Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điều gì đang ghìm giá dầu

Nhu cầu dầu tại Trung Quốc dự kiến ghi nhận năm đầu tiên sụt giảm trong vòng 30 năm. Trong khi đó, triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi cũng khiến giá dầu khó tăng mạnh.

Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 16/9 (theo giờ Việt Nam), sau một tuần trồi sụt liên tục, giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu hiện ở quanh mức 91,2 USD/thùng. Trong vòng một tuần qua, giá có lúc tăng lên gần 96 USD/thùng rồi giảm xuống sát ngưỡng 90 USD/thùng.

Giá dầu WTI chuẩn Mỹ cũng giảm từ gần 90 USD/thùng hôm 14/9 xuống 85,2 USD/thùng.

"Thị trường dầu lại vừa trải qua một tuần biến động. Lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã làm giảm triển vọng nhu cầu dầu. Tuy nhiên, OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) cũng phát đi tín hiệu sẽ sẵn sàng vào cuộc nếu giá giảm quá sâu", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao tại Anh - bình luận với Zing.

gia dau tho anh 1

Giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu biến động mạnh trong vòng một tuần qua. Ảnh: Trading Economics.

Nhu cầu trên đà suy yếu

Nguy cơ suy thoái của nền kinh tế toàn cầu tạo sức ép lên giá dầu. Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang đẩy mạnh thắt chặt chính sách để kìm hãm lạm phát. Giá cả leo thang cũng triệt tiêu sức mua của người tiêu dùng.

Giới quan sát dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách diễn ra trong tháng này, nhất là khi chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 8 đã tăng vượt dự báo.

Theo giới quan sát, báo cáo lạm phát của Mỹ dập tắt kỳ vọng của nhà đầu tư về thời điểm FED chấm dứt chu kỳ thắt chặt chính sách. Lãi suất và sức mạnh của đồng bạc xanh tăng cao sẽ là tin xấu với các thị trường hàng hóa, trong đó có dầu.

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết Trung Quốc đang đối mặt với sự sụt giảm về nhu cầu dầu lớn nhất trong hơn 30 năm. Nhiều thành phố vẫn bị phong tỏa để đối phó với dịch Covid-19. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản cũng đè nặng lên sức mạnh tiêu dùng tại đất nước 1,4 tỷ dân.

Theo dự báo của IEA, nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ giảm 420.000 thùng/ngày, tương đương 2,7% trong năm nay. Đây sẽ là năm giảm đầu tiên kể từ khi nhu cầu dầu lao dốc 1% trong năm 1990.

gia dau tho anh 2

Nhu cầu dầu tại Trung Quốc có thể giảm mạnh vì các lệnh phong tỏa liên quan đến dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc đã áp đặt các hạn chế chống dịch gắt gao, trong đó có phong tỏa những khu vực như siêu đô thị Thành Đô với 21 triệu dân. Trong khi đó, giá nhà ghi nhận 11 tháng giảm liên tiếp bất chấp nỗ lực giải cứu của chính phủ.

IEA cho rằng sự suy yếu về nhu cầu của thị trường Trung Quốc sẽ tác động tới thị trường toàn cầu. Đất nước 1,4 tỷ dân là nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới trong suốt 20 năm qua. Nhu cầu dầu vẫn tăng lên trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 và năm 2020.

Theo dự báo mới nhất của IEA, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng trưởng 2 triệu thùng/ngày trong năm nay, chủ yếu tập trung vào nửa đầu năm.

"Giờ đây, môi trường kinh tế đang xấu đi, các đợt phong tỏa để chống dịch ở Trung Quốc đang đè nặng lên tâm lý thị trường", IEA nhận định.

Nguy cơ thắt chặt nguồn cung

Theo IEA, khi triển vọng kinh tế xấu đi, việc chuyển từ sản xuất điện bằng khí đốt sang dầu sẽ bù đắp nhu cầu dầu, đưa mức tăng lên 700.000 thùng/ngày trong quý IV và quý I năm sau, nhất là tại châu Âu và Trung Đông.

Trên thực tế, nguồn cung dầu toàn cầu vẫn đứng trước rủi ro bị thắt chặt. Hoạt động xuất khẩu dầu của Nga gặp khó khi Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch áp đặt lệnh cấm đối với các dịch vụ vận chuyển dầu qua đường biển kể từ ngày 5/12.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa đã phát đi tín hiệu sẵn sàng vào cuộc nếu giá dầu giảm quá sâu

Ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao tại Anh

IEA ước tính lệnh cấm sẽ khiến sản lượng dầu của Nga giảm xuống 9,5 triệu thùng/ngày vào tháng 2 năm sau, giảm 1,9 triệu thùng/ngày so với tháng 2 năm nay.

Tuy nhiên, sản lượng dầu của Nga sẽ ghi nhận mức giảm ít hơn nếu G7 triển khai kế hoạch áp trần giá dầu thành công.

Khi triển vọng kinh tế xấu đi, OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) cũng chuyển hướng từ tăng sản lượng sang thắt chặt nguồn cung để giữ giá dầu ở mức cao. Nhóm này cảnh báo có thể tiếp tục cắt giảm sản lượng trong những tháng tới.

Ngoài ra, nguồn cung dầu diesel dùng cho xe tải và nhiên liệu máy bay vẫn "rất khan hiếm", theo IEA. Thị trường dầu diesel đang rơi vào tình trạng thắt chặt do Trung Quốc và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu.

Đức vẫn mua hàng tỷ USD hàng hóa từ Nga

Dù Đức đã giảm nhập khẩu từ Nga, giá cả tăng cao vẫn khiến nước này phải trả hàng tỷ USD để mua hàng hóa Nga, tăng tới 10% so với một năm trước đó.

Sai lầm của Trung Quốc khi siết tín dụng ngành địa ốc

Ảnh hưởng của việc siết tín dụng trong ngành địa ốc đã nằm ngoài kiểm soát của Bắc Kinh. Khi nền kinh tế suy yếu vì dịch bệnh và hạn hán, Trung Quốc buộc phải sửa sai.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm