cảnh nợ nần để trang trải cuộc sống cho gia đình họ.
Luật cựu chiến binh năm 2019, được sự ủng hộ của Tổng thống Ivan Duque nhằm gia tăng sự hỗ trợ cho các cựu binh, đề xuất xây dựng quỹ tín dụng cho những người lính muốn tham gia các lớp học cao hơn và những lợi ích khác sau khi xuất ngũ.
Tuy vậy, nhiều cựu binh nói họ cần nhiều hơn thế. Một số rời quân ngũ mà không biết đọc, biết viết. Những người khác thiếu các kỹ năng cơ bản về máy tính.
Vụ việc ở Haiti và sự tập trung vào sự tham gia của các cựu binh Colombia diễn ra vào thời điểm đặc biệt phức tạp đối với các cựu binh. Sự ủng hộ của công chúng dành cho quân đội đang ở mức thấp kỷ lục, sau vụ bê bối giết hại hàng nghìn thường dân vào năm 2000.
Bên cạnh đó, các cựu binh đối mặt với môi trường làm việc ngày càng khó khăn. Nền kinh tế đất nước đang gặp khó bởi đại dịch Covid-19. UAE dừng can thiệp vào Yemen khiến nhu cầu lính đánh thuê từ Colombia sụt giảm theo.
Vì vậy, khi có cơ hội ở Haiti, những cựu binh nhảy vào cuộc chiến. Nhiều người lên đường mà không biết họ sẽ làm việc ở quốc gia nào, đang làm việc cho ai, trong bao lâu, và nhiệm vụ cụ thể của họ là gì.