Sau khi chiếc Boeing 737-800 của hãng China Eastern trên bầu trời tỉnh Quảng Tây, ngày 23/3, đội tìm kiếm với hơn 2.000 người đã phát hiện một trong hai chiếc hộp đen trong tình trạng vỏ bên ngoài hư hỏng nặng.
Tuy nhiên, thiết bị lưu trữ dữ liệu bên trong có vẻ tương đối lành lặn, bất chấp việc máy bay đâm vào mặt đất ở tốc độ gần đạt vận tốc âm thanh.
Chiếc hộp đen của MU5735 trên tay người của đội cứu hộ hôm 23/3. Ảnh: Paper. |
“Hộp đen” là gì?
Hộp đen được dùng để chỉ hai thiết bị ghi chép được lắp đặt trên máy bay. Một chiếc là máy ghi âm buồng lái (CVR), được lắp tại cuối khoang hàng hóa và ghi âm bốn kênh âm thanh, bao gồm kênh của cơ trưởng, cơ phó, kênh dự phòng và kênh âm thanh xung quanh.
Hộp đen còn lại là thiết bị ghi chép dữ liệu (FDR), được lắp tại cuối khoang hành khách. Khi máy bay khởi hành, FDR sẽ bắt đầu ghi chép khoảng 1.000 thông số như độ cao, tốc độ, phương hướng… của chuyến bay.
Tuy có tên là hộp đen, những thiết bị ghi chép này thường có hình trụ tròn và mang màu cam. Cái tên “hộp đen” hiện không rõ xuất xứ nhưng một số người cho rằng đây có thể bắt nguồn từ thiết kế ban đầu của thiết bị này vào thập niên 1950.
Ngày nay, hộp đen thường được sơn màu cam huỳnh quang bắt mắt giống màu áo bảo hộ công trường hoặc màu cọc tiêu giao thông. Công dụng là để giúp đội cứu hộ dễ thấy hộp đen hơn trong đống đổ nát, bùn, nước hoặc các hoàn cảnh khác.
Hộp đen có thể chịu được va chạm mạnh?
Hộp đen có được thiết kế rất chắc chắn để có thể chống chịu nhiều loại va chạm. Vỏ hộp đen được làm từ thép không gỉ hoặc titan, bên trong được bọc cách nhiệt. Thiết bị này có thể chống sốc, lửa và nước. Nếu bị nhấn chìm trong nước, hộp đen có thể phát ra tín hiệu định vị.
Hộp đen thường được lắp đặt ở cuối máy bay vì đây là nơi ít có khả năng bị thiệt hại nhất trong trường hợp va chạm.
Do có thiết kế chắc chắn như vậy, hộp đen thường là bộ phận duy nhất còn nguyên vẹn mà có thể được thu hồi, theo South China Morning Post. Nó có thể cung cấp thông tin quý giá về những gì đã xảy ra ngay trước khi máy bay rơi, cũng như cách cải thiện an toàn chuyến bay trong tương lai.
Năm 2018, chuyến bay JT610 của hãng Lion Air rơi ở Indonesia. Lực va chạm mạnh đến mức một phần hộp đen bị vỡ tung nhưng bộ nhớ bên trong vẫn lành lặn.
Dù vậy, hộp đen không phải thứ không thể bị phá hủy.
Tuy đội tìm kiếm thu hồi được cả hai hộp đen trên chuyến bay số 77 của hãng American Airlines - chuyến bay bị phần tử khủng bố khống chế và đâm vào Lầu Năm Góc trong vụ tấn công ngày 11/9/2001, hộp đen ghi âm buồng lái bị hư hại nặng.
Phần lớn cuộn băng ghi âm đã “quyện thành một khối nhựa cháy đặc”, theo báo cáo điều tra. Chuyên viên không thể trích xuất đoạn ghi âm có thể dùng được.
Trả lời đài Beijing Traffic hôm 23/3, Vương Á Nam, Chủ biên tạp chí Tri thức Hàng không của Trung Quốc, cho rằng không khó để phát hiện hộp đen vì phần vụn của máy bay nằm ở trong khu vực đã biết.
Theo ông Vương, lo ngại lớn nhất là liệu dữ liệu có nguyên vẹn hay không sau khi trải qua trận cháy lớn phát sinh từ vụ va chạm.
Chuyện gì xảy ra sau khi thu hồi được hộp đen?
Sau khi đánh giá tình trạng của hộp đen, kỹ thuật viên sẽ tải và sao chép các tệp dữ liệu và tệp âm thanh còn nguyên vẹn.
Sau đó, điều tra viên sẽ nghe lại băng ghi âm từ máy ghi âm buồng lái - thường có thời lượng hai tiếng - để xác định liệu phi công có biết được điều bất thường hay không, họ đã ra quyết định gì trước vụ va chạm và liệu động cơ có tiếng lạ hay không.
Điều tra viên cũng có thể sử dụng các công cụ như máy phân tích quang phổ để phân tích những âm thanh bất thường mà tai người không thể nghe được. Đồng thời, chuyên viên phân tích sẽ phải rà soát tới 25 tiếng dữ liệu với hàng nghìn thông số từ hộp đen ghi chép dữ liệu.
Trong trường hợp lý tưởng, thông tin từ cả hai hộp đen có thể được dùng để chắp nối lại toàn cảnh sự cố.
Sau vụ máy bay Lion Air rơi tại Indonesia vào năm 2018 nói trên, dữ liệu chuyến bay cho thấy máy bay gặp vấn đề về tốc độ và độ cao. Băng ghi âm buồng lái cho thấy trong lúc máy bay rơi, các phi công đang lật giở sổ tay để tìm kiếm đúng nội dung.
Những dữ kiện trên làm dấy lên nghi vấn một phần nguyên nhân gây ra vụ tai nạn năm 2018 là sự thiếu đào tạo xử trí tình huống khẩn cấp.
Một số kết quả sẽ được công bố chỉ trong vài ngày sau khi tìm được hộp đen nhưng công tác phân tích cụ thể sẽ kéo dài hơn. Chẳng hạn, nhà chức trách Lebanon phải mất hai năm mới công bố kết quả điều tra vào vụ rơi máy bay năm 2010 của chuyến bay ET409 thuộc hãng Ethiopian Airlines.
Thành viên Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, trong đó có Trung Quốc, có nghĩa vụ trình báo cáo sơ bộ và công khai cho tổ chức này trong 30 ngày kể từ vụ việc, bao gồm kết luận từ dữ liệu hộp đen nếu có.
Nếu có thể, họ cũng phải trình báo cáo cuối cùng và công khai trong vòng 12 tháng, hoặc đưa ra bản cập nhật điều tra tạm thời vào mỗi dịp kỷ niệm sự kiện.