Trả lời CNBC, ông Larry Kudlow - Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ - nói: "Nếu cần thiết, Mỹ sẽ đối xử với Hong Kong giống như cách đối xử với Trung Quốc, và điều đó sẽ tác động trực tiếp đến thuế".
Với nền kinh tế tự do và chính sách thuế cạnh tranh, Hong Kong là một trong những trung tâm tài chính quan trọng nhất thế giới, thu hút vô số công ty đa quốc gia. Đây cũng là một trung tâm thương mại quan trọng. Tuy nhiên, tất cả sẽ đảo lộn nếu Mỹ thay đổi cách ứng xử với đặc khu thương mại này.
Trong nhiều năm qua, Hong Kong hưởng lợi từ quan hệ thương mại đặc biệt với Mỹ. Đặc khu này độc lập về hải quan với Trung Quốc đại lục, sở hữu một cảng biển tự do, có nghĩa là hàng hóa xuất nhập khẩu không bị đánh thuế.
Các điều kiện đó giúp biến Hong Kong thành trung tâm thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, khi Mỹ đối xử với Hong Kong tương tự như với Trung Quốc đại lục, hàng hóa đặc khu này sẽ bị đánh thuế, bao gồm cả thuế trừng phạt xuất phát từ thương chiến Mỹ - Trung.
Hàng hóa Hong Kong sẽ chịu thuế như Trung Quốc đại lục nếu Mỹ hủy bỏ cơ chế ưu đãi thương mại. Ảnh: SCMP. |
"Hong Kong có quan hệ thương mại đặc biệt với nhiều loại thuế và quy định, cho phép thành phố giao dịch thương mại tự do, đặc biệt trong các thị trường vốn", BBC News dẫn lời tiến sĩ Rebecca Harding, chuyên gia thương mại của Coriolis Technologies, cho biết.
"Mỹ đối xử với Hong Kong như một đồng minh. Tuy nhiên, giờ Mỹ có thể đối xử với đặc khu này tương tự như với Trung Quốc", tiến sĩ Harding nhấn mạnh.
Năm 2018, Hong Kong có khối lượng giao dịch cao thứ 7 thế giới với tổng giá trị gần 1.200 tỷ USD. Phần lớn số hàng hóa đó đi qua hoặc xuất phát từ Trung Quốc đại lục. Khoảng 8% hàng xuất khẩu của Trung Quốc đại lục sang Mỹ và 6% hàng nhập khẩu vào đại lục từ Mỹ đi qua Hong Kong.
Như vậy, Hong Kong là cửa ngõ kết nối dòng hàng hóa giữa thị trường Trung Quốc và thế giới. Tuy nhiên, các thay đổi về quy chế thương mại sẽ đe dọa vị thế đó.
Tiến sĩ Tim Summers thuộc Chatham House nói: "Quy chế thương mại sẽ buộc các công ty phải tính toán lại. Doanh nghiệp có thể chọn chuyển hàng trực tiếp qua các cảng ở Trung Quốc đại lục. Và thuế tăng đồng nghĩa với giá cả hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp và người tiêu dùng".
Hong Kong là một trong những nền kinh tế tự do nhất thế giới. Ảnh: Reuters. |
Năm 1997, kinh tế Hong Kong chiếm 18% GDP Trung Quốc. Hiện đặc khu này chỉ còn chiếm 2-3% GDP Trung Quốc. "Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi chính sách thương mại với Hong Kong, đặc khu này sẽ lao đao, nhưng đó không phải là đòn chí mạng với Trung Quốc", tiến sĩ Summers nhận định.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng chắc chắn chính quyền Bắc Kinh không muốn Hong Kong đánh mất vị thế trung tâm tài chính toàn cầu. Đặc khu này có khả năng tiếp cận nguồn vốn toàn cầu, do đó rất nhiều công ty Trung Quốc chọn niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong.
Các công ty Trung Quốc đại lục cũng hưởng lợi lớn từ ngành dịch vụ tài chính của Hong Kong. "Thượng Hải và Thâm Quyến cũng có ngành dịch vụ tài chính phát triển. Nhưng chính quyền Bắc Kinh kiểm soát dòng vốn đầu tư ra và vào Trung Quốc, do đó Thượng Hải và Thâm Quyến không thể cạnh tranh với Hong Kong về nguồn vốn quốc tế", cựu giám đốc ngân hàng David Webb giải thích.
Tổng giá trị giao dịch thương mại Mỹ - Hong Kong đạt 67 tỷ USD năm 2018, bao gồm 17 tỷ USD hàng nhập khẩu vào Mỹ. Nếu Hong Kong mất chế độ ưu đãi thương mại, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chi trả nhiều hơn để mua hàng hóa xuất xứ từ thành phố này.