Nếu những nhà leo núi mạo hiểm muốn lên đỉnh Everest 8.848 m trên mực nước biển, họ phải dũng cảm đối đầu với Khu vực tử thần - "The Death Zone", ở độ cao trên 8.000 mét, nơi ít oxy đến nỗi cơ thể chúng ta bắt đầu chết đến từng tế bào.
Đỉnh Everest thiếu hụt oxy trầm trọng. Đã có 11 người chết trên đường lên đỉnh Everest trong tuần qua. Một người leo núi cho biết cảm giác khi ở trên đỉnh Everest như ''chạy trên máy chạy bộ mà thở bằng ống hút''.
Ở mực nước biển, không khí chứa khoảng 21% oxy. Nhưng ở độ cao trên 3.657 m, mức oxy thấp hơn tới 40% gây nhiều nguy hại cho cơ thể.
Những người leo núi gọi độ cao trên 8.000 mét là "Khu vực tử thần". Một vụ tắc đường chết người trên đỉnh Everest khi những người leo núi bị buộc phải chờ đợi trong "vùng tử thần" Ảnh: AP. |
Jeremy Windsor, một bác sĩ leo lên đỉnh Everest vào năm 2007 trong cuộc thám hiểm Caudwell Xtreme Everest, cho biết các mẫu máu lấy từ bốn người leo núi ở Vùng tử thần chỉ có một phần tư lượng oxy cần thiết. "Những bệnh nhân sắp chết cũng có chỉ số oxy trong máu tương tự", Windsor nói.
Việc thiếu oxy dẫn đến vô số rủi ro về sức khỏe. Khi lượng oxy trong máu giảm xuống dưới mức nhất định, nhịp tim của bạn tăng vọt lên tới 140 nhịp mỗi phút, làm tăng nguy cơ đau tim.
Những người leo núi phải cho cơ thể của họ thời gian thích nghi với điều kiện ở dãy Hy Mã Lạp Sơn trước khi cố gắng lên đỉnh Everest. Các đoàn thám hiểm thường thực hiện ít nhất ba chuyến lên núi từ Everest Base Camp (cao hơn gần như mọi ngọn núi ở châu Âu), mỗi lần lên thêm vài trăm mét, trước khi lên tới đỉnh.
Trong nhiều tuần, cơ thể bắt đầu tạo ra nhiều huyết sắc tố (protein trong các tế bào hồng cầu giúp mang oxy từ phổi đến phần còn lại của cơ thể) để bù đắp cho sự thay đổi độ cao. Nhưng quá nhiều huyết sắc tố có thể làm máu đặc lại, khiến tim khó bơm máu đi khắp cơ thể, điều có thể dẫn đến đột quỵ hoặc tích tụ chất lỏng trong phổi.
Người leo cũng có thể bị phù phổi do độ cao (HAPE). Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, cảm giác nghẹt thở xảy ra vào ban đêm, yếu sức và ho dai dẳng ra chất lỏng màu trắng, chảy nước bọt. Đôi khi ho dữ dội đến mức làm họ nứt xương sườn.
Những người leo núi bị HAPE thường hụt hơi, ngay cả khi nghỉ ngơi. Ảnh: Getty Images. |
Một trong những rủi ro lớn khi ở trên đỉnh Everest là việc thiếu lưu thông oxy đến các cơ quan như não. Nếu não của bạn không nhận đủ oxy, nó bắt đầu sưng lên, gây phù não do độ cao (HACE). Sưng não có thể gây ra buồn nôn, khó suy nghĩ và mất khả năng lý luận.
Não bị thiếu oxy làm cho những người leo núi đôi khi quên mất họ đang ở đâu, lâm vào mê sảng mà một số chuyên gia coi là một dạng rối loạn tâm thần do độ cao. Khả năng phán đoán của những người này trở nên suy yếu. Họ làm những điều kỳ lạ như bắt đầu trút bỏ quần áo hoặc nói chuyện với những người bạn tưởng tượng. Ngoài ra còn là chứng ngủ nhiều, mất cơ bắp và giảm cân.
HAPE và HACE gây ra sự thèm ăn nhưng ăn không được. Ánh sáng chói từ tuyết và băng có thể gây chứng mù tuyết, hiện tượng mất thị lực tạm thời hoặc thậm chí làm vỡ các mạch máu trong mắt.
Một số người leo núi bị thương hoặc tử vong do kết quả gián tiếp từ các vấn đề sức khỏe ở độ cao này. Suy yếu về thể chất và suy giảm thị lực có thể dẫn đến tai nạn. Ra quyết định không chính xác do kiệt sức hoặc thiếu oxy, làm người leo quên thắt lại dây an toàn, đi lạc khỏi tuyến đường, hoặc không nhớ sử dụng bình oxy bổ sung.
Những người leo núi lên tới đỉnh trong một ngày có thể sống sót. Nhưng những ai đang bị mắc kẹt phải chờ đợi thêm hàng giờ sẽ có nguy cơ tử vong.
Những người leo núi chỉ có thể ở 20 phút trên đỉnh Everest trước khi phải xuống. Ảnh: Lhakpa Sherpa. |
“Leo núi trong Vùng tử thần là tự hành hạ mình”, David Carte, nhà leo núi Everest và là thành viên thám hiểm NOVA năm 1998 nhận định.
Thông thường, những người leo núi cố gắng dành ít thời gian nhất có thể trong Khu vực tử thần trước khi trở về độ cao an toàn hơn. Họ cố gắng lên tới đỉnh núi trong 1 ngày. Nhưng ách tắc giao thông do ai cũng muốn lên đỉnh đã trở thành nguyên nhân tử vong khó tránh khỏi.
Lhakpa Sherpa, người đã lên tới đỉnh Everest chín lần (nhiều hơn bất kỳ người phụ nữ nào khác trên Trái Đất) cho rằng hành trình leo núi khó nhất không phải việc leo, mà khi cả nhóm đều muốn lên đỉnh.
Để lên đỉnh núi thành công, mọi thứ phải được sắp xếp cẩn thận. Khoảng 10 giờ tối, những người leo núi rời khỏi trạm dừng chân ở độ cao 7.900m, bên rìa Khu vực Tử thần. Đoạn đầu tiên trong hành trình lên đỉnh của họ hoàn toàn chìm trong bóng tối, chỉ có ánh sao và đèn pha.
Ngày 29/5/1953, nhà leo núi người New Zealand Edmund Hillary (trái) cùng Sherpa Tenzing Norgay, người Nepal lần đầu tiên chinh phục đỉnh Everest. Ảnh: Getty Images. |
7 giờ sau, thường thì những người leo núi đã đến đỉnh. Sau thời gian nghỉ ngơi ngắn, các đoàn thám hiểm quay lại, chuyến đi kéo dài 12 giờ kết thúc trước khi màn đêm buông xuống.
Nhưng gần đây, các công ty thám hiểm lưu ý rằng đỉnh núi trở nên quá tải vì những người leo núi tranh giành khoảng thời gian hiếm hoi khi lên đỉnh để chụp hình. Trong khi nhiều người khác bị mắc kẹt và chờ đợi ở Vùng chết trong nhiều giờ, khiến một số người kiệt sức và chết.
Ngày 22/5, khi 250 người leo núi cố gắng lên tới đỉnh, nhiều người leo núi đã phải xếp hàng chờ đợi. Những giờ chờ đợi ngoài dự kiến trong Khu vực tử thần đã làm 11 người không bao giờ còn tự xuống núi được nữa.