Giá vàng giảm mạnh trong tháng này. Ảnh: Bloomberg. |
Trong phiên giao dịch ngày 23/2 trên sàn New York, giá vàng vừa trượt xuống dưới ngưỡng 1.818 USD/ounce, đánh dấu mức thấp nhất kể từ đầu năm, rồi bật tăng phần nào lên 1.820 USD/ounce, nhưng vẫn giảm 5 USD/ounce so với phiên liền trước.
So với mức cao nhất 9 tháng được thiết lập hồi đầu tháng 2 (1.957 USD/ounce), giá của mỗi ounce vàng đã giảm 137 USD. Theo giới quan sát, nhiều lực cản đang cùng lúc tạo sức ép lên thị trường kim loại quý, trong đó có áp lực chốt lời của các nhà đầu tư, tình hình lạm phát tại Mỹ và những bình luận gần đây của các quan chức Fed.
Giá vàng đã bước vào đà tăng trưởng mạnh mẽ từ cuối năm ngoái và vọt lên mức cao nhất 9 tháng hồi đầu tháng. Một số nhà phân tích dự đoán kim loại quý sẽ sớm thiết lập kỷ lục mới. Thời điểm đó, giới đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất và có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Lạm phát vẫn nóng
Nhưng những dữ liệu mới nhất của nền kinh tế Mỹ nói lên câu chuyện khác. Tất cả chỉ ra lạm phát tại nước này vẫn còn rất nóng và thậm chí có khả năng tăng trở lại.
Theo dữ liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 16/2, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng 1 đã tăng 0,7% so với tháng 12/2022 và 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 6/2022 và cao hơn dự đoán trước đó của giới quan sát.
PPI đi lên sẽ tiếp thêm nhiệt lượng cho đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI), vốn đã tăng vượt dự báo của giới quan sát trong tháng 1.
Theo dữ liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 14/2, lạm phát tại Mỹ tăng cao trong tháng 1 do chi phí nhà ở, giá xăng và nhiên liệu đi lên. CPI tăng 0,5% so với tháng trước đó và 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Biến động của giá vàng trong phiên 23/2 trên sàn New York. Ảnh: Kitco.com. |
Không dừng lại ở đó, các dữ liệu về thị trường việc làm của Mỹ cho thấy cung lao động vẫn chưa theo kịp cầu. Doanh số bán lẻ trong tháng 1 cũng cao hơn dự đoán của giới quan sát. Và tâm lý người tiêu dùng được cải thiện đáng kể.
Tất cả cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế Mỹ vẫn còn rất tốt. Đó đáng lẽ sẽ là tin vui. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ Fed đang muốn hạ nhiệt tăng trưởng kinh tế, chi tiêu tiêu dùng và thị trường việc làm để kìm hãm lạm phát.
Nếu các dữ liệu chỉ ra người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chi tiêu và tăng trưởng tiền lương còn mạnh mẽ, Fed sẽ phải hành động nhiều hơn để kìm hãm lạm phát.
Lãi suất cực đại của chu kỳ tăng do đó sẽ cao hơn những gì đang được các thị trường định giá. Điều này có thể đè nặng lên thị trường vàng, vốn rất nhạy cảm với lãi suất.
Nhà đầu tư bán tháo
Những bình luận gần đây của các quan chức Fed khiến thị trường càng thêm lo sợ. Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, ông James Bullard - Chủ tịch Fed St. Louis - khẳng định việc tăng lãi suất mạnh tay hơn sẽ mang lại cho FOMC nhiều cơ hội kìm hãm lạm phát hơn. Ông cho rằng lạm phát đã giảm so với năm ngoái nhưng vẫn còn ở mức cao.
Cách đây một tuần, ông Bullard và Chủ tịch Fed Cleveland - Loretta Mester - đều ủng hộ việc tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp đầu tiên của năm 2023, thay vì 0,25 điểm phần trăm như quyết định của FOMC.
Cả hai tiết lộ sẽ ủng hộ việc tăng lãi suất mạnh tay hơn trong cuộc họp tháng 3.
Theo biên bản cuộc họp mới nhất của Fed được công bố hôm 22/2, các quan chức chỉ ra những dấu hiệu cho thấy lạm phát đã đi xuống, nhưng không đủ để dừng tăng lãi suất. Biên bản nhấn mạnh lạm phát "vẫn cao hơn" mục tiêu 2% của Fed.
Các rủi ro về lãi suất khiến nhiều nhà đầu tư nhanh chóng chốt lời. Dù đã lao dốc, giá vàng vẫn tăng 131 USD/ounce so với mức thấp của năm ngoái, được thiết lập hồi cuối tháng 9.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.