Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Điều gì sẽ là di sản lâu dài nhất của ông Trump?

Năm 2020 với thất bại trong ứng phó dịch bệnh, bất ổn dân sự và cuộc nổi loạn tại Điện Capitol sẽ là những gì được nhớ đến sâu sắc nhất về 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.

di san cua tong thong trump anh 1

Đối với các nhà sử học, đánh giá về nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump là một nhiệm vụ không đơn giản. Trong 4 năm này, tin tức thay đổi với tốc độ chóng mặt, và càng đến những ngày cuối, hệ quả mà nhiệm kỳ của ông Trump để lại cho không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới lại càng trở nên khó đoán.

Nhiều sử gia có chung nhận định năm 2020 sẽ được nhớ tới nhiều nhất khi nhắc đến di sản của Tổng thống Trump, thay vì giai đoạn 2017-2019.

Điều này dễ hiểu bởi 2020 gắn liền với những vật lộn của Washington trong đối phó đại dịch Covid-19, bất ổn dân sự khắp cả nước vì vấn đề chủng tộc, cáo buộc gian lận bầu cử, và kết thúc với vụ tấn công Điện Capitol - trụ sở Quốc hội Mỹ.

Sự khác thường của ông Trump

"Tôi là kiểu tổng thống khác", Tổng thống Trump từng tự miêu tả bản thân khi so sánh với những người tiền nhiệm.

Ông Trump có phong cách giao thiệp rất khác so với các tổng thống Mỹ. Người ta thường xuyên chứng kiến ông có những bài nói chuyện tự do, không chuẩn bị trước, và không chính thống.

Ông chủ Nhà Trắng sẵn sàng công kích cá nhân và lặp đi lặp lại chỉ trích với người mà ông không vừa mắt.

Twitter là một trong những công cụ ông Trump sử dụng để điều hành chính phủ và ban bố các chỉ thị. Đây cũng là chiếc "loa phóng thanh" giúp ông Trump phủ sóng tới cử tri và tung ra những cáo buộc đôi khi sai sự thật.

di san cua tong thong trump anh 2

Tổng thống Trump tháo khẩu trang sau khi trở về từ bệnh viện Walter Reed hồi tháng 10/2020. Ảnh: Getty.

"Ông ấy khuếch đại những cuộc chiến văn hóa, chia rẽ chủng tộc, kích động chủ nghĩa cực đoan cánh hữu", CNN bình luận.

Nếu đưa ra phán quyết khiến Tổng thống Trump không vừa lòng, các thẩm phán có nguy cơ trở thành đối tượng chỉ trích. Ông Trump cũng xem thường báo cáo từ các cơ quan tình báo của chính phủ, công kích chính các thành viên trong nội các.

Mới đây, Tổng thống Trump cũng ban hành một chỉ thị giúp ông dễ dàng loại bỏ các quan chức liên bang "khó bảo", thay thế họ bằng các chính trị gia trung thành.

"Di sản của ông Trump là một đất nước chia rẽ, với những thiết chế đã tổn hại", nhà sử học Timothy Naftali nói.

Khủng hoảng tồi tệ

Đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng tới các phân tích nhất thời về ông Trump, nó sẽ định hình lâu dài cách người ta nhìn nhận về tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, nhà sử học Jeff Engel nhận xét.

"Nếu là trước đại dịch, tôi có lẽ sẽ nói rất nhiều về cắt giảm thuế, bãi bỏ thủ tục hành chính, hay thậm chí vấn đề nhập cư. Nhưng rồi đại dịch tràn qua. Những gì ông ấy làm trong năm nay đã chôn vùi mọi thành tựu của 3 năm trước", Julian Zelizer, giáo sư sử học và quan hệ công chúng tại Đại học Princeton, nói.

Một cuộc khủng hoảng y tế hẳn là thách thức cho mọi tổng thống Mỹ. Nhưng cách Tổng thống Trump phản ứng với Covid-19 khiến nhiều người sửng sốt.

Ông Trump coi thường dịch bệnh, cổ súy những phương pháp điều trị không có cơ sở, phớt lờ các khuyến cáo y tế, gạt các chuyên gia y tế của chính phủ sang một bên, và chính trị hóa việc sử dụng khẩu trang.

Chính phủ của Tổng thống Trump đã rất khẩn trương phát triển vaccine Covid-19, và không thể phủ nhận vaccine đã được nghiên cứu thành công trong thời gian ngắn kỷ lục.

Chỉ có điều, chương trình phát triển vaccine Operation Warp Speed đã không kịp đáp ứng kỳ vọng về thời gian của Tổng thống Trump. Loại vaccine đầu tiên do một công ty Mỹ tham gia phát triển, thuộc về Pfizer-BioNTech, được công bố 1 tuần sau ngày tổng tuyển cử.

