Hôm 15/6, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thông báo nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Như vậy, lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện nằm trong khoảng 1,5-1,75%.
Đến tuần trước, giới quan sát vẫn dự báo FED nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Nhưng lạm phát tháng 5 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 41 năm, kéo tụt niềm tin của người tiêu dùng, buộc FED phải hành động mạnh tay hơn.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ thực hiện thêm nhiều đợt nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Ảnh: Reuters. |
Rủi ro suy thoái
Theo giới quan sát, FED cần thắt chặt điều kiện kinh tế để hạ nhiệt lạm phát. Nói với Zing, ông Craig Erlam - chuyên gia tài chính có trụ sở ở London - cho rằng các thị trường đã lường trước việc lãi suất chuẩn được nâng 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6 và tháng 7, tiến tới mức lãi suất 3,5-3,75% vào cuối năm. "Một số thậm chí còn cho rằng FED sẽ nâng lãi suất 100 điểm cơ bản", ông nói thêm.
"Thông điệp mà FED gửi đi rất rõ ràng. Cơ quan này sẽ thực hiện thêm nhiều đợt nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Việc 'hạ cánh an toàn' rất khó xảy ra", ông Erlam nhận định.
Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 6, bà Anna Wong - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Bloomberg - dự báo khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2022 là 25%, nhưng tỉ lệ này có thể lên tới 75% vào năm 2023.
Việc FED nâng lãi suất đồng nghĩa với việc người Mỹ sẽ không được hưởng mức lãi suất thấp kỷ lục khi vay mua nhà hay ôtô.
Khi đại dịch bùng phát, FED đã hạ lãi suất xuống gần 0 để khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp chi tiêu. Ngân hàng trung ương Mỹ cũng bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế thông qua chương trình nới lỏng định lượng.
Vào thời điểm thị trường tín dụng đóng băng vào tháng 3/2020, FED tung ra các chương trình tín dụng khẩn cấp nhằm tránh suy thoái tài chính.
Giới quan sát cho rằng lãi suất có thể được nâng lên khoảng 3,25-3,5% vào cuối năm. Ảnh: Reuters. |
Các hành động của FED đã phát huy tác dụng. Không có cuộc khủng hoảng tài chính nào xảy ra vì Covid-19. Vaccine ngừa Covid-19 và những gói chi tiêu lớn của Quốc hội Mỹ cũng mở đường cho đà phục hồi nhanh chóng.
Nhưng những biện pháp khẩn cấp của FED đã góp phần vào đà phát triển quá nóng của kinh tế Mỹ ở thời điểm hiện tại. Đáng nói, chúng cũng không được loại bỏ kịp thời.
Theo số liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 5 của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/1981.
Câu hỏi đặt ra là FED sẽ nâng lãi suất tới mức nào. Đội ngũ chuyên gia của Goldman Sachs hiện cho rằng FED sẽ nâng lãi suất cơ bản 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6 và tháng 7. Đến tháng 9, cơ quan này có thể tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, và thu hẹp mức tăng còn 0,25 điểm phần trăm trong tháng 11 và tháng 12.
Như vậy, lãi suất có thể được nâng lên khoảng 3,25-3,5% vào cuối năm.
FED từng tăng lãi suất lên 2,37% vào đỉnh của chu kỳ tăng lãi suất gần nhất hồi năm 2018. Trước cuộc Đại suy thoái năm 2007-2009, lãi suất của FED đạt 5,25%.
Trong những năm 1980, dưới sự điều hành của ông Paul Volcker, FED đã nâng lãi suất lên mức chưa từng có để đối phó với lạm phát. Vào tháng 7/1981, lãi suất đạt 22%. Tuy nhiên, theo CNN, tác động của lãi suất đi lên sẽ phụ thuộc vào tốc độ tăng lãi suất của FED.
Tác động toàn cầu
Theo CNBC, việc FED phản ứng quyết liệt hơn sẽ tạo ra những tác động gợn sóng trên toàn cầu. "Ở một khía cạnh nào đó, FED là ngân hàng trung ương của thế giới và có thể gây ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu", bà Kristina Hooper - chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco - nhận định.
Bà Hooper vẫn hy vọng rằng Mỹ có thể tránh được một cuộc suy thoái và "hạ cánh an toàn". Nhưng bà thừa nhận rằng kinh tế Mỹ đang có xu hướng giảm tốc đáng kể. "Phải thừa nhận rằng rất khó hạ nhiệt lạm phát vừa đủ để không gây ra suy thoái", vị chuyên gia nhận định.
Còn nhà kinh tế Kenneth Rogoff cho rằng cuộc suy thoái của Mỹ, nhất là nếu được gây ra bởi tăng lãi suất, sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu thế giới lao dốc và tàn phá thị trường tài chính.
Ở một khía cạnh nào đó, FED là ngân hàng trung ương của thế giới và có thể gây ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu
Bà Kristina Hooper, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) xác nhận ý định nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7. Lãi suất cũng sẽ được tăng thêm vào tháng 9. Nhưng hôm 15/6, ECB đã tổ chức một cuộc họp chính sách tiền tệ khẩn cấp.
"Việc ECB họp đột xuất trước khi FED đưa ra thông báo là rất đáng chú ý", Giám đốc đầu tư Stephane Monier tại Banque Lombard Odier nhận định.
Việc đồng USD đi lên và đồng EUR yếu đi sẽ khiến giới chức châu Âu lo ngại. Còn theo ông Geoffrey Yu - chiến lược gia thị trường tại BNY Mellon, FED nâng lãi suất có thể giúp các ngân hàng trung ương ở châu Âu, Thụy Sĩ và Nhật Bản có thêm dư địa thắt chặt chính sách để hỗ trợ tiền tệ.
Theo ông Guy Stear - Trưởng bộ phận Nghiên cứu tín dụng và Thị trường mới nổi tại Societe Generale, ngoài suy thoái kinh tế toàn cầu, việc FED nâng lãi suất cũng làm dấy lên lo ngại về lợi nhuận doanh nghiệp lao dốc.
Nói với CNBC, ông Stear cho rằng xu hướng tăng của lợi nhuận doanh nghiệp trên GDP đã "gần kết thúc" bởi quá trình phi toàn cầu hóa, chi phí năng lượng và đầu vào tăng cao, tình trạng mất cân bằng trên thị trường lao động.
Cùng với những thách thức trong chuỗi cung ứng, chi phí tăng cao do hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine, tình trạng phân hóa địa chính trị, lãi suất tăng cao có thể là mối đe dọa lớn đối với doanh nghiệp. "Tôi cho rằng bất kể triển vọng kinh tế ra sao, khả năng lợi nhuận của doanh nghiệp lao dốc sẽ lớn hơn rất nhiều", ông Stear cảnh báo.