Đội kị binh của Thành Cát Tư Hãn rất thiện chiến, điều này giúp quân đội của ông giành nhiều thắng lợi. Ảnh: Mongolia. |
[...]
Các nhà nghiên cứu về Thành Cát Tư Hãn đã nói rất nhiều về cách tổ chức quân sự tinh vi của ông: ông mang tới cho thuộc hạ một hệ thống “binh nghiệp trọng tài năng” và sự phân chia quân đội rất hợp logic thành những đơn vị mười (thập hộ), trăm (bách hộ) và nghìn (thiên hộ) - cuối cùng có tới chín mươi lăm “thiên hộ” - đã đi trước tổ chức quân đội của phương Tây hiện đại vốn sẽ phân chia quân đội thành các tiểu đội phụ thuộc đại đội và đại đội phụ thuộc trung đoàn[1].
Tất cả những điều này hiển nhiên là quan trọng; bằng cách chỉ định người chỉ huy không phải dựa trên huyết thống, trừ phi có liên quan đến thân tộc của ông, mà dựa trên năng lực, ông đã đoạn tuyệt với chủ nghĩa bộ lạc. Dù vậy, những sự cách tân này chỉ có tính nội bộ trong một sắc dân nhỏ bé, hoàn toàn không có số lượng cần thiết để áp đảo số dân lớn hơn hàng trăm lần.
Không một sắc dân du mục nào ở thảo nguyên có dân số đông hơn vài trăm nghìn, nhưng phạm vi những cuộc chinh phục của họ không thể sánh được với quy mô chinh phục của người Mông Cổ và dường như là dù có được tổ chức tốt hơn đi nữa thì hẳn họ cũng ít có khả năng sánh ngang được với người Mông Cổ trong chiến trận. Ở đây còn có tác động của những yếu tố khác.
Công nghệ vượt trội lại không nằm trong các yếu tố đó. Người Mông Cổ - cũng giống như người Hung, người Thổ và giới quý tộc Trung Hoa đều duy trì tình yêu đối với loài ngựa mà họ thừa hưởng từ tổ tiên ở thảo nguyên - không biết cách chiến đấu nào khác ngoài dùng cung đa vật liệu và một ngựa; có người cho rằng quân đội của họ đã có những đoàn kị binh thiết giáp nhưng khả năng này rất khó xảy ra.
Phải thừa nhận người Mông Cổ có tiếp nhận vào quân đội mình những người ngoại quốc am hiểu kỹ thuật chiến tranh vây thành; dẫu thế thì kỹ thuật phá thành trước thời thuốc súng là một phương pháp rất vất vả và tốn nhiều thời gian để xâm nhập được vào các thành lũy, nơi quân phòng ngự quyết tâm kháng cự.
Vì thế, tuy có thể suy diễn ngược lại, song gần như chắc chắn rằng người Mông Cổ chưa biết cách sử dụng thuốc súng - nếu quả thực thời đó thuốc súng đã được sử dụng; tuy nhiên, họ vẫn chế ngự được một loạt thành quách ở phương Đông và phương Tây - Ultrar ở Transoxiana (1220), Balkh, Merv, Herat và Nishapur ở Ba Tư (1221) và Ninh Hạ, kinh đô của Tây Hạ (1226) - chúng ta phải kết luận rằng nói chung thì các đơn vị đồn trú đã đầu hàng mà không đánh đấm gì cả[2].
Điều quan trọng là tại Gurganj, một thành phố của Ba Tư, nơi quân Mông Cổ gặp sự kháng cự ráo riết, cuộc vây thành kéo dài từ tháng mười 1220 đến tháng tư 1221, chính xác là mức độ trì hoãn mà các chiến binh phong kiến ở phương Tây thời ấy dự kiến sẽ gặp phải trong những hoạt động tương tự.
Cuốn sách Lịch sử chiến tranh mang đến cho bạn đọc nhiều thông tin thú vị về các trận chiến trong tiến trình phát triển của xã hội. Ảnh: Quỳnh Anh. |
Một điều khả dĩ trong bối cảnh ấy là lời đồn đại rằng người Mông Cổ không thể bị đánh bại. Chúng ta biết rằng Bokhara và Samarkand đã đầu hàng ngay khi thấy quân Mông Cổ xuất hiện; ở Bokhara, Thành Cát Tư Hãn, có lẽ gợi lên bóng ma của Attila, đã thuyết giáo trong ngôi đền Hồi giáo chính, tự mô tả mình như “ngọn roi của Thượng Đế”.