Các nhà sử học cho rằng Tổng thống Trump đã có cơ hội vượt qua thách thức mà đại dịch Covid-19 mang lại, thay đổi toàn bộ câu chuyện về nhiệm kỳ của mình. Ông Trump đã có thể là "tổng thống vĩ đại trong thời kỳ khủng hoảng tồi tệ".

Khi dịch bệnh ập đến, điều nước Mỹ cần là hành động kiểu như khi Tổng thống George W. Bush, đứng trên đống đổ nát của vụ khủng bố 11/9, phát động cuộc chiến tổng lực chống lại chủ nghĩa khủng bố. Nhưng ông Trump đã bỏ lỡ cơ hội của chính mình.

"Tổng thống Trump nắm trong tay nguồn lực to lớn, sức mạnh của chính quyền liên bang và tất cả nhà khoa học làm việc ở các cơ quan chính phủ. Đến bây giờ, chúng ta đã biết ông Trump đã không cho công chúng biết về mối đe dọa của dịch bệnh", Stef Feldman, giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Biden, từng nhận xét.

Ngày "định đoạt" 6/1

Laura Belmonte, giáo sư sử học thuộc Đại học Công nghệ Virginia, cho rằng di sản của Tổng thống Trump sẽ bị chôn vùi theo cách ông từ chối thừa nhận thất bại, tung ra cáo buộc sai sự thật nhắm vào quy trình bầu cử của nước Mỹ.

Đỉnh điểm của cuộc bầu cử hỗn loạn là sự kiện ngày 6/1, khi người biểu tình ủng hộ ông Trump xông vào Điện Capitol. Tổng thống Trump bị cáo buộc đã kích động vụ nổi loạn.

"Những hình ảnh đó sẽ còn mãi, để lại vết thương cho nền dân chủ của chúng ta, đồng thời định hình vĩnh viễn kỷ nguyên của Trump", bà Belmonte nói.

Kathryn Brownell, phó giáo sư thuộc Đại học Purdue, cho rằng vụ hỗn loạn hôm 6/1 là hậu quả sau 4 năm ông Trump xem nhẹ pháp luật và các chuẩn mực hành xử mà tổng thống Mỹ cần có.

"Vụ tấn công hé lộ mức độ mà ở đó chương sử đen tối và bạo lực của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng tiếp tục đe dọa nền dân chủ của chúng ta, điều mà các sử gia đã nhiều lần cảnh báo, không phải chỉ trong tuần trước, mà trong suốt 5 năm đã qua", bà Brownell nói.

Một tuần sau vụ tấn công Điện Capitol, Hạ viện Mỹ bỏ phiếu luận tội Tổng thống Trump vì kích động nổi loạn. Ông Trump trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ bị luận tội hai lần.

di san cua tong thong trump anh 3

Tổng thống Trump cầm trên tay kinh thánh tại bên ngoài nhà thờ St John's Episcopal ở thủ đô Washington. Ảnh: Getty.

Phá vỡ các chuẩn mực

Giới sử gia nhận định Tổng thống Trump đã phá vỡ các chuẩn mực dành cho tổng thống cũng như chính giới Mỹ theo nhiều cách.

Sử gia Belmonte cho rằng ông Trump không đạt được thành tựu hành pháp "dấu ấn" nào, nếu so sánh với Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền của Tổng thống Obama, hay Đạo luật Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau của Tổng thống Bush "con".

Sử gia H.W. Brands nhận xét hiện còn quá sớm để đánh giá đâu sẽ là di sản lâu dài nhất của ông Trump. Tuy nhiên, "nếu ông Trump tái đắc cử, những sự khác thường của ông ấy có lẽ sẽ trở thành chuẩn mực mới", ông Brands nói.

"Ông Trump làm suy yếu lòng tin của các quốc gia vào sự lãnh đạo của Mỹ, nhưng lòng tin là thứ có thể khôi phục. Ông ấy thách thức tính chính danh của cuộc bầu cử, nhưng cuộc bầu cử đã diễn ra, phiếu bầu được kiểm, và người chiến thắng sẽ trở thành tổng thống kế tiếp", ông Brands bình luận.

Trong khi đó, một trong những di sản sẽ hiện diện lâu dài chính là việc ông Trump góp phần định hình thế đa số vững chắc của phe bảo thủ tại Tòa án Tối cao. Ông Trump đã bổ nhiệm 3 trong tổng số 9 thẩm phán của Tòa án Tối cao, mới nhất là bà Amy Coney Barrett hồi tháng 10/2020. Tại Mỹ, các thẩm phán sẽ có nhiệm kỳ trọn đời.

Di sản đối ngoại

Trên mặt trận đối ngoại, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã "thức tỉnh" trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cứng rắn với Trung Quốc là một trong số ít các chính sách được lưỡng đảng ủng hộ.