Điều gì làm cho quân Mông Cổ nức tiếng bất khả chiến bại như vậy? Quân Mông Cổ biết dùng bàn đạp yên ngựa còn quân Hung của Attila thì không, nhưng bàn đạp yên ngựa đã được sử dụng phổ biến từ 500 năm rồi. Có lẽ qua thời gian, ngựa của quân Mông Cổ được gây giống tốt hơn ngựa của quân Hung; cùng với sự cải thiện thuật cưỡi ngựa, họ có thể duy trì đàn ngựa đông đảo, nhưng người Thổ hẳn cũng có những thuận lợi này.
Thành Cát Tư Hãn và các con trai của ông ta áp đặt một kỷ luật tàn bạo đối với người trong bộ lạc của họ: bộ luật yasa của họ quy định rằng của cải cướp được là của chung, ghép tội tử hình một chiến binh nào bỏ rơi đồng đội trong chiến trận, cấm đoán tư lợi cá nhân và thói bỏ chạy trước hiểm nguy vốn rất đặc trưng cho chiến tranh “sơ khai”, có lẽ những quy định này cho phép chúng ta coi đoàn kị binh Mông Cổ như một quân đội, hoạt động bên trên “chân trời quân sự” chứ không phải chỉ là một lũ người gây chiến[3].
Dù vậy, vẫn khó mà hiểu rõ được những lý do khiến người ta nhanh chóng sợ hãi họ.
Có thể nắm được trọng tâm của vấn đề nếu chúng ta vứt bỏ quan niệm cho rằng những cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ là một thứ đại dịch quân sự, gần như cùng lúc bùng nổ khắp vùng bị nhiễm, và thừa nhận rằng các cuộc xâm lăng ấy phát triển lên từ những khởi đầu nhỏ và được thực hiện với kỹ năng tàn bạo.
Có người cho rằng báo thù là động cơ của người Mông Cổ và điều chắc chắn đúng là chiến dịch thành công đầu tiên của họ là chống lại nhà Kim, những kẻ đã đòi Thành Cát Tư Hãn phải cống nạp cho họ như một chư hầu, điều chẳng khác gì sỉ nhục; chiến dịch thành công thứ hai của người Mông Cổ là chống lại người Khwarazamia, những kẻ tráo trở đã giết các sứ giả đến yêu cầu quyền mậu dịch. Tuy nhiên, Thành Cát Tư Hãn không hề tấn công mà không tính toán trước; giống như Alexander Đại Đế, ông thu thập tất cả tin tức tình báo về các nạn nhân mà mình nhắm đến và duy trì một mạng lưới gián điệp rộng lớn.
Cũng giống Alexander, ông là một nhà chiến lược sáng suốt. Trước khi ra quân đánh Kim, ông hủy bỏ phương án vượt qua sa mạc Gobi, con đường thẳng nhưng nhiều khó khăn, để chọn con đường vòng qua hành lang Cam Túc, phần tiếp nối của Con Đường Tơ Lụa, phía đông của con đường hẹp thông qua núi Dzungaria dẫn đến phần cuối của Vạn Lý Trường Thành. Ông coi việc phải đánh bại Tây Hạ là sự mở đầu cần thiết để tiến hành chiến dịch.
Tây Hạ dường như cũng là một mục tiêu hấp dẫn. Có người cho rằng nước Tây Hạ chỉ là một trong các nhóm sắc dân du mục, mà tất cả đều dự vào một cuộc tranh đấu ngầm, và trong mắt người ngoài là không được thừa nhận, để tái lập đế quốc thảo nguyên thống nhất mà người Thổ đã cho ra đời lần đầu tiên vào thế kỷ VI.
[...]
[1]. B. Manz, The Rise and Rule of Tamerlane (Sự nổi dậy và cai trị của Thiếp Mộc Nhi), Cambridge, 1989, tr. 4.
[2]. Saunders, sđd, các trang 196-199.
[3]. Kwantem, sđd, tr. 192.