Ông Trump thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình ở Trung Đông. Hiệp định hòa bình giữa Israel với 4 nước Arab là điểm nhấn thành công trong năm 2020 của chính quyền Trump.

Tổng thống Trump cũng rút quân đội Mỹ khỏi Iraq, Afghanistan và Syria, hoàn thành một trong những lời hứa tranh cử năm 2016.

Mặc dù vậy, ông Trump cũng gây tranh cãi khi rút Mỹ khỏi nhiều tổ chức quốc tế, từ bỏ cam kết tại các thiết chế đa phương như Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, hay thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.

Quan hệ giữa Mỹ và một số đồng minh sứt mẻ xoay quanh vấn đề ngân sách quốc phòng và chi phí đồn trú quân Mỹ ở nước ngoài, điều bị phe Dân chủ chỉ trích là làm suy yếu hệ thống đồng minh toàn cầu của Washington.

Sử gia Naftali cho rằng ông Trump không để lại một học thuyết hay cấu trúc về đối ngoại để chính quyền sau có thể tiếp nối.

Trong khi Nhà Trắng tuyên bố học thuyết của Tổng thống Trump là "thất bại cho chủ nghĩa khủng bố, chiến thắng cho hòa bình", một số chuyên gia đánh giá chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump gây tổn hại cho vị thế toàn cầu của Mỹ.

"Người dân trong nước cũng như cộng đồng quốc tế đã mất niềm tin vào nước Mỹ, vào các thể chế dân chủ và cuộc bầu cử của chúng ta. Đó là di sản tồi tệ nhất, bởi sẽ cần nhiều thập kỷ để niềm tin được khôi phục", sử gia Lindsay Chervinsky bình luận.

di san cua tong thong trump anh 4

Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: Getty.

Đảng Cộng hòa của ông Trump

Một phần trong di sản mà ông Trump để lại đó là vị trí của đảng Cộng hòa trong năm 2020. Hành động của Tổng thống Trump, đặc biệt trong thời gian sau bầu cử, đã hé lộ những nội tình gây tranh cãi và đôi khi đem tới thiệt hại không thể khắc phục cho đảng Cộng hòa.

Để đánh giá di sản của Tổng thống Trump, các sử gia sẽ phải quay lại câu hỏi làm thế nào ông Trump duy trì sự ủng hộ từ đảng Cộng hòa cũng như các cử tri trung thành bất chấp những hành động và phát ngôn gây tranh cãi.

"Đâu là lý do đằng sau sự trung thành mạnh mẽ như vậy dành cho tổng thống, bất kể ông ấy làm gì chăng nữa? Đó là điều sẽ cần nhiều năm để tìm ra", sử gia Belmonte nói.

Di sản của Tổng thống Trump cũng sẽ được đánh giá qua đường hướng đảng Cộng hòa lựa chọn sau khi ông Trump rời khỏi vũ đài chính trị, cũng như cách mà đảng này tự cải tổ.

Các cuộc bầu cử là nơi để đánh giá uy tín của một tổng thống. Bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 và bầu cử tổng thống sơ bộ năm 2024 sẽ cho thấy di sản của Tổng thống Trump trong mắt cử tri cũng như đảng Cộng hòa.

Vai trò và ảnh hưởng chính trị của Tổng thống Trump cũng sẽ phụ thuộc vào số chính trị gia trẻ đi theo con đường của ông để giành lấy quyền lực. Đó là loại di sản mà hiện nay người ta chưa thể đánh giá, sử gia Naftali nói.

Ngay lúc này, các ứng viên tiềm năng của đảng Cộng hòa cho cuộc chạy đua năm 2024 đã bắt đầu xuất hiện, một số người hy vọng có thể thừa hướng khối cử tri trung thành của Tổng thống Trump.

Bà Melania nói lời chia tay Đệ nhất Phu nhân Mỹ Melania Trump vừa có bài phát biểu qua video để chia tay người dân. Bà sẽ rời Nhà Trắng cùng chồng vào sáng 20/1.

Miền đất hứa của ông Trump sau khi rời Nhà Trắng

Florida dành sự chào đón nồng nhiệt cho ông Trump dù không ít cư dân ở Palm Beach đã thể hiện sự tức giận trước viễn cảnh gia đình tổng thống chuyển về đây định cư.

Lộ diện 'người kế vị' bà Angela Merkel

Ông Armin Laschet đã được bầu làm lãnh đạo đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, qua đó nhiều khả năng sẽ kế nhiệm bà Angela Merkel trên cương vị thủ tướng Đức.

FBI kiểm tra lý lịch toàn bộ 25.000 vệ binh bảo vệ lễ nhậm chức

Do lo ngại an ninh, Cục Điều tra Liên bang (FBI) phải kiểm tra lý lịch toàn bộ 25.000 lính vệ binh sẽ tới thủ đô để bảo vệ lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử Joe Biden ngày 20/1.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm